MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều người dân phá ruộng, nuôi cá tra vì lợi nhuận "khủng"

04-06-2018 - 13:48 PM | Thị trường

Nhờ được giá, mang lại lợi nhuận “khủng”, gần đây, người dân một số tỉnh, thành ở ĐBSCL ồ ạt cải tạo, phá ruộng đào ao nuôi cá tra giống và cá tra thương phẩm. Vấn đề này đã được cảnh báo tiềm ẩn rủi ro lớn khi cung vượt cầu.

Đua nhau phá đất lúa làm ao

Ở khu vực ĐBSCL như các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Long An... là những địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn. Trước cơn sốt về giá, hiện nơi đây tiếp tục tăng diện tích nuôi một cách bất thường. Ghi nhận tại xã Tân Hoà (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) chỉ trong thời gian ngắn, diện tích nuôi tăng lên hàng chục ha.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hoà - cho biết, theo thống kê cuối năm 2017, diện tích nuôi cá tra toàn xã khoảng 25 ha, với 32 hộ nuôi. Nhưng mới đây, con số này đã lên đến 75 ha, với 108 hộ nuôi. Theo nhận định, đến cuối năm 2018 có thể sẽ tăng lên gần 200 ha.  “Có người gần nhà tôi thả nuôi 1,4 ha, sáng nay đang bán cho thương lái. Nghe bảo, ước tính trừ chi phí, lãi trên 600 triệu đồng" - ông Mười kể. Ông Mười phân tích, thời điểm này, cá tra giống bán với giá từ 40.000 -  50.000 đồng/kg. Cao điểm, có lúc lên 70.000 đồng/kg mà thời gian ương, nuôi chỉ khoảng 3 tháng. Tính trung bình, làm 1 ha lúa một năm lãi khoảng 70 triệu đồng, trong khi nuôi cá tra giống lãi gấp khoảng 10 lần. Đó là lý do người dân ồ ạt phá ruộng nuôi cá.

Theo ông Mười, hầu hết các hộ chuyển trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra trong địa bàn xã mà chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cái này gọi là nuôi tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch. Không chỉ người dân mà một số doanh nghiệp cũng đã “vào cuộc” bằng việc thuê đất ruộng để đào ao nuôi cá. “Tôi có 1 ha đất ruộng vừa cho thuê với giá 50 triệu đồng/năm, kí hợp đồng có thời hạn 5 năm. Đa số đất ruộng được chọn thuê phải là đất mặt tiền giáp đường lộ hoặc gần sông để tiện cho việc vận chuyển” - một chủ đất cho biết.

Dọc theo tuyến kênh Tân Thành - Lò Gạch của xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nhiều diện tích đất lúa đã được người dân đào xới làm ao nuôi cá. Ông Nguyễn Văn Tân (xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng) - cho biết, ông là cán bộ công tác ở địa phương, nhưng trước tình hình cá tra được giá như hiện nay, ông đã quyết định chuyển 3.000m2 đất ruộng sang đào ao nuôi cá. Dù biết rằng quyết định này đầy mạo hiểm khi mà nhà nhà đổ xô phá lúa nuôi cá. Được biết, hiện tiền công đào ao khoảng 8 triệu đồng/1.000m2, nếu chủ ao có nhu cầu làm đầy đủ như làm bờ, làm đường dẫn nước… thì có giá 12 triệu đồng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp, vừa qua sở này đã kiểm tra và phát hiện một số xã trên địa bàn huyện Tân Hồng có hàng chục ha đất ruộng được người dân tự ý đào ao nuôi cá mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương. Sau đó, UBND huyện Tân Hồng đã xử lý 15 trường hợp vi phạm.

Cảnh báo rủi ro khi cung vượt cầu

Ông Mai Văn Siêng - Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - cho biết, trước tình trạng người dân đào ao, ồ ạt nuôi cá tra trên địa bàn, huyện cũng thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, xử lý khi phát hiện nuôi tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch. “Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không vì lợi nhuận trước mắt mà chạy theo phong trào, tự ý đào ao nuôi cá tự phát ngoài quy hoạch, sai quy định, đồng thời dẫn đến nguồn cung vượt cầu, về lâu dài rủi ro rất cao… Mấy năm trước, ở đây cũng đã từng có nhiều trường hợp thua lỗ, treo ao vì giá cá rớt thê thảm” - ông Siêng nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều - Phó giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ - cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 700 ha nuôi cá tra. Con số này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ của năm 2017. Trước tình trạng người dân đua nhau nuôi cá tra, bà Kiều cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo đến người dân không nên nuôi ồ ạt mà không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Bởi như vậy, sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi mà quá nhiều người nuôi, dẫn đến cung lớn hơn cầu. Lúc đó giá sẽ rớt xuống thấp, dễ thua lỗ. Ngoài ra, còn khuyến cáo người dân nuôi đúng vùng quy hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường. Tránh ồ ạt phá ruộng đào ao nuôi cá đến lúc thất bại, muốn quay lại trồng lúa sẽ rất khó khăn để cải tạo, phục hồi lại ruộng.

Ngày 22.5, trả lời PV báo Lao Động, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho biết, Hiệp hội đã có cảnh báo về việc người dân một số địa phương ở ĐBSCL ồ ạt phá ruộng nuôi cá tra giống nguy cơ cung vượt quá cầu sẽ thua lỗ. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng trên là do người dân thấy lợi nhuận trước mắt mà không nghe khuyến cáo. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp địa phương quản lý chưa chặt chẽ để nuôi tự phát ồ ạt ngoài quy hoạch. 

Để thị trường tiêu thụ cá tra được tốt, theo ông Quân cần xúc tiến thị trường trong nước cho mạnh, phòng khi thị trường nước ngoài gặp khó khăn thì chúng ta vẫn có thể tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống ở nước ngoài như Mỹ, Châu Âu… vẫn phải đẩy mạnh. Đồng thời, phải có chính sách cho doanh nghiệp để xây dựng các cơ sở sản xuất giống, chính sách về đất đai để họ đầu tư xây dựng vùng giống, quy hoạch vùng nuôi và nhà nước phải quản lý quy hoạch cho tốt. Mặt khác, cần phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phải đảm bảo về chất lượng. Có như vậy mới bền vững.

Bộ NNPTNT vừa có công văn số 2995 nêu rõ: Để quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành cá tra trong năm 2018 và các năm tiếp theo, đề nghị các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nghiêm quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Trong đó, lưu ý kiểm tra điều kiện sản xuất của tất cả cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý giống thủy sản. Trong đó, đặc biệt lưu ý kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Để đạt được những mục tiêu này, các tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản xây dựng mô hình hợp tác, tạo thành vùng sản xuất tập trung. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (chỉ thả nuôi khi đã xác định được địa chỉ đầu ra hoặc có liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm); Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương/nuôi cá tra; Hướng dẫn mật độ thả nuôi phù hợp; Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

Theo Trần Tuấn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên