MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà băng dịch chuyển nhân sự cấp cao

02-03-2020 - 14:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Mùa Đại hội đồng cổ đông sắp đến, nhiều ngân hàng đã có những dịch chuyển về nhân sự cấp cao cùng các kế hoạch “bầu bán” mới.

Mở màn cho thay đổi nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất trong năm 2020 phải kể đến LienVietPost Bank (LPB) với công bố chấp thuận từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đình Thắng. Cùng ngày, HĐQT LPB đã bầu ông Huỳnh Ngọc Huy làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ III (2018-2023).

Đáng chú ý, dù từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân, đến đầu 2020, cựu Chủ tịch HĐQT LPB Nguyễn Đình Thắng vẫn là cổ đông nắm giữ khoảng 32 triệu cổ phần LPB. Quyết định từ nhiệm của ông Thắng nếu trước đó một tháng, cũng được cho là hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của nhiều người khi ông chỉ mới giữ ghế Chủ tịch HĐQT tại đây vào tháng 3/2018. Ông Thắng đã đầu tư tâm huyết vào phát triển các sản phẩm số hóa nhằm thay đổi LPB với tầm nhìn dài hạn trên thị trường.

Một quyết định thay đổi lãnh đạo cấp cao khác gây chú ý và có phần nuối tiếc là việc HĐQT Techcombank (TCB) cũng đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Lê Quốc Anh. Theo đó, ông Quốc Anh sẽ rời vị trí CEO từ ngày 1/9/2020.

Chia sẻ tại buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh và gặp gỡ nhà đầu tư của TCB vừa diễn ra mới đây tại TP HCM, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết sẽ bàn giao công việc, hỗ trợ HĐQT lựa chọn CEO mới. Ông cũng khẳng định: "Nền tảng của Techcombank là ở tất cả mọi người. Thành công trong tương lai cũng nằm ở đội ngũ lãnh đạo chứ không phải một người".

Nhiều nhà băng dịch chuyển nhân sự cấp cao - Ảnh 1.

Thành công của CEO Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh sẽ là áp lực cho người kế nhiệm?

Tuy vậy, quyết định rời ghế CEO của ông Nguyễn Lê Quốc Anh vẫn khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến chuyện rời khỏi ghế Tổng giám đốc của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk.

Tương tự như bà Liên ở vị trí thuyền trưởng dẫn dắt doanh nghiệp sữa đến những đỉnh cao, ông Quốc Anh đã có thời gian gắn bó và ghi dấu ấn tại Techcombank, đưa ngân hàng này trong 5 năm qua đạt tăng trưởng vượt bậc với vốn chủ sở hữu tăng gấp 4 lần, tổng tài sản tăng gấp 2 lần, tăng trưởng trước thuế hàng năm với tốc độ 61%, tăng trưởng doanh thu hàng năm 23% và giữ 17 quý tăng trưởng liên tiếp kể từ cuối 2015.

Tại cuối 2019, Techcombank là ngân hàng số 2 về giá trị lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế 12,8 nghìn tỷ đồng, doanh thu đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 31,3% và 24,7% so với năm 2018.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh cũng cho biết trong năm 2019, Techcombank đã có thêm 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 7,3 triệu, là minh chứng của thành công với chiến lược "lấy khách hàng làm trọng tâm" – tập trung để phục vụ khách hàng theo mong muốn "Ngon, bổ, rẻ -Ngay và luôn" - nhưng ngân hàng vẫn đạt mục đích tối ưu hóa lợi nhuận.

Với việc từ nhiệm của CEO Nguyễn Lê Quốc Anh, ai sẽ được lựa chọn là thuyền trưởng tiếp tục lèo lái Techcombank giữ được đà tăng trưởng như hiện tại hoặc thậm chí hơn - Đó sẽ là áp lực của người mới. Cũng vì vậy, ghế CEO Techcombank tương lai trở thành một tâm điểm của thị trường.

Nếu việc thay đổi nhân sự có báo trước tại Techcombank gây chú ý lớn thì thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với hai Phó Tổng Giám đốc người nước ngoài của VPBank (VPB) được xem như một thay đổi không gây nhiều xáo trộn chiến lược điều hành của ngân hàng.

2 vị trí thôi nhiệm là ông Kosaraju Kiran Babu, PTGĐ kiêm Giám đốc khối Tín dụng tiểu thương, đã tham gia phát triển mảng này cho VPBank trong thời gian từ 2014 và góp phần tạo thương hiệu CommCredit; và ông Sanjeev Nanavati, người giữ vị trí PTGĐ Thường trực từ 2018.

Sau quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên, hiện Ban Tổng Giám đốc của VPB có Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Đức Vinh cùng 8 vị Phó Tổng giám đốc. Trong đó còn có ông Fung Kai Jin là lãnh đạo người nước ngoài duy nhất ở cương vị Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank hiện tại.

Một nhà băng khác cũng đang hút chú ý đặc biệt trong kỳ đại hội cổ đông tới đây về kế hoạch nhân sự là Eximbank (EIB). Ngay đầu tháng 2 vừa qua, một lãnh đạo Eximbank, ông Rahn Wood, đã trở thành Tân Tổng Giám đốc Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Mai Linh.

Ông Wood hơn 33 năm gắn bó với ngân hàng và nhiều năm ở Việt Nam, dịch chuyển từ HSBC Việt Nam sang VIB đến Eximbank..., đã chọn bến đỗ khá xa so với lĩnh vực tài chính sau khi giữ vị trí Phó Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ & PMO (dự án mới của Eximbank).

Nhiều nhà băng dịch chuyển nhân sự cấp cao - Ảnh 2.

Eximbank sẽ tiếp tục có một đại hội mà mọi câu hỏi đổ dồn về kế hoạch nhân sự?

Trong khi đó, cũng tại Eximbank, kỳ Đại hội cổ đông 2019 vẫn còn "gác nợ". Ngân hàng này dự kiến sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường khi được NHNN chấp thuận danh sách nhân sự được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) theo danh sách ứng cử, đề cử mà Eximbank đã thông báo đến cổ đông để nhận và sàng lọc hồ sơ trước đó. Ngay trước thềm đại hội này, ngày 28/2, ngân hàng này cũng có Phó Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Quang Thông (Thành viên HĐQT) được bổ nhiệm theo Nghị quyết do Chủ tịch Cao Xuân Ninh ký. Ông Thông sẽ chức danh này trong nhiệm VI (2015-2020).

Eximbank cũng có kế hoạch đại hội cổ đông 2020 - một sự kiện mà mỗi lá phiếu bầu nhân sự mới trong HĐQT, bao gồm cả Ban Giám đốc lẫn Ban Kiểm soát của Eximbank đều đang được chờ đợi kiếm số để giải mã các câu hỏi: Ông Cao Xuân Ninh liệu có còn tiếp tục giữ ghế Chủ tịch tại Eximbank? Thành viên nào sẽ thay thế Thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Minh Quốc khi ông đã có đơn từ nhiệm? Eximbank liệu sẽ bước qua "quá tam ba bận", thành công đại hội và ngã ngũ quyền lực để tập trung kinh doanh, hay sẽ tiếp tục cuộc tranh chấp bất tận?...

Ngoài các nhà băng trên, giới chuyên môn cho rằng còn có nhiều yếu tố hứa hẹn dẫn đến những thay đổi đáng kể trong dàn lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng. Trong đó, nếu như các nỗ lực tăng vốn bằng cách tìm kiếm các đối tác chiến lược bên ngoài thường dẫn đến những bầu bán bổ sung đại diện vốn vào HĐQT như trường hợp BIDV đã tiến hành ĐHCĐ bất thường cuối 2019, bổ sung Thành viên HĐQT đến từ KEB Hana Bank; thì M&A là một trong những tình huống mang lại đổi thay kiểu "180 độ" đối với ghế nóng Tổng Giám đốc đến các vị trí khác trong Ban điều hành.

Hiện một số ngân hàng đang có kế hoạch M&A và bán vốn là HDBank với sáp nhập PG Bank; SHB, MBBank, OCB… chủ trương tìm đối tác chiến lược hoặc sáp nhập. Đáng chú ý, OCB và MSB đã dự kiến sẽ lên sàn chứng khoán ngay khi tìm được nhà đầu tư, đã có những động thái tìm đối tác có năng lực tài chính và ý muốn đồng hành...

"Với các ngân hàng 0 đồng như CBBank, GPBank, OceanBank hay thậm chí ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt như DongA Bank, việc thay đổi nhân sự hay không có liên quan đến việc cơ quan quản lý có gật đầu với các đề nghị mua vốn đặc biệt và ở mức nào, 50% hay 100% và giao dịch có thể hoàn thành không. Các mức bán vốn này chưa có tiền lệ nhưng không có nghĩa không thể xảy ra. Cùng với đó, Hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 năm nay. Nếu Việt Nam có 2 tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn để được tăng room ngoại lên 49%, và nếu các nhà đầu tư Châu Âu quan tâm…thì đây cũng sẽ là những cánh cửa dẫn đến thay đổi lớn về nhân sự", một chuyên gia ngân hàng đánh giá.

Song vị này cũng lưu ý đây là những tình huống "còn xa". Với các diễn biến hiện tại và lịch đại hội cổ đông đã được lên, diễn biến dịch chuyển, thay đổi nhân sự cấp cao tại các nhà băng theo đó, đã bắt đầu hứa hẹn tăng sức nóng.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên