Nhiều yếu tố gây áp lực mặt bằng giá tháng 10
Dự báo tháng 10-2016, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng nhẹ so với tháng 9 do tác động của đợt tăng giá xăng dầu 29-9 và 5-10; tác động độ trễ của việc tăng giá học phí năm học 2016-2017 của đa số các địa phương; khả năng tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình,...
- 29-09-2016Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm sẽ tăng ở mức nào?
- 20-09-2016Điều chỉnh linh hoạt, giá xăng không còn "sốc" với người tiêu dùng
- 01-08-2016Chủ động kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng
Điều hành giá sát thực tế
9 tháng đầu năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng tương đối thấp từ năm 2010 trở lại đây (trừ năm 2015). Bình quân mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,34%.
Trong cơ cấu tính CPI bình quân 9 tháng theo 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có thể thấy mức tăng chung thấp hơn mức tăng phổ biến của các nhóm hàng khoảng 0,2% và thấp hơn nhiều so với mức tăng mạnh của nhóm thuốc và dịch vụ y tế (22,02%) và nhóm giáo dục (4,83%). Nguyên nhân là do nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông giảm lần lượt 8,95% và 0,63%, giúp kéo mặt bằng giá chung giảm xuống.
Phân tích thêm về những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong 9 tháng qua, Cục Quản lý giá cho biết: Mặc dù trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhu cầu đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao hơn bình thường nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nên giá không tăng cao.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết những năm gần đây đã thay đổi so với những năm trước, người dân không còn tâm lý mua tích trữ hàng hóa vào những ngày giáp Tết do các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa trở lại sớm nên đã giảm áp lực tăng giá vào tháng Tết.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý 1 và quý 3-2016 như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép.
Đặc biệt, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn; đồng thời có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các bộ tổng hợp (Tài chính - Ngân hàng Nhà nước - Kế hoạch và Đầu tư) với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nhất là trong điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục.
Giá một số mặt hàng thiết yếu ổn định
Dự báo tháng 10-2016, Cục Quản lý giá cho rằng CPI sẽ tăng nhẹ so với tháng 9 do tác động của đợt tăng giá xăng dầu 29-9 và 5-10; tác động độ trễ của việc tăng giá học phí năm học 2016-2017 của đa số các địa phương; khả năng tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình,...
Tuy vậy, giá một số mặt hàng thiết yếu được dự báo sẽ duy trì sự ổn định hoặc chỉ biến động nhẹ.
Đến hết tháng 9-2016, 888 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Sở Tài chính các địa phương. Biện pháp bình ổn giá sữa cũng đã được Chính phủ đồng ý tiếp tục áp dụng đến hết 31-12-2016, do đó, giá các sản phẩm này sẽ tiếp tục ổn định.
Thị trường dược phẩm 9 tháng khá ổn định, đáp ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 33/2.138 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu kê khai lại giá (có điều chỉnh tăng); 243/3.247 lượt mặt hàng thuốc sản xuất trong nước kê khai lại giá (có điều chỉnh tăng). Như vậy, việc biến động giá thuốc là rất ít, chỉ khoảng 0,4% trong tổng số mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Tháng 10 này, giá thuốc được dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Mặt hàng phân bón ure luôn trong xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp trong 9 tháng qua do nhu cầu thị trường thấp, trong khi nguồn cung trong nước tương đối dồi dào, nguồn hàng nhập khẩu giá thấp. Trong thời gian tới, nhu cầu phân bón cho thị trường Đông Xuân tăng, giá phân bón thế giới chịu tác động của giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng nên cũng có thể tăng. Tuy nhiên, do nguồn cung cả trong và ngoài nước vẫn được đánh giá là cao, giá thấp nên giá phân bón sẽ không có biến động lớn.
Riêng giá xăng dầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Nhìn lại 9 tháng có thể thấy giá xăng dầu liên tục biến động. Nếu so sánh giá thế giới bình quân tháng 2-2016 với tháng 1-2016 thì mặt hàng xăng giảm 12,08%; mặt hàng dầu tăng 2,33%-8,20%. Trong tháng 3, các mặt hàng xăng dầu tăng 13,72%-18,07%. Giá bình quân tháng 4 tiếp tục tăng 3,79%-8,69% so với tháng 3,...
Từ tháng 7, giá thế giới các mặt hàng xăng dầu lại diễn biến trái chiều. Giá xăng, dầu diesel, dầu hỏa giảm 4,49%-12,01% trong khi giá dầu mazut tăng 2,4%. Tháng 8, các mặt hàng dầu lại giảm giá 2,33%-3,6% còn xăng tăng giá 1,71%. Đến tháng 9, các mặt hàng lại đồng loạt tăng giá 1,14%-7,48% tùy từng mặt hàng.
Với việc giá dầu thế giới bất ổn, cộng hưởng với tác động trái chiều của nhiều nhân tố chính trị, kinh tế, kỹ thuật, giá xăng dầu thời gian tới vẫn là ẩn số với các nhà dự báo.
Báo hải quan