Nhìn lại 5 thương vụ rót vốn triệu đô trên Shark Tank Việt Nam để thấy deal đầu tư vào Luxstay vừa rồi các Shark vung tay mạnh cỡ nào
Tính thêm thương vụ cam kết rót vốn vào Luxstay mới đây, lịch sử Shark Tank Việt Nam ghi nhận 5 thương vụ cam kết/thực rót triệu USD. Do gọi vốn ở những giai đoạn tăng trưởng khác nhau của startup, Luxstay trở thành cái tên nổi trội nhất trong tất cả các deal với số cổ phần hoán đổi không quá lớn, và các Shark vung tay lại khá thoáng.
Sau 2 năm phát sóng, Shark Tank Việt Nam đã ghi nhận 5 thương vụ cam kết/thực rót triệu USD.
1 - Luxstay
Shark đầu tư: 3 Shark Thủy, Hưng, Việt
Vốn đầu tư cam kết: 6 triệu USD
Luxstay là một startup đình đám trong thị trường Home-sharing (chia sẻ căn hộ), được thành lập tranh thủ khi Airbnb chưa vào Việt Nam.
Đây là deal hiếm hoi mà Shark vừa xuống gọi vốn hộ startup vừa trading luôn bằng cách bán cổ phần hiện hữu cho Shark Thủy, bởi lẽ vị cá mập này là nhà đầu tư 2 vòng kiêm thành viên HĐQT của Luxstay - Dzung Nguyễn.
Nửa sau màn gọi vốn của Dũng Nguyễn (Steven Nguyễn) đã trở thành màn gọi vốn của Shark Dzung, nhưng kết quả khá khả quan khi 3 Shark Thủy, Hưng, Việt cuối cùng mỗi người đã đồng tình rót 2 triệu USD/Shark vào Luxstay, trong đó 1 triệu USD của cả 3 Shark đều là quyền mua cổ phần mới ở vòng sau.
Đáng chú ý, trong lần đầu tư này có màn mua cổ phần hiện hữu của Shark Thủy ở mức 500.000 USD cho 2,9% cổ phần. Nhà đầu tư hiện hữu của Luxstay có thể quyết luôn thương vụ này tại chỗ thì chỉ có Shark Dzung. Cho nên với thương vụ này, vừa phải chúc mừng cho Luxstay gọi vốn tiền Series A, vừa mừng cho Shark Dzung Nguyễn exit thành công.
2 - GCalls
Shark đầu tư: Shark Linh
Vốn đầu tư cam kết: 1 triệu USD đổi 45% cổ phần
Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng.
Gcalls nhắm đến thị trường tích hợp và ứng dụng nội dung số Đông Nam Á có trị giá lên tới 38 tỷ USD. Gcalls Việt Nam đã hoạt động được 2 năm, nguồn thu đến từ các thuê bao với mức phí là 157.000 đồng/thuê bao và doanh thu 6 tháng gần nhất là 150.000 USD (tương đương với 3,3 tỷ VND).
CEO GCalls là Tấn Phúc muốn gọi vốn 1 tỷ 249 triệu đồng cho 1% cổ phần. Tuy nhiên, Shark Linh muốn nắm cổ phần ở mức kiểm soát cho nên đã offer mức 1 triệu USD cho 45% cổ phần.
Deal này được phát sóng từ cuối năm 2017, cho đến nay vẫn chưa được rót vốn.
3 - CTCP Công nghệ Nhiệt Mặt trời
Shark đầu tư: Shark Việt
Vốn đầu tư cam kết: 1 triệu USD chia theo giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là 5 tỷ cho 50% cổ phần
CTCP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời do ông Nguyễn Văn Khỏe, nay đã 53 tuổi sáng lập năm 2014. Sau 10 năm nghiên cứu, trong quá trình sấy khô nông sản, ông phát hiện ra công nghệ sấy nhiệt mặt trời, áp dụng cho nông sản, trái cây, quần áo ở khách sạn và bệnh viện.
Hiện công nghệ sấy nhiệt mặt trời của ông Khỏe đang áp dụng cho việc sấy bánh tráng Củ Chi, bún miến…. Theo ông, chi phí giảm một nửa, chất lượng tốt hơn nhờ sấy thuận tự nhiên và theo xu thế xanh vì bảo vệ môi trường.
3 năm đầu công ty chưa có doanh thu vì "không ai biết đó là cái gì". Nhưng năm 2017, doanh thu công ty đã được 5 tỷ đồng.
Công ty được Shark Việt gật đầu đầu tư 1 triệu USD, trong đó giai đoạn đầu tiên là 5 tỷ đồng cho 50% cổ phần; 20 tỷ đồng tiếp theo với lộ trình 10 năm nếu đạt KPI.
Tuy nhiên, trong lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi hồi tháng 3/2019, ông Khỏe cho biết đến thời điểm đó ông và Shark Việt vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Shark Việt và các đồng sự chỉ muốn góp vốn khoảng 5 - 6 tỷ đồng trong giai đoạn đầu, trong khi ông muốn ít nhất Shark cũng phải góp gấp đôi, khoảng trên 10 tỷ.
4 - Pin thông minh Mopo
Shark đầu tư: Shark Hưng
Vốn đầu tư cam kết: 1 triệu USD, trong đó 500.000 USD đổi lấy 25% cổ phần, 500.000 USD là trái phiếu hoặc chuyển thành khoản vay.
Mopo là giải pháp năng lượng lưu động của Power Centric, thuộc sở hữu của chàng Việt kiều Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, đã được chính phủ Mỹ cấp quyền và bảo hộ.
Pin Mopo có kích thước chỉ bằng 1/4 pin ắc-quy chì nhưng có công suất gấp 4 lần, là công nghệ nền tảng thiết yếu cho các ứng dụng như xe máy điện, ô tô điện, năng lượng tái tạo (đặc biệt là giải pháp năng lượng mặt trời cho công trình, tòa nhà). Ngoài ra, pin Mopo cũng thể sử dụng như 1 máy phát điện di động sử dụng cho các thiết bị trong gia đình như tivi, quạt, laptop, điện thoại…
Mopo được Shark Hưng cam kết 1 triệu USD, trong đó 500.000 USD đổi lấy 25% cổ phần, 500.000 USD là trái phiếu hoặc chuyển thành khoản vay. Mới đây, Cengroup đã công bố hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 vào công ty này.
5- Soya Garden
Shark đầu tư: Shark Thủy
Vốn đầu tư cam kết: 15 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần, 11 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi
Vốn đầu tư thực rót: 100 tỷ đồng, tương đương 4,3 triệu USD
Soya Garden là chuỗi F&B từ đậu nành hữu cơ được phát triển bởi hai chị em Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Thu Thủy. Startup chỉ có 2 cửa hàng tự mở, lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 15 tỷ đồng, từng bị 4/5 shark lắc đầu ngày ấy đã được Shark Thủy rót vốn tới 3 lần, với tổng số tiền đầu tư là 100 tỷ đồng.
Hiện Soya Garden có 50 cửa hàng với gần 1.000 nhân viên.
Nếu tính tổng giá trị đầu tư, thương vụ của Soya Garden có thể không lớn bằng Luxstay (vốn cam kết vào Luxstay của 3 Shark Thủy, Hưng, Việt là 6 triệu USD), nhưng đây là vốn thực rót. Bên cạnh đó, trong 6 triệu USD cam kết rót vào Luxstay thì có 3 triệu USD là quyền mua cổ phần mới ở vòng sau, tức các Shark có thể mua, có thể không. Nếu chưa tính đến 3 triệu USD quyền mua ở vòng tiếp theo thì vốn cam kết vào Luxstay ở vòng hiện tại là 3 triệu USD, tương đương gần 70 tỷ đồng.
Trí thức trẻ