Nhìn lại một năm hoạt động đầy khó khăn, thách thức của Liên hợp quốc
023 là năm đặt ra rất nhiều thách thức cho Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
- 01-01-2024Thị trường bán dẫn toàn cầu dự báo tăng trưởng kỷ lục năm 2024
- 01-01-2024Động đất cực mạnh ở Nhật Bản, cảnh báo sóng thần cao tới 5m
- 01-01-2024Dải Gaza: Vô vọng đào tìm 7.000 người dưới đống đổ nát
Năm 2024 đã đến với các thách thức toàn cầu được dự báo ngày càng nặng nề. Nhiều cuộc xung đột chưa có điểm dừng, biến đổi khí hậu thêm trầm trọng, trong khi hợp tác quốc tế bị ảnh hưởng.
Trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa chấm dứt, xung đột Israel - Hamas lại nổ ra. Cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của 20.000 thường dân. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhiều lần họp nhưng không thể tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, vào ngày 22/12/2023, một dự thảo nghị quyết yêu cầu hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức và không bị cản trở quy mô lớn cho người dân Palestine ở Dải Gaza mới được thông qua.
Năm 2023, thế giới đã đi được nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, gần 50% mục tiêu có nguy cơ "tụt dốc", một số quay về vạch xuất phát do dịch bệnh và xung đột góp phần tác động. Trong thông điệp cuối năm, ông Guterres đã nhấn mạnh về sự đoàn kết.
Ông Guterres tuyên bố: "Năm 2023 là năm nóng kỷ lục. Người dân khốn cùng bởi nghèo đói gia tăng. Các cuộc chiến tranh ngày càng tăng về số lượng và niềm tin đang giảm sút. Nhưng đứng chỉ tay và và chĩa súng sẽ không giải quyết được gì. Nhân loại mạnh mẽ nhất là khi chúng ta sát cánh cùng nhau".
Năm 2023, Liên hợp quốc đã nỗ lực gắn kết các thành viên với điểm nhấn là Tuần lễ Cấp cao có 9 hội nghị, cùng sự tham dự của hơn 150 lãnh đạo cấp cao các nước.
Trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, Việt Nam tiếp tục thể hiện được vai trò của mình khi cùng các nước chung tay giải quyết các thách thức. Với tư cách là Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Việt Nam đã cùng các nước thúc đẩy thông qua 339 nghị quyết liên quan tới những vấn đề nóng của thế giới. Và sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Tuần lễ Cấp cao đã cho thấy quyết tâm đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Chúng ta hãy là những thủy thủ có trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng, chung sức, chung lòng, cùng nhau vững tay lái, chắc tay chèo đưa con tàu Liên hợp quốc tới những chân trời mới thịnh vượng và bao trùm hơn".
Đại sứ Đặc Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nói: "Những đóng góp của Việt Nam đối với cho Liên hợp quốc, cho các diễn đàn, tổ chức đa phương như vậy, cùng chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu như vậy, các nước thấy được: thực sự Việt Nam là một nước trách nhiệm. Chúng ta không chỉ tham gia Liên hợp quốc để thu về những lợi ích cho mình mà còn đại diện cho các quốc gia khác cùng giải quyết những vấn đề chung, qua đó vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên đáng kể".
Dù còn nhiều thách thức nhưng 2024 được kỳ vọng sẽ là một năm giúp kết nối, thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa các nước thành viên Liên hợp quốc. Và một trong những điểm nhấn quan trọng nhất, được mong đợi nhất là lần đầu tiên, một hội nghị thượng đỉnh tương lai sẽ được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc vào tháng 9/2024, với tham vọng xây dựng một hiệp ước vì tương lai, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
VTV