MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại năm con trâu cày sâu cuốc bẫm của các doanh nhân tuổi Sửu: Từ sếp tổng Thế giới di động đến chủ tịch Sữa quốc tế IDP

31-01-2022 - 10:51 AM | Doanh nghiệp

Nhìn lại năm con trâu cày sâu cuốc bẫm của các doanh nhân tuổi Sửu: Từ sếp tổng Thế giới di động đến chủ tịch Sữa quốc tế IDP

Hãy cùng nhìn lại một năm cày cuốc chăm chỉ của các doanh nhân tuổi Sửu để thấy sự nghiệp của họ có sự biến chuyển thế nào trong năm Tân Sửu 2021.

Quý Sửu là những người đáng tin cậy do đó họ thường là những người lãnh đạo có uy quyền. Tính cách bướng bỉnh không chịu khuất phục ai của họ được che giấu bởi vẻ ngoài đơn giản, sự thông minh được ẩn dưới lớp vỏ bọc trầm lặng, kiệm lời.

Trần Kinh Doanh

Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số Trần Anh, TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động

 Nhìn lại năm con trâu cày sâu cuốc bẫm của các doanh nhân tuổi Sửu: Từ sếp tổng Thế giới di động đến chủ tịch Sữa quốc tế IDP  - Ảnh 1.

Ông Trần Kinh Doanh là gương mặt không xa lạ với giới kinh doanh. Vị doanh nhân tuổi Quý Sửu này bắt đầu gắn bó với CTCP Thế giới di động từ năm 2007 trên cương vị Tổng giám đốc.

Năm 2007 Thế giới di động mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty là 10 triệu USD theo chia sẻ của ông Chris Freund, tổng giám đốc Mekong Capital. Ông Doanh từng đứng đầu và chịu trách nhiệm phát triển chuỗi Thegioididong.com, Điện máy Xanh.

Năm 2018, ông Doanh rút lui khỏi vị trí CEO Thế giới di động và thay thế là CEO trẻ tuổi Đoàn Văn Hiểu Em. Đến đầu năm 2019, ông Doanh chuyển sang vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, dẫn dắt chung về tất cả hoạt động kinh doanh của MWG. Ông cũng là người dẫn dắt những việc như khai trương và thử nghiệm bán đồng hồ tại Thế giới di động. Sau thương vụ mua lại Trần Anh, ông Doanh đảm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch HĐQT công ty thế giới số Trần Anh.

Khi Thế giới di động ở Bách Hóa Xanh, ông Doanh được điều động sang để xây dựng và phát triển. sau 6 năm xây dựng và phát triển, Bách Hóa Xanh phát triển rất mạnh và đi đúng hướng. Công ty cũng lọt vào Top 3 chuỗi bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng có doanh thu lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng. Mới đây, Bách Hoá Xanh là kênh bán lẻ online chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng duy nhất lọt vào Top 10 website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ mở rộng quy mô, Bách Hoá Xanh còn đạt điểm hòa vốn EBITDA ở cấp độ toàn công ty trong năm 2021.

Năm 2021 bận rộn nhưng có thể xem là năm khá vất vả với vị tổng giám đốc này khi Bách Hóa Xanh gặp phải scandal tăng giá trong bối cảnh dịch Covid-19 hồi giữa tháng 7. Sự cố ồn ào này khiến cả cơ quan quản lý thị trường vào cuộc. Đích thân ông Trần Kinh Doanh phải lên tiếng giải trình với cơ quan chức  năng, báo chí về việc tăng giá này của Bách Hóa Xanh.

Đến đầu năm 2022, ông Trần Kinh Doanh rút khỏi hoạt động điều hành trực tiếp chuỗi Bách Hóa Xanh. Thay vào đó ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động sẽ tiếp quản dẫn dắt chuỗi Bách Hóa Xanh trong năm 2022. Cùng với Bách Hoá Xanh, ông Tài cũng nhấn mạnh sẽ tiến hành IPO bất cứ đơn vị nào trong hệ thống nếu đã hoạt động hiệu quả

Tô Hải

Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa quốc tế

 Nhìn lại năm con trâu cày sâu cuốc bẫm của các doanh nhân tuổi Sửu: Từ sếp tổng Thế giới di động đến chủ tịch Sữa quốc tế IDP  - Ảnh 2.

Doanh nhân tuổi Quý Sửu này hiện sở hữu khối tài sản khoảng 2.144 tỷ đồng (tại thời điểm 21/01/2022) trên sàn chứng khoán. Ngoài vị trí CTCP sữa IDP, vị doanh nhân này còn là thành viên HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt.

Sinh ra tại Thái Bình, ông Tô Hải là cử nhân ngành quản trị công nghiệp, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh. Về sau ông còn có thêm bằng Thạc sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng đại học Sydney.

Là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực chứng khoán nhưng ít người biết ông Hải từng có 3 năm lại việc trong ngành viễn thông tại Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam. Năm 2001, ông Hải chuyển sang làm việc tại Công ty chứng khoán Bảo Việt, đến năm 2007 trở thành giám đốc chi nhánh Tp.HCM của công ty này. Cuối năm 2007 ông Hải giữ chứng vụ Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt, ủy viên HĐQT Công ty xi măng Hà Tiên 1.

Bên cạnh 14 năm điều hành tại chứng khoán Bản Việt, hồi tháng 8 năm 2020, ông Hải bất ngờ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP sữa quốc tế. Công ty sữa này sở hữu nhiều dòng sản phẩm như Lif, Lif Kun, Ba Vì. Đây cũng là nơi "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh từng tham gia tái định vị thương hiệu.

Công ty sữa quốc tế IDP cũng có năm kinh doanh ấn tượng khi đạt mức lợi nhuận sau thuế 823 tỷ đồng, vượt hơn 55% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm 2021. Năm 2021, công ty sữa này cũng là tân binh của sàn Upcom. Ngày 1/1/2021 Sữa Quốc tế đưa gần 59 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom với mã chứng khoán IDP, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 50.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau 1 năm lên sàn IDP đã lọt vào TOP những cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán, giao dịch ở mức "3 chữ số" (thị giá trên 100.000 đồng/cp).

Nguyễn Việt Cường

Chủ tịch HĐQT CTCP Kosy

 Nhìn lại năm con trâu cày sâu cuốc bẫm của các doanh nhân tuổi Sửu: Từ sếp tổng Thế giới di động đến chủ tịch Sữa quốc tế IDP  - Ảnh 3.

Ông Cường có mặt trong danh sách 200 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản khoảng 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên vị doanh nhân này chưa bao giờ xuất hiện trên truyền thông.

Về CTCP Kosy, công ty này được thành lập năm 2008. Công ty này có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 120 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, san lấp mặt bằng. Đến năm 2011 Kosy chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thi công các dự án khu đô thị mới. Hiện 3 mảng kinh doanh chính của đơn vị này gồm: Bất động sản, Xây dựng, Năng lương- Thủy điện.

Từ năm 2016 công ty này bắt đầu triển khai nhiều dự án bất động sản tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Hiện nay công ty này đang triển khai một số dự án lớn tại các tỉnh như: Kosy Mountain View- Lào Cai, Kosy Cầu Gồ- Bắc Giang, KĐT Kosy Sông Công- Thái Nguyên, KĐT mới Kosy Bắc Giang, Kosy Gia Sàng.

Năm 2020 công ty này đạt doanh thu 1.309 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vọn vẹn 22 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra số 1113 về công tác quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn từ 01/01/2010 - 31/12/2018.Tại kết luận này, có tới 15 dự án bị Thành tra Chính phủ "bêu tên" sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất.

Đáng chú ý là sai phạm tại một số dự án BĐS nhà ở luôn thu hút được giới đầu tư trước đây, đó là khu đô thị Kosy Sông Công (thành phố Sông Công) của Tập đoàn Kosy.

Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2003 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của chính phủ về ban hành quy chế quản lý Khu đô thị mới.

Tính tới ngày 23/1/2021, ông Cường sở hữu khối tài sản 3.298 tỷ đồng.

https://cafebiz.vn/nhin-lai-nam-con-trau-cay-sau-cuoc-bam-cua-cac-doanh-nhan-tuoi-suu-tu-sep-tong-the-gioi-di-dong-den-chu-tich-sua-quoc-te-idp-20220121120517575.chn

Theo Thảo Nguyên

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên