MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại sàn UPCoM: Tìm lời giải cho câu hỏi tăng trưởng thanh khoản “đuổi kịp” quy mô

Kể từ cuối năm 2016, sàn UpCom đã có những bước tiến ngoạn mục về quy mô niêm yết, vượt qua sàn HNX và trở thành sàn giao dịch lớn thứ hai chỉ sau HOSE và trở thành phần quan trọng trong cơ cấu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, các doanh nghiệp buộc phải đăng ký giao dịch cổ phần sau CPH trên Upcom, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, đang trong quá trình chuẩn bị niêm yết.

Từ 1/11/12016, thông tư 115/2016/TT-BTC yêu cầu các DNNN đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UpCom, tương đương cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UpCom.

Chỉ 2 tháng sau khi thông tư có hiệu lực, tổng giá trị vốn hóa sàn UpCom đã tăng lên 303 ngàn tỷ, gấp 4 lần năm 2015, với tổng số 417 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Trong năm 2017, quy mô sàn UpCom tiếp tục tăng mạnh với 208 doanh nghiệp đăng ký mới chỉ trong 8 tháng đầu năm, nâng tổng số doanh nghiệp lên 620, với giá trị vốn hóa tính đến ngày 23/8 đạt 454 ngàn tỷ, tăng 49,8% so với năm 2016. Một loạt doanh nghiệp có quy mô vốn lớn đóng góp vào sự tăng trưởng vượt bậc này có thể kể đến ACV, HVN, MCH, QNS, VIB, FOX, DNH, VGT, SCS, DVN đều được lên sàn.

Tốc độ tăng trưởng thanh khoản chưa tương xứng quy mô

Khác với quy mô của sàn UPCoM, chỉ số giá UpCom Index không có nhiều biến động đáng chú ý. Chỉ số gần như đi ngang, chỉ tăng 4,97% trong năm 2016 và tính tới ngày 23/8/2017 tăng 0.43% so với cuối năm 2016 đạt 54.05 điểm.

Điểm tích cực là định giá thị trường có xu hướng giảm dần về mức hợp lý hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn. P/E UpCom Index đã giảm mạnh từ 54.8x vào cuối 2016 xuống 18.6x, cao hơn chút ít so với VN-Index là 15x và HNX-Index là 11.9x.

Cùng với quy mô niêm yết, thanh khoản sàn UpCom cũng tăng nhanh. Giá trị giao dịch bình quân tăng từ 55,7 tỷ/ngày trong năm 2015 lên 124,9 tỷ/ngày trong năm 2016 (tăng 124%), và tăng lên 187,2 tỷ/ngày trong 7 tháng đầu năm 2017 (tăng 50%). Tuy nhiên, tốc độ tăng thanh khoản chưa tương xứng với quy mô, tỷ suất quay vòng chứng khoán hàng năm (ATVR) giảm dần từ mức bình quân 23.4% năm 2015 xuống 10.5% năm 2016 và chỉ còn 9% trong tháng 7/2017.

Nguyên nhân một phần là do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của nhiều doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt là các DNNN mới cổ phần hóa chưa thực hiện bán vốn nhà nước, dẫn tới nguồn cung cổ phiếu trên thị trường bị hạn chế. Bên cạnh đó, hạn chế về công bố thông tin của các các doanh nghiệp trên UpCom cũng khiến NĐT thận trọng hơn trong giao dịch.

Giao dịch khối ngoại tích cực, có thể đón thêm nhiều doanh nghiệp năm 2017

Mặc dù thanh khoản khiêm tốn, giao dịch của khối ngoại trên UpCom có chuyển biến khá tích cực kể từ năm 2017. Tổng giá trị giao dịch của NĐTNN tính từ đầu năm đạt 4.700 tỷ. Tỷ trọng giao dịch tăng mạnh từ 3.13% trong năm 2016 lên 8.03% trong 8 tháng đầu năm 2017. Khối ngoại cũng liên tiếp mua ròng với giá trị đạt tới 1.250 tỷ kể từ đầu năm. Các cổ phiếu dẫn đầu trong danh sách mua ròng của khối ngoại bao gồm QNS (+356 tỷ), ACV (+318 tỷ), GEX (+130 tỷ), HVN (+75 tỷ), SGN (+65 tỷ).

Với quy mô thị trường và chất lượng cổ phiếu gia tăng nhanh chóng, sàn UpCom đang ngày càng hấp dẫn cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hoạt động thoái vốn Nhà nước đang được gấp rút đẩy nhanh sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của UpCom trong thời gian tới.

Ngay trong năm 2017, cổ phần tại 135 DNNN sẽ được chào bán, trong đó có những cái tên đáng chú ý như VEAM, DVN, Vinasugar2, Licogi. Từ nay tới năm 2020, tổng số vốn dự kiến sẽ thoái vào khoảng 65.000 tỷ đồng theo mệnh giá.

Theo Phan Tùng

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên