MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại thập niên 2010: Sau thập kỷ mất mát là thập kỷ lãng quên, nhà đầu tư lại "liều mình như chẳng có"

30-12-2019 - 12:26 PM | Tài chính quốc tế

Nếu nhà đầu tư không nhớ quá nhiều về việc đã mất bao nhiêu ở thị trường "gấu" xảy ra gần nhất, thì rất có thể họ đang quá tự tin về những diễn biến sắp tới của thị trường.

Nếu 2000 - 2009 được gọi là "Thập kỷ Mất mát" đối với giới đầu tư, thì 2010 - 2019 chính là "Thập kỷ của sự lãng quên". Vào tháng 3/2008, E.S. Browning đã viết trên Wall Street Journal rằng "có thể chúng ta đang ở một thập kỷ mất mát khác" đối với thị trường chứng khoán, như cuộc Đại Suy thoái và những năm 1970. Và ông đã đúng. Nhà đầu tư chứng khoán đã chứng kiến khối tài sản bị sụt giảm một nửa trong 2 lần, vào năm 2000-2002 và 2007-2009. Từ năm 2000 đến 2009, S&P 500 có tổng lợi nhuận trung bình hàng năm là 0,95% . Ở thời điểm đó, nhà đầu tư đã trải qua rất nhiều "sóng gió".

Diễn biến của thị trường tài chính có xu hướng đi theo những kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai, mà kỳ vọng đó lại dựa theo những gì vừa diễn ra ở quá khứ. Cuối năm 2009, nhà đầu tư nhìn lại thập kỷ cũ và nhận thấy chứng khoán Mỹ không có thành quả, cổ phiếu giá trị có diễn biến vượt trội so với thị trường, cổ phiếu vốn hoá nhỏ có thành quả tốt hơn cổ phiếu vốn hoá lớn, thị trường chứng khoán quốc tế "vượt mặt" Mỹ, thị trường mới nổi thu được lợi nhuận lớn hơn so với các thị trường phát triển. 

Do đó, vào cuối năm 2009, hầu hết các nhà đầu tư - cá nhân và chuyên gia, đều dự đoán lãi suất sẽ tăng, lạm phát hồi phục, đồng USD yếu đi, hàng hoá bùng nổ và chứng khoán Mỹ gặp nhiều khó khăn. Công ty đầu tư Pacific Investment Management và nhà đồng sáng lập Bill Gross đã tích cực ủng hộ kịch bản về "new normal", cho rằng chứng khoán đem về lợi nhuận đặc biệt thấp sẽ là "điều bình thường mới" trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, 10 năm sau đó, lãi suất đã giảm xuống mức thấp của lịch sử, lạm phát hoàn toàn biến mất, đồng USD mạnh lên, hàng hoá suy yếu và thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục. Hơn nữa, trái phiếu cũng có diễn biến tích cực hơn, cổ phiếu tăng trưởng vượt qua cổ phiếu giá trị, cổ phiếu lớn vượt qua cổ phiếu vốn hoá nhỏ và thị trường ở những nơi khác "theo sau" Mỹ.

Nhà đầu tư rút tiền khỏi các quỹ đầu tư chủ động và đổ tiền vào các quỹ đầu tư thụ động. Theo Morningstar, trong thập kỷ qua, nhà đầu tư đã rút hơn 160 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chủ động, trong khi rót hơn 3,76 nghìn tỷ USD vào các quỹ đầu tư chỉ số.

Dẫu vậy, những điều bất ngờ vẫn "ẩn hiện" ở khắp nơi. Kể từ khi thị trường chạm đáy vào tháng 3/2009 đến cuối năm đó, chỉ số MSCI Emerging Markets đã tăng 108%. Thu hút bởi đà tăng ngoạn mục đó, nhà đầu tư đã đổ gần 180 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ, quỹ ETF, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu của thị trường đang phát triển, trong khoảng cuối năm 2009 đến đầu năm 2013.

Ở thập kỷ này, tính đến hôm 12/12, các thị trường mới nổi có diễn biến kém hơn so với Mỹ, thấp hơn 10 điểm phần trăm. MSCI Emerging Markets cũng không còn đà tăng ấn tượng như trước, tạo ra tổng lợi nhuận tích luỹ là 42,3% kể từ 31/12/2009 - chưa bằng 1/2 lợi nhuận khi thị trường chạm đáy hồi tháng 3/2009 đến cuối năm đó. 

Hầu hết các nhà đầu tư đều cảm thấy không hài lòng khi nhớ lại về những kỳ vọng của họ đã bị thực tế gây thất vọng như thế nào. Bởi vậy, giờ đây, họ đang bị cuốn vào "sự lãng quên", quên đi những kỳ vọng, sự mong đợi của quá khứ. Họ nên tự hỏi rằng, danh mục đầu tư của họ đã mất bao nhiêu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi mức lỗ trung bình là 20% đến 25%?

Tuy nhiên, từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 10/2007 xuống mức đáy vào tháng 3/2009, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất 55%, các thị trường ở phần còn lại của thế giới "bốc hơi" 59%. Do đó, có thể hiểu tại sao nhà đầu tư lại làm ngơ trước những kí ức kinh hoàng này. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018, bởi Legg Mason Global Investors, 14% người Mỹ tham gia đều trả lời rằng họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu nếu cuộc khủng hoảng tài chính khác như quy mô của năm 2008 - 2009 không diễn ra. 28% cho biết họ sẽ "không làm gì" hoặc cân nhắc các khoản đầu tư nhưng cũng không thay đổi.

Nếu không nhớ quá nhiều về việc đã mất bao nhiêu ở thị trường "gấu" xảy ra gần nhất, thì rất có thể họ sẽ quá tự tin về những diễn biến sắp tới của thị trường. Các nhà đầu tư quỹ tương hỗ cũng như vậy, họ đã "cường điệu hoá" khoản lợi nhuận thu về từ cả thị trường giá lên và giá xuống.

Nhìn lại quá khứ có thể là một tấm gương màu hồng, là điều các nhà tâm lý học gọi là "ảo giác tích cực" - một hành vi giúp bạn duy trì sự tự tin, kể cả khi mọi thứ không hoàn toàn chắc chắn sẽ xảy ra theo hướng tích cực. Điều này có thể tốt về mặt tinh thần, nhưng có thể gây hại cho danh mục đầu tư.

Nếu nhà đầu tư đã quên về việc họ hào hứng đón nhận những chiến lược phổ biến nhất cách đây 10 năm - cổ phiếu vốn hoá nhỏ, cổ phiếu giá trị, thị trường mới nổi, hàng hoá, quỹ phòng hộ và những chiến lược thay thế khác, thì có thể họ khá bỡ ngỡ với cách tiếp cận mới nhất ở thời điểm hiện tại - nhiều trong số đó hoàn toàn trái ngược với chiến lược ở 10 năm trước.

Hiện tại, các cổ phiếu lớn của Mỹ và cổ phiếu tăng trưởng là xu hướng đầu tư mới. Quỹ phòng hộ cũng không quá thịnh hành như trước đây và đầu tư ở thị trường nước ngoài không còn phổ biến. Các quỹ sử dụng chiến lược buyout, được vận hành bởi các quỹ PE và quỹ đầu tư mạo hiểm rót tiền vào start-up, rất thịnh hành. Hầu hết nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào những lĩnh vực có diễn biến tốt ở thời gian gần đây.

Mô hình thị trường không đảo ngược trong chu kỳ 10 năm như cách vận hành của một chiếc đồng hồ, không điều gì có thể đảm bảo rằng thập kỷ tới sẽ có diễn biến trái ngược với 10 năm vừa qua. Tuy nhiên, theo WSJ, nhà đầu tư nên ghi nhớ rằng thập kỷ này không hề đi theo hướng họ đã dự đoán cách đây 10 năm. 

Tham khảo Wall Street Journal

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên