MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại vụ bê bối rửa tiền 200 tỷ euro chấn động ngành ngân hàng Bắc Âu

20-10-2019 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Vụ bê bối rửa tiền liên quan đến những ngân hàng lớn của Đan Mạch, Thụy Điển,… đã làm đảo lộn hoạt động ngân hàng Bắc Âu. Danske và Swedbank vẫn đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra và tiếp tục nỗ lực để khôi phục uy tín, giành lại khách hàng.

Danske là ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch với trụ sở chính ở Copenhagen mang hình ảnh của một ngôi đền Hy Lạp, với một quá trình hoạt động, phát triển đáng tự hào. Nhưng ngân hàng này đã liên tiếp trải qua những giai đoạn khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng cũng như niềm tin của khách hàng. Lần đầu tiên là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tiếp theo là vào năm 2013 khi Hội đồng quản trị sa thải Giám đốc điều hành Eivind Kold sau 18 tháng tăng trưởng lợi nhuận đình trệ và một chiến dịch quảng cáo thất bại. Danske nói rằng họ cần một lãnh đạo ngân hàng có trình độ cao hơn. Và mới nhất là năm ngoái, CEO Thomas Borgen, người kế nhiệm ông Kolding, đã từ chức khi Danske bị phanh phui dính líu đến một vụ bê bối rửa tiền khổng lồ. Cơ quan quản lý tài chính của Đan Mạch đã mở một cuộc điều tra và các công tố viên Đan Mạch cũng tiến hành điều tra hình sự.

Cuộc khủng hoảng rửa tiền gây thiệt hại nghiêm trọng cho Danske và các ngân hàng Bắc Âu khác bị cáo buộc liên quan. Năm ngoái, Dự án báo cáo về tội phạm và tham nhũng có tổ chức, một nhóm các nhà báo điều tra, đã trao cho Danske giải thưởng biểu tượng tham nhũng của năm. Liệu ngân hàng này có thể lấy lại danh tiếng và niềm tin của khách hàng và các nhà quản lý không?

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi Danske mua ngân hàng Sampo của Phần Lan cùng với một chi nhánh ở Tallinn, thủ đô Estonia. Trong cùng năm đó, chính quyền Estonia đã phát hiện ra lỗ hổng trong quy trình của Sampo. Ngân hàng trung ương Nga báo cáo với các giám sát viên Đan Mạch rằng khách hàng không thường trú đang tham gia vào các giao dịch nhằm trốn thuế và các khoản thanh toán hải quan, gửi hàng tỷ rúp bất chính hàng tháng. Ngân hàng Nga cũng cảnh báo chính quyền Estonia nhưng không cung cấp thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, theo ông Madis Reimand, người đứng đầu Đơn vị Tình báo Tài chính Estonia (FIU), một bộ phận cảnh sát xử lý tội phạm tài chính.

Đường dẫn chính để lách luật trót lọt tại chi nhánh Estonia của Danske là danh mục hồ sơ không cư trú, bao gồm khoảng 10.000 tài khoản. Vào cuối năm 2013, chi nhánh này đã nắm giữ 44% tổng số tiền gửi từ khách hàng không cư trú tại các ngân hàng của Estonia (tăng từ 27% trong năm 2007). Các nhà điều tra đã kiểm tra hàng nghìn tài khoản và có khoảng 6.200 tài khoản có dấu hiệu khả nghi. Nhưng chi nhánh chỉ nộp cho FIU báo cáo hoạt động khả nghi của 760 khách hàng.

Danske thừa nhận không thực hiện đúng chức trách để ngăn chặn những hành vi lạm dụng như vậy. Danske Bank đã có biện pháp chấn chỉnh lại chi nhánh ở Estonia, nhưng các biện pháp đó là chưa đủ. Finantsinspektsioon, cơ quan quản lý của Estonia đã kiểm tra các văn phòng Danske, hai lần trong năm 2014. "Chúng tôi thấy rằng các biện pháp kiểm soát rủi ro không hoạt động và các quy trình không được triển khai," theo ông Kilvar Kessler, đứng đầu cơ quan quản lý. Năm 2015, Danske đã khoá danh mục tài khoản không thường trú tại Estonia dưới áp lực của cơ quan quản lý Estonia. Báo cáo của công ty luật Bruun & Hjejle về lỗ hổng trong quy trình chống rửa tiền của Danske đã tiết lộ số tiền đáng kinh ngạc: 200 tỷ euro (220 tỷ USD) đã chảy qua các tài khoản trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2015, 23% từ Nga. Phần lớn các khoản thanh toán khả nghi và đều được đưa vào "tầm ngắm" điều tra.

Sự việc này phản ánh sự thất bại của các nhà quản lý và các hệ thống của Danske, ở cả Tallinn và Copenhagen. Chi nhánh ở Estonia hoạt động riêng lẻ, không chịu sự giám sát như những chi nhánh khác của ngân hàng. Danske Bank không tích hợp các hoạt động của mình ở vùng Baltic và nền tảng IT chung của toàn hệ thống với lý do chi phí quá tốn kém. Vì vậy, chi nhánh ở Estonia không tuân thủ các thủ tục chống rửa tiền của Danske Bank. Các nhân viên tại đây bị nghi ngờ đã thông đồng với kẻ gian từ các nước thuộc Liên Xô cũ.

Sự kiện Danske là một vụ bê bối rửa tiền "ngoạn mục" nhất ở Bắc Âu. Vào tháng 2, đài truyền hình nhà nước Thụy Điển đã đưa tin rằng hàng chục tỷ USD tiền bất hợp pháp đã được chuyển qua chi nhánh của Swedbank tại Estonia. Vụ bê bối đã làm rung chuyển Thụy Điển, một xã hội thường gắn liền với mức độ tham nhũng thấp và tiêu chuẩn cao khi nói đến sự minh bạch.

Swedbank là ngân hàng cho vay lâu đời nhất và là nhà cung cấp thế chấp lớn nhất quốc gia, đặt tại trung tâm của hệ thống tài chính Thụy Điển. Swedbank gia nhập thị trường ngân hàng Baltic năm 2005 thông qua việc mua lại AS Hansapank có trụ sở tại Estonia, một ngân hàng thương mại và bán lẻ được thành lập vào năm 1992 và hoạt động tại Latvia, Lithuania và Nga dưới thương hiệu Hansabank.

Vào tháng 3 vừa qua, bà Birgitte Bonnesen, giám đốc điều hành của Swedbank đã bị sa thải sau khi có dấu hiệu đánh lừa công chúng về mức độ nghiêm trọng của vụ án rửa tiền. Vào tháng 9, Swedbank đã thừa nhận những thiếu sót trong các biện pháp kiểm soát tội phạm tài chính và vấn đề trong các hoạt động khách hàng ở Estonia và Thụy Điển. Họ đã yêu cầu công ty luật Clifford Chance tiến hành một cuộc điều tra, dự kiến ​​sẽ được công khai vào năm tới.

Ngân hàng Nordea của Phần Lan, cũng bị vướng vào vụ bê bối rửa tiền. Khoảng 365 tài khoản cá nhân tại ngân hàng đã bị cáo buộc nhận được khoản thanh toán từ các công ty ma lên tới 150 triệu euro, một phần của những khoản thanh toán này đến từ các chi nhánh Estonia của Danske. Chính quyền Thụy Điển và Phần Lan từ chối mở các vụ án hình sự - điều giúp việc theo dõi dòng tiền dễ dàng hơn.

Vụ việc tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về sự tinh vi và liều lĩnh của hoạt động rửa tiền, làm đảo lộn hoạt động ngân hàng Bắc Âu. Danske và Swedbank phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra, bao gồm cả một cuộc điều tra tội phạm của Bộ Tư pháp Mỹ, mà các nhà đầu tư lo ngại khoản tiền phạt sẽ rất lớn. Nội các Estonia đang cân nhắc tăng mức tiền phạt tối đa cho hoạt động rửa tiền, từ mức 400.000 euro lên 10% doanh thu hàng năm hoặc 5 triệu euro theo tiêu chuẩn EU, tùy theo mức nào cao hơn.

Cơ quan quản lý Đan Mạch và Estonia đã tăng cường các đội chống rửa tiền và chờ đợi những thay đổi trong luật pháp quốc gia và quốc tế để cải thiện giao tiếp giữa các cơ quan quản lý và cảnh sát.

Khánh An

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên