Nhìn Trung Quốc, Iran mới thấy Việt Nam vẫn là một nền bóng đá nhỏ tại Asian Cup 2019
Từ Đông Nam Á tới châu Á, từ AFF Cup tới Asian Cup, đội tuyển Việt Nam từ vị thế một nhà vô địch khu vực vẫn giống như một thanh niên trẻ giữa rừng người đầy kinh nghiệm. Không phải sự nhỏ bé về tình yêu và tham vọng mà nằm ở những khâu tưởng chừng đã được làm kỹ càng nhất.
- 11-01-2019Asian Cup 2019: Thái Lan bất ngờ hạ Bahrain, Jordan vô tình giúp Việt Nam
- 11-01-2019Asian Cup 2019: Phối hợp đá phạt siêu dị, ĐT Jordan khiến Syria dính "cú lừa"
- 09-01-2019Báo quốc tế bình chọn Công Phượng hay nhất ngày thi đấu thứ 4 của Asian Cup 2019
Tại khách sạn Crowne Plaza – Yas Island, những vị khách ở đây không còn lạ lẫm với hình ảnh một toán những người Italia ngồi trò chuyện với nhau gần bể bơi mỗi buổi chiều. Họ đa phần ở tuổi trung niên, mặc áo màu ghi với logo hình rồng phượng trên ngực áo. Không khó để đoán ra, họ là những thành viên trong BHL của đội tuyển Trung Quốc. Họ nói về chiến thuật, về những trận đấu vừa qua và cả về bóng đá thế giới.
Bộ sậu trong BHL của đội tuyển Trung Quốc dưới thời HLV Marcello Lippi bàn luận gần hồ bơi tại khách sạn Crowne Plaza - Yas Island, nơi đội tuyển Việt Nam đóng quân. Ảnh: Hiếu Lương.
Đôi tuyển đại diện cho đất nước đông dân nhất thế giới đến với Asian Cup bằng khát khao thay đổi vị thế trên bản đồ bóng đá châu lục. Họ được dẫn dắt bởi HLV từng vô địch World Cup 2006, ông Marcello Lippi nhưng như thế chưa đủ.
Đội tuyển Trung Quốc có tổng cộng 65 thành viên, đông nhất trong số các đoàn dự Asian Cup 2019. Nước chủ nhà UAE chỉ đảm bảo chi tiêu chuẩn ăn ở, đi lại cho tối đa 40 người/đoàn. Nhưng không sao, số người còn lại, LĐBĐ Trung Quốc tự móc hầu bao chi trả. Trong số đó, 23 người là cầu thủ và tính nhanh, cứ mỗi cầu thủ Trung Quốc thì có khoảng 2 thành viên hỗ trợ của đội theo kèm.
Chưa dừng lại ở đó, đội tuyển Trung Quốc còn có riêng 2 đầu bếp đi theo để thiết kế những bữa ăn hợp với khẩu vị của các cầu thủ lẫn BHL. Câu chuyện này thường chỉ có ở những đội tuyển dự World Cup, những CLB nổi tiếng trên thế giới với thương hiệu đã trở nên quen thuộc.
Đội tuyển Iran có đến 18 người trong BHL và nhiệm vụ của HLV Carlos Queiroz trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều trên sân tập. Ảnh: Hiếu Lương.
Đội tuyển Iran nằm cùng bảng với Việt Nam cũng có tới 45 thành viên. Hai ông lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc có lần lượt 43 và 45 người. Con số ấy với Việt Nam là 37.
Trong 37 người ấy, 2 người đã là phiên dịch viên, 1 người là cán bộ truyền thông, 1 người làm trưởng đoàn, 1 người là cán bộ VFF, trừ đi 23 cầu thủ, sự thật chúng ta chỉ còn 8 người làm công tác chuyên môn thật sự. Trong đó, chỉ có 3 người làm công tác hậu cần và y tế.
Những nhân viên y tế, hậu cần của đội tuyển Việt Nam luôn phải làm với phong cách 1 người kèm 6 cầu thủ. Sự vất vả gấp 6 lần so với những nhân viên ở Trung Quốc và hiệu quả thật khó để so bì. Câu chuyện về những nhân viên y tế Việt Nam thức khuya dậy sớm nhất đội đã không còn là chuyện lạ với những người quan tâm bóng đá Việt Nam.
Một thành viên của đội tuyển Việt Nam phải chia sẻ thật lòng: "Những gì đội tuyển Việt Nam chuẩn bị, HLV Park Hang-seo và các thành viên trong BHL tưởng chừng kỹ càng nhưng nhìn sang các đội tuyển khác chúng ta vẫn còn thiếu nhiều yếu tố để tạo nên môi trường tốt nhất cho các cầu thủ".
Đó còn là câu chuyện liên quan nhiều hơn đến tiềm lực kinh tế, chiến lược đầu tư và phát triển bóng đá. Trung Quốc, Iran, Nhật Bản hay Hàn Quốc là những nước có nền kinh tế phát triển. Bóng đá được đầu tư và có một nền tảng tốt từ cơ sở vật chất, con người. Trừ Trung Quốc, đó là những nền tảng bền vững.
Không chỉ Việt Nam, nhiều đội tuyển ở Asian Cup cũng trong tình trạng tương tự. Không phải nơi đâu cũng được như Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng đó lại là chi tiết tạo nên sự khác biệt giữa một nền bóng đá lớn và nhỏ tại Á châu.
Anh Đinh Kim Tuấn (trái) là nhân viên hậu cần nhưng ở trên sân tập anh kiêm thêm nhiệm vụ trợ giúp trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Hiếu Lương.
Việt Nam luôn tự hào với tinh thần của các cầu thủ nhưng sự thật lòng tự hào, tinh thần chiến đấu ở hầu hết các cầu thủ nào đang khoác lên mình màu áo ĐTQG thật khó để so bì. Khác biệt chỉ nằm ở sự quan tâm, ở những câu chuyện như về số lượng nhân sự, hay những chỉ số mà Evo GPSports gửi về cho đội tuyển Iran. Tài chính là yếu tố quan trọng nhưng chiến lược phát triển lại nằm ở những thứ nhỏ hơn như CLB, lò đào tạo để cải thiện và tạo nên những cầu thủ tốt nhất từ khi còn nhỏ tuổi.
Trận đấu với Iran sắp tới có thể mô phỏng rõ hơn sự khác biệt ấy, của những quốc gia vốn đã có quá nhiều lợi thế về tố chất con người lại được hỗ trợ tối đa về hậu cần. Một thất bại trước Iran hay Iraq mới đây không phải là điều quá ngạc nhiên. Chúng ta có thể tiếc nuối nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó phản ánh đúng sự phát triển của mỗi nền bóng đá.
Trí thức trẻ