MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ dư chấn vụ cháy chung cư Carina: Phải làm gì để không lặp lại đau thương?

19-04-2018 - 09:33 AM | Bất động sản

Từ sau sự việc đau lòng xảy ra tại chung cư Carina, hầu như tất cả các chủ đầu tư đều tăng cường củng cố hạng mục PCCC trong hạng mục đầu tư của mình; song, muốn hiệu quả thì không hề đơn giản.

Vụ cháy chung cư Carina có lẽ đã không còn gây xôn xao dư luận, tuy nhiên nỗi lo của người mua nhà vẫn còn đó. Trên thực tế, dư chấn xã hội từ những sự cố đáng tiếc trên đã khiến người tiêu dùng dè dặt hơn với phân khúc chung cư, khi mà khách hàng bắt đầu cẩn trọng hơn khi chọn mua một căn hộ tại các dự án chung cư. 

"Đây có thể là rào cản khiến thị trường căn hộ có vẻ chững lại, nhưng cũng là lúc để nhà đầu tư cam kết mạnh mẽ hơn về độ an toàn của sản phẩm, bên cạnh các yêu cầu về chất lượng chung", nhận định bởi Savills Tp.HCM.

Về thị trường, có thể nói sự phát triển mạnh của các dự án cao ốc chung cư trong thời gian qua đã tạo ra một mảnh đất tiềm năng cho các đơn vị quản lý bất động sản. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả thực sự không hề đơn giản, đặc biệt khi nó liên quan trực tiếp tới an toàn, an ninh của những người hàng ngày sinh sống trong các cao ốc chung cư. 

Theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có tối thiểu các phòng hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm kỹ thuật; bảo vệ, an ninh; dịch vụ, lễ tân và vệ sinh, môi trường. 

Ngoài ra, tất cả nhân sự các phòng ban đều phải có trình độ chuyên môn tương ứng với vị trí công việc và phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng. Đây có thể coi là một động thái từ các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo các tòa cao ốc được vận hành một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu các rủi ro không đáng có.

Luật định là vậy, tuy nhiên muốn công tác đảm bảo an toàn được thực hiện tối ưu thì phải đi đến thực thi, đặc biệt phải được thực thi bởi tất cả các bên, từ chủ đầu tư cho đến cư dân sinh sống.

Trách nhiệm không của riêng ai mà thuộc về tất cả

Trên thực tế, trong khi có rất nhiều người cho rằng việc đảm bảo an toàn an ninh đặc biệt là an toàn cháy nổ phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị mà chủ đầu tư cung cấp, thì bản chất nó lại phụ thuộc vào nhiều bên, từ chủ đầu tư (CĐT), ban quản trị (BQT), ban quản lý (BQL) và cả cư dân sinh sống trong tòa cao ốc chung cư đó.

Theo quan điểm của bà Trần Minh Ái, Giám đốc bộ phận Quản lý BĐS Savills Tp.HCM: "Tại Việt Nam, các dự án dù là ở phân khúc nào, thì cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn PCCC khi đầu tư xây dựng và phải được các cơ quan chức năng kiểm tra trước khi đưa vào vận hành. 

Điểm khác biệt giữa các phân khúc là tại các dự án ở phân khúc cao, thiết bị PCCC mà chủ đầu tư lựa chọn thường của các thương hiệu nổi tiếng hơn, bền và ổn định lâu dài hơn thậm trí nhiều dự án hạng A còn được trang bị vượt cả tiêu chuẩn thông thường".

Nhìn từ dư chấn vụ cháy chung cư Carina: Phải làm gì để không lặp lại đau thương? - Ảnh 1.

Bà Trần Minh Ái, Giám đốc bộ phận Quản lý BĐS Savills Tp.HCM.

Tuy nhiên, từ sau sự việc đau lòng xảy ra tại chung cư Carina, hầu như tất cả các chủ đầu tư đều tăng cường củng cố hạng mục PCCC trong hạng mục đầu tư của mình; song, muốn hiệu quả thì không hề đơn giản!

Quản lý BĐS: Hiệu quả đến từ sự phối hợp đồng bộ

Theo bà Ái, nếu yếu tố đầu tiên là đầu tư thì phần thứ hai tác động đến an toàn PCCC là quy trình vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra, thực tập.

Xét riêng về vấn đề an toàn thì từ trước đến nay, hầu hết các công ty quản lý chuyên nghiệp đều xem đây là ưu tiên gần như hàng đầu trong công tác vận hành tòa nhà. Khi tiếp nhận một dự án cáo ốc, công ty quản lý sẽ cùng với CA PCCC xây dựng phương án PCCC cũng như cứu hộ cứu nạn phù hợp với thiết kế tòa nhà, trang thiết bị được đầu tư ban đầu, nguồn ngân sách hoạt động. Bên cạnh đó công tác vận hành, bảo trì, kiểm tra, thực tập ứng phó tình huống khẩn cấp, xây dựng đội PCCC cơ sở, huấn luyện cho nhân viên… cũng phải được định kỳ thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu đại diện cư dân là BQT thì tính an toàn sẽ cao hơn giai đoạn CĐT làm đại diện các củ sở hữu căn hộ. "Thực ra dù là BQT hay CĐT thì nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu căn hộ là hợp tác, hỗ trợ tốt BQL để đảm bảo an toàn PCCC bằng cách lắng nghe kiến nghị của BQL, phê duyệt nhanh chóng các kế hoạch nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng, huấn luyện...", vị này nhấn mạnh.

Cuối cùng, một điểm khác bà Ái lưu ý phải nói đến ý thức của các cư dân sống trong các cao ốc chung cư. Trên quan điểm chuyên môn, căn hộ chung cư vẫn an toàn hơn nhà phố rất nhiều. Chúng ta sẽ không so sánh mức độ an toàn giữa các phân khúc căn hộ khác nhau nhưng dù có nằm ở phân khúc nào loại hình nhà ở này ít nhất cũng có tiêu chuẩn an toàn rõ ràng, được kiểm tra, kiểm soát bởi cơ quan chức năng định kỳ và trước khi đưa vào sử dụng. 

Nhưng chung cư lại là loại hình mà ở đó bất kỳ một hành động thiếu ý thức của cá nhân nào cũng có thể ảnh hưởng tới tất cả các cá nhân khác. Cũng phải thừa nhận rằng công tác tuyên truyền, huấn luyện phương pháp thoát nạn, kêu gọi sự quan tâm của cư dân là điểm yếu rõ ràng của các công ty quản lý trong thời gian vừa qua và hiện tại, công tác này đang được triển khai dứt khoát, quyết tâm hơn.

Điểm qua về thị trường BĐS 3 tháng đầu năm, từ sau dư chấn Carina đã tác động đáng kể đến tâm lý của người dân. Theo đó, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng với nhu cầu lớn, tuy nhiên phân khúc căn hộ có nhiều biểu hiện cho thấy đang gặp rào cản lớn từ tâm lý khách mua nhà.

Hiếu Nguyễn

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên