MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành mới đến bao giờ?

09-07-2017 - 13:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Phan Minh Ngọc, về lý thuyết thì việc cắt giảm lãi suất điều hành của các NHTW là nới lỏng tiền tệ, nhưng thực chất hành động lần này của NHNN lại không phải như vậy.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã bất ngờ giảm lãi suất điều hành (giảm 0,25 điểm phần trăm) và trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực và ngành kinh tế (giảm 0,5 điểm phần trăm).

Vậy đây có phải là động thái nới lỏng tiền tệ hay không, có tác động lên lạm phát hay không, NHNN sẽ duy trì mặt bằng lãi suất mới này được bao lâu? Chúng tôi xin đăng tải ý kiến của chuyên gia, TS. Phan Minh Ngọc.

PV: Thưa ông, việc cắt giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới vẫn được coi là biện pháp nới lỏng tiền tệ. Nhưng ở Việt Nam, một số ý kiến cho rằng động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN kể từ ngày 10/7 lại không phải là nới lỏng tiền tệ. Quan điểm của ông thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc: Trên lý thuyết, việc cắt giảm các lãi suất điều hành này có thể được coi là sự nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN, tương tự như động thái của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Nếu được truyền dẫn đầy đủ đến kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại cho nền kinh tế thì đây là một hành động rất có ý nghĩa với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngân hàng khi họ luôn phải trông ngóng, so đo từng số thập phân, từng phần lẻ của lãi suất cho vay.

Tuy vậy, trên thực tế, hành động cắt giảm lãi suất điều hành trên khó có thể coi là hành động nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này được thể hiện một phần không chỉ bởi mức cắt giảm lãi suất điều hành ở mức rất khiêm tốn, 0,25 điểm phần trăm, so với các mức lãi suất điều hành hiện tại đang ở mức cao (lãi suất tái cấp vốn là 6,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 4,5%/năm; còn lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng lên đến 7,5%/năm), mà còn được thể hiện ở việc NHNN vẫn tuyên bố là sẽ chốt hạn mức tăng trưởng tín dụng chung cả năm khoảng 18%. Đây là một chi tiết rất quan trọng để hiểu rõ bản chất của động thái nới lỏng trên của NHNN.

Cụ thể thế nào thưa ông?

Khi nguồn cung vốn từ NHNN có giá rẻ hơn, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm thuận lợi để cho vay ra nền kinh tế với lãi suất thấp hơn. Điều này, đến lượt nó, sẽ kích hoạt nhu cầu vay mượn của các doanh nghiệp và cá nhân, dẫn đến tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh. Nếu quá đà, tăng trưởng tín dụng mạnh sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng tăng trưởng nóng, với đầu tư, tiêu dùng, nhập khẩu và lạm phát đều gia tăng mạnh mẽ.

Với chủ trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, NHNN chốt chặn tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế năm nay ở mức 18%, gần như không thay đổi so với trước đây. Việc này dẫn đến kết quả là sau động thái nới lỏng trên, tín dụng ngân hàng sẽ tăng tốc mạnh hơn trong các tháng tới đây, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chung sẽ chững lại và giảm dần sau đó, càng về gần cuối năm khi nó đạt đến mức trần khống chế 18% của NHNN. Lúc đó, dù lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại vẫn được duy trì ở mức thấp hơn như vậy nhưng các ngân hàng thương mại với “room” tăng trưởng tín dụng không còn là bao buộc phải trở nên rất lựa chọn khi tiếp tục cho vay vốn, tập trung hơn vào chất (lãi suất cao nhưng an toàn), thay vì chạy theo số lượng như trước.

Như vậy, bằng việc khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN về bản chất không phải là hành động nới lỏng chính sách tiền tệ mà chỉ có tác dụng thay đổi cơ cấu cho vay của các ngân hàng thương mại.

Bản chất quyết định của NHNN không phải nới lỏng tiền tệ thì áp lực lạm phát không phải là điều lo ngại trong thời gian tới?

Đúng vậy. Do bản chất không phải là nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền quá mức nên hành động hạ lãi suất điều hành trên của NHNN cũng vì thế, về nguyên tắc, sẽ không tạo ra thêm áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát chỉ gia tăng thêm khi NHNN vừa duy trì mặt bằng lãi suất điều hành thấp hơn, vừa gia tăng cung tiền để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại cho vay ra nền kinh tế đang tăng lên nhằm mục đích, ví dụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi họ nhận thấy tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng dù đã sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 18%.

Giả sử NHNN vừa duy trì lãi suất điều hành thấp vừa tăng cung tiền thì họ phải làm gì để giảm áp lực lạm phát trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn gia tăng từ nền kinh tế?

Ngoài biện pháp quen thuộc là hướng tín dụng vào những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng chung nhưng lại cần nhiều vốn, ví dụ công nghiệp chế biến, chế tạo, NHNN cần điều chỉnh tỉ giá VND/USD tăng lên thông qua mua vào và bán ra USD với giá cao hơn giá thị trường để hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Lượng tiền đồng bơm ra thị trường từ việc mua vào USD cần được trung hòa ở mức độ phù hợp (so với lượng USD bán ra và so với tốc độ tăng cung tiền) để đảm bảo việc làm yếu VND không ảnh hưởng đến tăng cung tiền và tín dụng.

Theo ông các mức lãi suất điều hành mới sẽ được duy trì đến bao giờ, và điều gì làm NHNN thay đổi quyêt định trong tương lai?

Điều này còn phụ thuộc trước tiên vào diễn biến lạm phát và tiếp đó là các yếu tố bên ngoài. Nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp thì NHNN càng có thêm dư địa để không những duy trì mà thậm chí còn cắt giảm thêm các lãi suất điều hành này, và ngược lại. Với các yếu tố bên ngoài, ví dụ, Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, áp lực gia tăng lên tỉ giá VND/USD có thể sẽ buộc NHNN phải xem xét điều chỉnh trở lại các mức lãi suất điều hành này, nếu các yếu tố còn lại không thay đổi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên