NHNN mạnh tay nới lỏng tiền tệ, bao giờ thị trường mới..."ngấm"?
Trong tuần vừa qua, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng tới 25 nghìn tỷ đồng...
- 26-11-2019Lãi suất giảm, tiền tỷ cuối năm làm gì hơn gửi tiết kiệm
- 25-11-2019Thanh khoản hệ thống ngân hàng: Tín hiệu mới, kỳ vọng mới
- 25-11-2019Làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng đang khiến dòng vốn đảo chiều
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 22/11 của các nhà phân tích SSI Research thuộc CTCK SSI cho biết, trong tuần qua, NHNN phát hành 13 nghìn tỷ đồng tín phiếu trong khi có tới 38 nghìn tỷ đồng tín phiếu đến hạn, tương đương bơm ròng 25 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Kênh OMO vẫn không phát sinh giao dịch mới, duy trì số dư bằng 0.
Sau khi hạ đồng loạt các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 và bơm ròng liên tục 6 tuần vừa qua, việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay từ ngày 19/11/2019 đã thể hiện rõ hơn chủ trương điều hành nới lỏng của NHNN. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các NHTM với không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,8%/năm và từ 1 đến dưới 6 tháng là 5%/năm (mức cũ là 1%/năm và 5,5%/năm); Lãi suất cho vay ngắn hạn VND của các NHTM với 5 lĩnh vực ưu tiên là 6%/năm (mức cũ là 6,5%/năm).
Cùng với đó, NHNN đã chính thức ban hành thông tư số 22/2019/TT-NHNN thay thế thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm dần trong vòng 3 năm tới, từ mức 40% hiện nay xuống 37% từ 01/10/2020; 34% từ 01/10/2021 và 30% từ 01/10/2022. Lộ trình này đã nới hơn với 3 bước giảm và thời hạn hiệu lực trễ hơn 3 tháng so với dự thảo ban đầu.
Ngoại trừ 4 NHTM nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5,5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm. Tuy vậy, lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng vẫn không có nhiều thay đổi, dao động từ 5,3- 7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đi đầu với quyết định giảm 0,5%/năm với toàn bộ các khoản vay bằng VND của doanh nghiệp.
SSI Research cho rằng, biện pháp mạnh tay của NHNN có thể cần một thời gian để thực sự kéo giảm được lãi suất trên thị trường 1, sau khi một phần tiền gửi dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ và giai đoạn cao điểm cuối năm qua đi.
Trên liên ngân hàng, lãi suất đã bất ngờ nóng lên đặc biệt trong 2 ngày cuối tuần. Lãi suất trên liên ngân hàng lên mức 3,76%/năm (+178 điểm cơ bản - bps) với kỳ hạn qua đêm, 3,84%/năm với kỳ hạn 1 tuần (+159bps).
Nguyên nhân khiến lãi suất tăng nóng, theo SSI Research, có thể là do nguồn cung của các NHTM lớn thu hẹp, nhu cầu dự trữ thanh khoản vào cuối tháng và dự phòng sụt giảm huy động kỳ hạn ngắn do giảm lãi suất trên thị trường 1. "Nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sẽ vẫn ở mức trên 3%/năm trong tuần cuối tháng 11" - nhóm phân tích dự báo.
Liên quan đến động thái nới lỏng tiền tệ của NHNN, mới đây, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng BIDV cho biết, xu hướng lãi suất của không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng đang có những diễn biến hết sức thú vị.
"Cuối năm 2018 cả thế giới dự báo tăng lãi suất. Nhưng trong năm 2019, với diễn biến nhanh chóng của chiến tranh thương mại thì tình hình kinh tế thế giới đảo chiều nhanh chóng, Fed chuyển hướng từ tăng lãi suất sang cắt lãi suất và đến thời điểm này đã cắt 3 lần, toàn cầu cũng cắt giảm và xu hướng hiện nay là nới lỏng tiền tệ. NHNN Việt Nam được tuyên bố là linh hoạt, thận trọng phù hợp diễn biến thị trường, nhưng đến nay cũng đã cắt giảm cả lãi suất OMO, tái chiết khấu, tín phiếu lẫn trần lãi suất huy động" - ông nói.
Trả lời câu hỏi việc giảm lãi suất sẽ tác động thế nào tới thị trường tài chính và nền kinh tế?, ông Quỳnh cho biết, việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, còn tác động lên các sản phẩm tài chính khác nhau là khác nhau. Chẳng hạn đối với trái phiếu, công cụ nợ dài hạn và lãi suất cố định, thì thường lãi suất giảm sẽ khiến giá trái phiếu tăng. Với tỷ giá, lãi suất của đồng tiền nào có xu hướng giảm thì sẽ tác động làm tỷ giá tức giá của đồng tiền đó có xu hướng giảm xuống. Nhưng riêng VND được đánh giá là 1 trong những đồng tiền ổn định nhất nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ và ôự báo tác động lên tỷ giá không lớn nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ ổn định trong thời gian tới.
Ông đồng thời nhận xét, những tác động từ việc điều chỉnh lãi suất của NHNN lên nền kinh tế và thị trường tài chính sẽ có độ trễ nhất định. Và động thái của NHNN lần này là nhằm hạ mặt bằng lãi suất thì thị trường cũng phải sang năm 2020 mới thể hiện rõ điều đó.