MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN nói gì hạn mức 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử cá nhân?

11-05-2019 - 09:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo đại diện của NHNN, hiện nay, bình quân 1 ví 1 ngày chi tiêu 58.870 đồng, 1 tháng 1,7 triệu đồng nên việc áp dụng quy định hạn mức tối đa 20 triệu đồng/ngày với ví cá nhân và không quá 100 triệu/tháng là hợp lý.

Sáng 10/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Tranh cãi quanh hạn mức giao dịch tối đa qua ví điện tử

Tại hội thảo, nhiều ý kiến xoay quanh xung quanh các nội dung trong Dự thảo, đặc biệt là các quy định về hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa 20 triệu/ngày và 100 triệu/tháng với cá nhân, 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng với tổ chức), quy định đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và cách thức nạp tiền vào ví...

Chuyên gia Cấn Văn Lực băn khoăn về quy định tối đa là 100 triệu đồng/tháng với cá nhân trong khi mức theo ngày đã là 20 triệu/ngày. "Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều. Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn như 150 triệu hay 200 triệu chẳng hạn", ông Lực chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, cùng quan điểm thu nhập người dân ở mức cao, có khoản chi tiêu lên tới cả trăm triệu đồng.

NHNN nói gì hạn mức 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử cá nhân? - Ảnh 1.

Ông Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Quốc Thụy.

Chuyên gia Cấn Văn Lực băn khoăn về Điều 8 của Dự thảo, trong đó quy định ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán là chưa hợp lý.

Theo ông, ngân hàng không thể có công cụ để kiểm tra đối ứng tài khoản đảm bảo thanh toán (TKĐBTT) đối với khoản tiền đơn vị cung ứng dịch vụ thực tế đã thu hộ, chi hộ cho khách hàng mà nên là các trung gian thanh toán. Còn ngân hàng có trách nhiệm giám sát các TKĐBTT mở tại các ngân hàng hợp tác cũng như tính hợp pháp, hợp lệ của các giao dịch thu, chi hộ của các đơn vị trung gian thanh toán tại ngân hàng.

Cũng theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Nghị quyết 02 có đề cập giao NHNN báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Tuy nhiên, Điều 9 của Dự thảo chưa thể hiện điều này.

Dưới góc độ của các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service (đơn vị cung cấp ví điện tử MoMo) - đề xuất tăng hạn mức tháng đối với ví điện tử dành cho cá nhân.

Bên cạnh đó, ông Diệp nhận định không nên áp dụng hạn mức giao dịch đối với đối tượng doanh nghiệp. Vì thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chi những khoản tiền nhỏ cho hàng chục nghìn nhân viên. Hoạt động của họ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển người dùng cá nhân của ví điện tử. Do vậy, quy định về hạn mức giao dịch đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và sự phát triển của lĩnh vực ví điện tử.

Giá trị giao dịch mỗi ví trong 1 ngày bình quân hơn 58.800 đồng

Trước các ý kiến trên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết cơ quan quản lý sẽ xem xét để có mức phù hợp nhất.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng hạn mức 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân được NHNN nghiên cứu và có căn cứ thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới.

Ông Dũng cũng dẫn số liệu mà các công ty triển khai ví điện tử cung cấp bình quân 1 ví 1 ngày bình quân chi tiêu 58.870 đồng. Giao dịch mỗi tháng trung bình là 1,7 triệu đồng.

Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch mỗi năm. Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng.

Ông Dũng cho hay giới hạn 20 triệu đồng/ngày với cá nhân là để tránh trường hợp cá nhân kinh doanh dùng ví để che dấu các mục đích khác như nghĩa vụ thuế. Còn với doanh nghiệp, quy định có thể cởi mở hơn.

NHNN nói gì hạn mức 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử cá nhân? - Ảnh 2.

Vụ Trưởng Phạm Tiến Dũngchia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Quốc Thụy.

"Nguyên tắc số dư của ví điện tử phải luôn luôn được đảm bảo với ngân hàng. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, không bao giờ chúng tôi từ bỏ", ông Dũng nói, liên quan đến yêu cầu về đảm bảo thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Theo ông, tiền nạp vào ví là tiền của người dân, không phải tiền của doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp cung cấp ví đều có khả năng đóng cửa và thua lỗ vào bất kỳ lúc nào. Do đó, mục tiêu tối thượng của đơn vị quản lý là tiền của người dân phải được đảm bảo.

Cũng theo đại diện Vụ Thanh toán, NHNN có thể theo dõi được số dư TKĐBTT của các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử. Tuy nhiên, theo ông, cần có chế tài với tổng số dư của ví thì để có thể đảm bảo các doanh nghiệp báo cáo đúng. Nguyên tắc tổng số dư của ví phải bằng số dư TKĐBTT tại ngân hàng cũng cần được đảm bảo.

Với các thắc mắc liên quan đến việc có được nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng, ông Dũng cho biết Thông tư sửa đổi lần này sẽ chỉ đề cập đến ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. "Còn ví điện tử không có tài khoản ngân hàng thì NHNN sẽ trình Chính phủ và thực hiện thí điểm", ông nói.

Theo số liệu của NHNN, cả nước hiện có 29 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử như MoMo, Airpay, ZaloPay, Vimo, VTCPay, Ví Việt, SenPay, Ví TrueMoney... và khoảng 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng.

Một số điểm đáng chú ý trong Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Chỉ được nạp tiền vào ví điện tử bằng 2 cách

Theo Dự thảo thông tư, việc nạp tiền vào ví của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví điện tử tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví mở.

Ngoài ra, khách hàng cũng được phép sử dụng chuyển tiền cho ví điện tử khác cùng tổ chức cung ứng dịch vụ; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết với Ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng

Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ phải thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ này, bao gồm việc mở TKĐBTT cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ hoặc duy trì khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc các biện pháp đảm bảo khác. Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở TKĐBTT để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. TKĐBTT cho dịch vụ ví điện tử phải tách bạch với TKĐBTT cho việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng.

Tổng số dư trên TKĐBTT cho dịch vụ ví điện tử phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại thời điểm kết thúc ngày giao dịch.

Theo Quốc Thuỵ

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên