Nhờ Covid-19, kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ?
Đại dịch Covid-19 là lần thứ 3 trong vài chục năm trở lại đây Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới khi có 1 cuộc khủng hoảng toàn cầu ập đến.
- 31-03-2021H&M bỗng 'quay ngoắt' 180 độ sau khi bị tẩy chay, tuyên bố Trung Quốc là 'thị trường rất quan trọng'
- 30-03-2021Chật vật bán nhà trong nhiều tháng, một thành phố ở Trung Quốc 'khổ sở' sau cơn sốt bất động sản
- 26-03-2021Tổng thống Joe Biden: 'Với sự giám sát của tôi, Trung Quốc sẽ không thể trở thành siêu cường số 1 thế giới!'
Suốt từ những năm 1970, Trung Quốc vẫn chạy đua để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với đà hồi phục mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 của kinh tế Trung Quốc, nhiều tổ chức nhận định Mỹ sẽ sớm bị Trung Quốc vượt mặt ngay trong thập kỷ này.
Năm 2000, GDP Trung Quốc chỉ bằng 11,8% so với GDP Mỹ. Năm đó, Trung Quốc vừa mới triển khai thị trường nhà ở tư nhân.
Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, châm ngòi cho một thập kỷ kinh tế bùng nổ nhờ đô thị hóa và quá trình vươn lên trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-08, Trung Quốc tung ra gói đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm kích thích tăng trưởng. Trong khi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng tàn phá nghiêm trọng, kinh tế Trung Quốc lại nhanh chóng cất cánh.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ và Trung Quốc. Nguồn: IMF
Thời điểm gần năm 2012, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, kinh tế Trung Quốc đang ở trong trạng thái giảm tốc vì lực cầu toàn cầu ì ạch và những khoản đầu tư ngày càng kém hiệu quả. Tuy nhiên, từ đó đến nay mỗi năm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có những bước tiến vững chắc trên chặng đường bắt kịp Mỹ, ngoại trừ năm 2016 khi đồng nhân dân tệ bị phá giá.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục là sự kiện làm nên khác biệt. Là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020 trong khi phần còn lại của thế giới chìm trong suy thoái với mức độ nghiêm trọng nhất kể từ Đại khủng hoảng, tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã có cú tăng trưởng nhanh nhất trong thế kỷ này.
Một số dự báo cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028 – sớm hơn 2 năm so với các dự báo trước dịch. Điều này gây ra không ít lo ngại ở Washington. Trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã cam kết ông sẽ không để Trung Quốc vượt Mỹ, hứa hẹn sẽ chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và sáng tạo để thúc đẩy kinh tế Mỹ.
"Họ [Trung Quốc] đặt mục tiêu trở thành đất nước dẫn đầu thế giới, quốc gia giàu có nhất và quyền lực nhất trên thế giới. Nhưng dưới sự giám sát của tôi điều đó sẽ không xảy ra".
Ông Biden vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp mà chính quyền Trump thực hiện để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng như microchip. Ở nhiều nơi trên thế giới, các công ty Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức. Tại châu Âu, dòng vốn đầu tư của họ được chọn lọc kỹ càng. Ở châu Á, các đối thủ Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang cùng kết hợp với Mỹ để tạo thành 1 khối địa chính trị nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng những điều đó không thể ngăn cản bước tiến của Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2035 sẽ tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc nỗ lực tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hi vọng sẽ đi đầu thế giới trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học và năng lượng xanh.
Năm ngoái, Trung Quốc đã đạt được một số cột mốc quan trọng đánh dấu tầm ảnh hưởng trên toàn cầu ngày càng tăng cao. Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc thu hút nhiều FDI hơn Mỹ và số lượng các công ty Trung Quốc trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn cũng vượt Mỹ. Và bất chấp tất cả các cuộc thảo luận về đa dạng chuỗi cung ứng để đối phó với chiến tranh thương mại, tỷ trọng của TQ trong thương mại toàn cầu vẫn tăng cao kỷ lục vì thế giới đổ xô tích trữ khẩu trang, thiết bị y tế và các thiết bị làm việc từ xa.
Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn tăng trưởng dương trong năm 2020.
Dẫu vậy, có không ít những dự báo bi quan về tương lai kinh tế Trung Quốc. Một số chuyên gia cảnh báo sự kết hợp 2 yếu tố dân số già và nợ sẽ khiến Trung Quốc mãi đứng ở vị trí số 2. Tuy nhiên trong lịch sử đã có nhiều lần Trung Quốc đi ngược lại các dự báo một cách thần kỳ. Thập kỷ vừa qua, quy mô kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp đôi.
Thậm chí một số đặc điểm vẫn được bình luận là điểm yếu đã trở thành điểm mạnh của Trung Quốc trong đại dịch. Hệ thống tài chính do nhà nước kiểm soát chặt chẽ cho phép các công ty tránh được cảnh vỡ nợ. Các doanh nghiệp nhà nước được lệnh không sa thải công nhân và khi virus đã được kiểm soát thì dòng vốn đầu tư do nhà nước dẫn dắt lại giúp nền kinh tế nhanh chóng vận hành trơn tru.
Đại dịch Covid-19 là lần thứ 3 trong vài chục năm trở lại đây Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới khi có 1 cuộc khủng hoảng toàn cầu ập đến. Các biện pháp kiểm soát vốn giúp Trung Quốc thoát được khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, trong khi làn sóng đầu tư sau khủng hoảng 2008 giúp Trung Quốc trở thành đầu tàu của kinh tế thế giới.
Bất chấp những lời phàn nàn về môi trường cạnh tranh không công bằng, các tập đoàn đa quốc gia vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ từ thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Hiện đây là thị trường tiêu thụ ô tô và hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới, và các công ty từ Nike cho đến Starbucks đang ngày càng tăng doanh thu ở thị trường Trung Quốc, dù đôi lúc họ sẽ phải thật cẩn thận trước những vấn đề nhạy cảm chính trị.
Số lượng các công ty Trung Quốc trong Fortune Global 500 đã tăng lên nhanh chóng.
Cuộc đua giành vị trí cường quốc số 1 thế giới còn lâu mới kết thúc. Thời kỳ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, Nhật Bản từng được nhận định chắc chắn sẽ vượt Mỹ nhưng điều đó không xảy ra. Gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden giúp nước Mỹ có 1 bệ phóng tốt cho năm 2021 và nếu như ông có thể hiện thực hóa lời hứa về gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí thứ 2 lâu hơn nữa.
Cấu trúc dân số cũng không đứng về phía Trung Quốc. Tỷ lệ sinh thấp khiến số dân của nước này nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trước thập kỷ này. Điều đó có nghĩa là kể cả khi Trung Quốc vượt Mỹ thì nước này hoàn toàn có thể bị tụt lại phía sau một lần nữa vì dân số già.
Không giống như Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới khi thu nhập trung bình vẫn đang ở mức khá thấp – bằng khoảng 1/6 so với Mỹ. Theo Yukon Huang, người từng là Giám đốc World Bank ở Trung Quốc, "quyền lực không đến từ quy mô nền kinh tế mà đến từ chỉ số bình quân GDP/đầu người, quyền lực mềm của Trung Quốc vẫn thua xa so với phương Tây ở nhiều khía cạnh".
Dù Trung Quốc có vượt Mỹ hay không, có 1 sự thật mà chúng ta vẫn phải thừa nhận: vị trí số 1 thế giới của kinh tế Mỹ đang bị đe dọa mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Tham khảo Bloomberg