MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19

09-01-2021 - 15:38 PM | Tài chính quốc tế

Vào năm 2019, quy mô khách hàng thương mại điện tử ở Trung Quốc gần gấp đôi các nước Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại và ngày càng phát triển nhanh hơn nữa. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, khoảng cách này có thể còn được nới rộng hơn nữa.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử ở Trung Quốc

Hầu như mọi người ở Trung Quốc đều biết “Austin” Li Jiaqi. Chàng trai 28 tuổi với biệt hiệu “ông hoàng son môi” bắt đầu kinh doanh các sản phẩm trang điểm ở Nam Xương và hiện bán chúng cho hàng triệu người thông qua livestreaming trên Taobao, một phần của Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Thành tích mà Jiaqi từng đạt được là bán được 15.000 thỏi son trong năm phút. 

Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19  - Ảnh 1.

Một số người sẽ nhận ra Chen Yi, một cô gái 24 tuổi ở thành phố ven biển Thanh Đảo, người bán kem chống nắng, đồ ăn vặt và nhiều thứ khác nữa cho 20.000 người theo dõi của cô ấy trên WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến. Đây là nghề tay trái của cô bên cạnh công việc chúng là một người pha chế (bartender). 

Không chỉ giới trẻ, những người quen thuộc với các ứng dụng mạng xã hội, những người nông dân và ngư dân ở Trung Quốc cũng khoe những quả táo ngon ngọt hoặc tôm hùm hấp dẫn trong các video ngắn. 

Tài quảng cáo trên mạng xã hội đi kèm với các mạng lưới giao hàng mới cho phép người dân thành phố trên khắp Trung Quốc dễ dàng mua sắm sản phẩm.

Những khuôn mặt, dù được tô son, được bôi kem chống nắng, hay trải qua sương gió, đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ của thương mại điện tử ở Trung Quốc. Các video ngắn hoặc các đoạn quảng cáo kéo dài nhiều ngày nhấp nháy trên hàng trăm triệu màn hình điện thoại thông minh của những khách hàng mua sắm trực tuyến.

Vào năm 2019, quy mô khách hàng thương mại điện tử ở Trung Quốc gần gấp đôi các nước Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại và ngày càng phát triển nhanh hơn nữa. 

Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19  - Ảnh 2.

Thay đổi trong doanh thu thương mại điện tử của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu (2015 – 2020) (Nguồn: The Economist)

Khi mua sắm trực tuyến tăng vọt, thậm chí trước khi COVID-19 bùng nổ, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã nghĩ tới những cách thức mới để thu hút người tiêu dùng.

Trái ngược với Taobao, các doanh nghiệp mới vẫn chưa kiếm được lợi nhuận. Nhưng họ đang phát triển nhanh chóng. Các công ty công nghệ Trung Quốc đang đổ vận may vào thương mại điện tử. Một phần của dòng vốn này được sử dụng dưới dạng trợ cấp để lôi kéo người mua và người bán đến với các nền tảng của họ. Chiến lược này rõ ràng là không thể tiếp tục mãi được. 

Góc nhìn từ phương Tây

Mark Schneider, ông chủ của Nestlé, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, từng hướng dẫn các giám đốc điều hành của mình rằng: “Nếu bạn muốn nhìn thấy tương lai, hãy nhìn vào Trung Quốc.”

Đồng quan điểm, giám đốc kỹ thuật số Lubomira Rochet tại L’Oréal, công ty làm đẹp khổng lồ của Pháp, nhấn mạnh sự đối lập giữa chiến lược từ dưới lên (bottom-up) “lấy người tiêu dùng làm trung tâm” của thương mại điện tử Trung Quốc với cách tiếp cận từ trên xuống (top-down) “theo hướng công nghệ” của phương Tây.

Một số giám đốc điều hành của các công ty công nghệ phương Tây cho rằng thành tích của Trung Quốc không phải là nhờ sự sáng tạo và táo bạo mà là nhờ các yếu tố mang tính cấu trúc. 

Họ trích dẫn thị phần thương mại điện tử trên thiết bị di động cao hơn của Trung Quốc (90%) so với ở Mỹ (43%). Những người khác cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc là một thị trường tập trung, nơi ba công ty hàng đầu, Alibaba, jd.com và Pinduoduo, chiếm hơn 90% tổng doanh số bán hàng hóa kỹ thuật số. Trong khi đó, ở Mỹ, gã khổng lồ trực tuyến, Amazon và hai đối thủ của nó, Shopify và eBay, chỉ chiếm chưa đầy 50%.

Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19  - Ảnh 3.

Tình hình thương mại điện tử ở Trung Quốc và Mỹ, 2019 (Nguồn: The Economist)

Lý do thật sự cho sự bùng nổ của thương mại điện tử ở Trung Quốc 

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát về thương mại điện tử Trung Quốc cho thấy sự năng động thực sự. Alibaba có thể đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng thương mại điện tử ở Trung Quốc không rơi vào tình trạng độc quyền. 

Trong một vài năm trở lại, Pinduoduo đã chiếm được 14% thị trường, giúp giảm thị phần của Alibaba từ 67% xuống còn 61% và buộc gã khổng lồ này phải thay đổi phí mà họ tính cho những người bán hàng qua nền tảng của mình. 

Các công ty kỹ thuật số vốn không hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cũng đang tập trung vào chiếc bánh béo bở này, bao gồm Meituan, công ty giao đồ ăn và ByteDance, công ty sở hữu TikTok và người chị em họ tại thị trường Trung Quốc, Douyin. Những công ty mới này đem đến các trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo Frédéric Clément, giám đốc marketing của Lengow, ranh giới giữa mạng xã hội và web mua sắm không hề tồn tại ở Trung Quốc. Tại sao xu hướng này lại tồn tại ở Trung Quốc?

Nguyên nhân thứ nhất là “thương mại xã hội”. Nó dựa trên ba công nghệ liên quan: livestreaming, video dạng ngắn và mạng xã hội. Nền tảng livestream lớn nhất là Taobao Live của Alibaba. Chỉ trong 30 phút bán trước cho Ngày Độc thân tại Trung Quốc, nền tảng này đã đạt được doanh số trị giá 7,5 tỷ USD, ngang với mức Amazon được cho là đã bán được trong “Prime Day” vào tháng 10 nhưng thực tế đã kéo dài tới 48 giờ.

Fitch, một cơ quan xếp hạng, cho rằng thị trường bán lẻ livestream đạt gần 1 triệu nhân dân tệ (153 tỷ USD) vào năm 2020, gấp đôi so với năm 2019. Kuaishou, đối thủ video ngắn của Douyin, dự kiến ​​tổng giá trị hàng hóa được bán trên livestream sẽ tăng từ 4,2% doanh số bán hàng trực tuyến vào năm 2019 lên gần 25% vào năm 2025.

Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự thành công của thương mại điện tử ở Trung Quốc là “đa kênh”. Tại Trung Quốc, các công ty thương mại điện tử lớn nhất có các doanh nghiệp siêu thị của riêng họ, chẳng hạn như Freshippo của Alibaba và chuỗi cửa hàng tạp hóa 7Fresh của jd.com. 

Nhờ những yếu tố này ngành bán lẻ ở Trung Quốc vẫn sống khỏe dù các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới đang khốn đốn vì COVID-19  - Ảnh 4.

jd.com cũng sở hữu hoạt động kinh doanh trong một “thị trường mới”, nơi công ty này hợp tác với khoảng 6,8 triệu cửa hàng tạp hóa địa phương ở Trung Quốc. Công ty này vận chuyển cho họ những mặt hàng có thương hiệu, cung cấp các mặt hàng sẵn có cho người tiêu dùng địa phương và cung cấp cho họ dữ liệu để tối ưu hóa hoạt động.

Trong khi đó, một số nhà bán lẻ vật lý lại cung cấp phiếu giảm giá điện tử, cũng như sử dụng livestream để thu hút sự chú ý, và hi vọng rằng nó có thể khuyến khích người tiêu dùng ghé thăm cửa hàng. 

Những doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ mua sắm “mua mang đi” thông qua các cửa hàng không có nhân viên và máy bán hàng tự động thông minh, nơi thanh toán được thực hiện bằng cách quét mã QR.

Alibaba cho biết doanh số bán hàng hỗn hợp (vật lý và điện tử) của họ đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3 năm 2020, đạt 86 tỷ nhân dân tệ. Doanh thu bán lẻ chính đã tăng từ 11% lên 17%. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh siêu thị của jd.com đã tăng 48% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ ba.

Trong khi đó, Meituan đã mở rộng việc giao hàng nhanh chóng của mình từ các bữa ăn mang đi sang các đồ tạp hóa. Các kho hàng nhỏ do các công ty khởi nghiệp như Missfresh xây dựng, hứa sẽ giao hàng tạp hóa trong 30 phút, đang mọc lên như nấm ở các thành phố của Trung Quốc.

Nguồn: Economist

Theo K Nguyễn

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên