Nhóm bất động sản chia nửa buồn vui: Một loạt cổ phiếu tăng mạnh từ đáy, 3 cái tên NVL, PDR, HPX tiếp tục giảm sâu
Một loạt cổ phiếu bất động sản như DXG, DPG, KDH, DPG, DIG, CEO, L14,... đang có đà hồi phục mạnh mẽ trong khi 3 cái tên NVL, PDR, HPX vẫn liên tiếp giảm sàn dù thị giá đã chia 3 trong chưa đầy 1 tháng.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần đầy khởi sắc với sắc xanh áp đảo triên diện rộng. VN-Index tăng 23,75 điểm (+2,51%) qua đó đóng cửa cao nhất phiên cùng hàng loạt nhóm cổ phiếu đồng thuận bứt phá.
Sắc xanh, tím cũng tràn ngập trên nhóm bất động sản tuy nhiên niềm vui có phần chưa trọn vẹn khi vẫn còn những cổ phiếu bị bỏ lại phía sau. Đồng loạt DXG, DPG, KDH, DPG, DIG, CEO, L14,... đều tăng hết biên độ trong khi NVL, PDR, HPX vẫn rơi tự do chưa thấy đáy.
Thực tế, phần lớn cổ phiếu bất động sản đã tạo đáy từ giữa tháng 11 và có nhịp hồi mạnh sau đó. Những cái tên như KDH (+16%), DXG (+24%), DIG (+26%), DPG (+36%), CEO (+70%),... đều đã tăng hàng chục % trong chưa đầy 2 tuần trở lại đây. Thậm chí, cổ phiếu từng có thị giá đắt nhất sàn hồi đầu năm là L14 còn tăng gấp hơn 2 lần với 8 phiên trần liên tiếp.
Tuy nhiên, nhịp hồi phục gần đây vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì đã mất sau giai đoạn lao dốc đầy khốc liệt trước đó. Bộ 3 cổ phiếu đình đám từng làm mưa, làm gió hồi đầu năm là DIG, CEO và L14 vẫn còn thấp hơn khoảng 85-90% thị giá so với đỉnh. Đỡ tệ hơn đôi chút, các cổ phiếu như DXG, DPG đều đã giảm trên 70% trong khi KDH, HDG cũng mất khoảng 55% so với đỉnh.
Ở một thái cực hoàn toàn trái ngược, 3 cái tên NVL, PDR và HPX vẫn đang mắc kẹt trong hàng chục triệu cổ phiếu chất sàn mỗi phiên. Chỉ trong chưa đầy một tháng, thị giá 3 cổ phiếu trên đã “bốc hơi” 60-70% nhưng tình trạng bán tháo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù đã có hàng nghìn tỷ đồng đổ vào bắt đáy trong vài phiên trở lại đây.
NVL đã giảm sàn 17 phiên liên tiếp trong khi PDR cũng rơi tự do 16 phiên và cùng lập “hat trick” giải trình trong tuần qua . Novaland vẫn dùng “văn mẫu” thịnh hành của các doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây là “giá cổ phiếu giảm thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô” để giải trình cho đà lao dốc chưa từng thấy thời gian qua.
Trong khi đó, Phát Đạt có thêm lý do là “nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay và hiện tượng này vẫn đang tiếp tục xảy ra” . Trước đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đã liên tục bị các công ty chứng khoán như TVSI, Mirae Asset, MBS, Yuanta... “call marin” và bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu PDR. MBS mới đây đã cắt margin của PDR trong khi Mirae Asset cũng hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ từ 20% xuống 10% đối với mã cổ phiếu bất động sản này.
Nhẹ nhàng hơn đôi chút, HPX mới giảm sàn 11 phiên liên tiếp và có 2 lần giải trình giống nhau là “cổ phiếu giảm do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản” . Hải Phát Invest còn khẳng định công ty hoạt động hoàn toàn bình thường và không có thông tin làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Những động thái cứu vãn tình hình
Những biến động trái chiều cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong nhóm bất động sản khi cổ phiếu chịu áp lực hơn từ trái phiếu hay làn sóng call margin đang dần hồi phục trong khi những cái tên còn lại vẫn đang loay hoay tìm lối thoát.
Mới đây, NovaGroup đã thông báo đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL, tương đương gần 7,7% vốn điều lệ Novaland. Phương thức giao dịch là thỏa thuận cho các nhà đầu tư và tổ chức có năng lực tài chính. Thời gian dự kiến giao dịch từ 30/11 – 29/12/2022. Sau giao dịch, NovaGroup còn nắm giữu 560,9 triệu cổ phiếu tương đương 28,768% vốn điều lệ.
Mục đích thực hiện giao dịch là tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn. Nếu thương vụ thành công, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới có thể sẽ giúp Novaland giảm bớt áp lực.
Trước đó, tín hiệu khá tích cực cũng bắt đầu xuất hiện khi một trái chủ của Novaland là Citigroup Global đã bất ngờ chuyển đổi 5 trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD sang gần 271.000 cổ phiếu vào ngày 22/11. Tỷ lệ chuyển đổi là 54.145 cổ phiếu/trái phiếu và giá chuyển đổi là 85.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,3 lần thị giá.
Ngoài ra, Novaland cũng khẳng định các tin đồn về tình hình nợ và khả năng thanh toán của tập đoàn là không chính xác. Các hoạt động phát hành trái phiếu của Novaland đều tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Để đảm bảo năng lực tài chính và chuẩn bị cho các dự án sắp tới, Novaland đã tích cực làm việc với các đối tác tài chính trong nước và quốc tế. Tập đoàn tiếp tục nhận được những cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính từ các đối tác.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị Phát Đạt mới đây đã thông qua chủ trương đồng ý cho công ty chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng, tương đương gần 89% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình - chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM (còn gọi là Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến).
Hồi tháng 6/2022, Phát Đạt vừa nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của công ty này. Phát Đạt cho biết việc chuyển nhượng cổ phần tại Địa ốc Hòa Bình nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.
Còn với Hải Phát Invest, lãnh đạo công ty đã có những động thái muốn đỡ giá thời gian gần đây. Ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT và em trai là ông Đỗ Quý Thành – Phó Tổng giám đốc Hải Phát Invest đều đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HPX từ ngày 18/11-16/12. Mục đích là nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Đáng chú ý, ngay trước nhịp rơi của cổ phiếu HPX, ông Thành đã kịp thời bán ra 7,75 triệu cổ phiếu HPX dự thu khoảng 190 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá mức độ hiệu quả của những động thái trên tuy nhiên ít nhất nhà đầu tư cũng có thêm hy vọng được "giải cứu" trong thời gian tới.
Nhịp Sống Thị Trường