MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm dệt may: "Nói trước bước không qua" khi đơn hàng giảm mạnh hậu căng thẳng Mỹ - Trung, thậm chí tình trạng trì hoãn dự kéo dài sang hết quý 3

30-07-2019 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Mỹ đang siết chặt vấn đề hàng dệt may Trung Quốc đội lốt Việt Nam, điều này cũng là lý do lớn dẫn đến việc không chắc chắn các đơn hàng lớn sẽ đổ về Việt Nam như kỳ vọng.

Từng có thời điểm, người người phấn khởi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo đà cho nhóm xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt. Hầu hết quan điểm đưa ra đều theo hướng tích cực với nhóm dệt may, rằng lượng hàng sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, chưa kể từ nhiều thị trường tiềm năng khác trong bối cảnh hưởng lợi ưu đãi thuế từ FTAs.

"Nói trước bước không qua"

Song, thực tế lại "nói trước bước không qua", khi mà FTAs mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế và "hỗ trợ" của những hiệp định giao thương này cũng chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Trong khi, căng thẳng Mỹ - Trung trước mắt đang khiến các đơn hàng với Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Ghi nhận, bình quân Việt Nam sản xuất 2,2 triệu tấn sợi/năm, xuất khẩu 1,5 triệu tấn, trong đó 60% sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên từ cuối năm 2018, tình hình xuất khẩu sợi bắt đầu biến động, kết thúc nửa đầu năm 2019 tăng trưởng xuất khẩu sợi chỉ còn hơn 1%, kim ngạch xuất khẩu phụ liệu giảm gần 0,3% so với nửa đầu năm ngoái.

Phía doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng trầm trọng (giảm đến 30% so với cùng kỳ), kể cả các tên tuổi lớn như May Việt Tiến (VGG), May 10, Thành Công (TCM)… Tình hình kinh doanh theo đó ảm đạm, đi ngược hoàn toàn so với "huyễn hoặc" trước đó.

Đơn cử, Sợi Thế Kỷ (STK) khép lại quý 2 với doanh thu thuần 494 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do khách hàng bị tác động tâm lý từ căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thị trường các mặt hàng truyền thống (sợi nguyên sinh) do đó tiêu thụ chậm lại. Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng báo cáo quý với doanh thu giảm về 791 tỷ, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 10% về 129 tỷ đồng. Dệt may Hoà Thọ vừa tổng kết hoạt động với doanh thu giảm 4%, tương ứng lợi nhuận gộp giảm 9,5% so với quý 2/2018…

Chưa chắc các đơn hàng lớn sẽ đổ về Việt Nam!

Chia sẻ về tình trạng này, đại diện Phong Phú (PPG) khá bất ngờ khi thực tế những đơn hàng không quá nhiều như kỳ vọng của FTAs. Nếu chỉ xét trên nhóm hàng dệt, sợi… vị này ghi nhận không có gì sôi động, thậm chí còn ảm đạm so với trước đây. Nguyên nhân có thể xuất phát từ bất ổn về chính trị toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; đặc biệt bản chất xoay quanh bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn Mỹ và Trung Quốc không ai biết rõ hai bên đối đầu hay hoà thuận…

"Hai "ông lớn" chưa có quyết định cụ thể như thế nào, trong khi đây lại là những thị trường lớn, có quá nhiều đơn hàng từ các nước đang làm với Mỹ cũng như Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ đang siết chặt vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, điều này cũng là lý do lớn dẫn đến việc không chắc chắn các đơn hàng lớn sẽ đổ về Việt Nam như kỳ vọng", người đứng đầu PPG khẳng định.

Một số ý kiến khác còn cho hay, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, trong khi VND vẫn ổn định khiến hàng hoá xuất khẩu nước ra có giá thành cao hơn, từ đó sản phẩm kém tính cạnh tranh đưa xuất khẩu nói chung vào thế bất lợi.

Trung Quốc đang phá giá mạnh 32% so với mặt bằng chung, thậm chí bán dưới giá vốn

Trên vai trò doanh nghiệp sản xuất sợi, việc đơn hàng dệt may giảm tác động trực tiếp kéo lùi tăng trưởng doanh thu quý 2, đại diện Sợi Thế Kỷ - bà Nguyễn Phương Chi – cho viết tình trạng này chưa có dự đoán khi nào sẽ cải thiện, quý 3 nhiều khả năng khách hàng may mặc vẫn trì hoãn đơn hàng.

Nhận định về nguyên nhân, bà Chi bổ sung một số nhà máy Trung Quốc đang phải đóng cửa dẫn đến việc bán phá giá do tác động của chiến tranh thương mại, do đó để giải quyết hàng tồn buột doanh nghiệp nước sở tại phải phá giá và đẩy hàng sang nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hiện, mức giá của Trung Quốc thấp hơn đến 20cents (tương đương 5%) so với giá của Sợi Thế Kỷ. Thậm chí, với những ưu đãi từ chính phủ, hàng Trung Quốc  đâu đó bán ra chỉ vào khoảng 60cents, trong khi giá nguyên vật liệu (chưa kể PET Chip) đã gần 90cents. Ước tính bởi một đơn vị tại Mỹ, tỷ lệ phá giá hàng Trung Quốc đang chạm ngưỡng 32%.

Riêng với Sợi Thế Kỷ, hiện Công ty đang dần chuyển đổi từ sợi nguyên sinh (mặt hàng truyền thống) sang sợi tái chế, dòng sản phẩm này cũng là trụ đỡ tăng trưởng quý vừa qua. Hiện sợi tái chế chiếm khoảng 20% sản lượng Công ty và đang tiêu dùng nội địa là chính, tương lai sẽ xuất khẩu. Đây là dòng sợi có lợi thế và Trung Quốc không thay thế được, nguyên liệu sợi tái chế hiện được nhập 100% từ Đài Loan, Indonesia, Thái Lan...

Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu tỷ trọng sợi tái chế đến năm 2020 là 30%, tuy nhiên thực tế có thể thay đổi, bà Chi cho biết. Về tiềm năng của sợi này trong tương lai, thứ nhất với khách hàng hiện hữu là Nike, Adidas, Puma... có xu hướng cam kết tăng sử dụng sợi tái chế để bảo vệ môi trường nhằm tăng tính cạnh tranh, từ đó thu hút khách hàng. Thứ hai, với khách hàng tương lai có thể là khách hàng mới chưa dùng sợi tái chế, hoặc hướng đến các chương trình quốc tế cũng dần theo xu hướng dùng sợi tái chế.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên