MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao nhất?

Kinh doanh, bán hàng là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 tại TP HCM.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) vừa công bố báo cáo Thị trường lao động 6 tháng đầu năm và Dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2019 tại TP HCM.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Falmi khảo sát, cập nhật cung – cầu lao động trên địa bàn thành phố tại các doanh nghiệp, các kênh thông tin tuyển dụng – việc làm với tổng số 24.952 doanh nghiệp, với 88.299 nhu cầu tuyển dụng và 69.271 người có nhu cầu tìm việc làm.

Thị trường tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm 2019

- Kinh doanh - Bán hàng (22,65%): Đây là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Nhân viên bán hàng, nhân viên thu mua, bán hàng siêu thị, nhân viên kinh doanh, cửa hàng trưởng, trưởng nhóm bán hàng, giám sát bán hàng, bán hàng online, sales admin, kinh doanh xuất nhập khẩu,...

- Điện tử – Công nghệ thông tin (8,17%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Kỹ sư điện tử, kỹ sư cơ điện tử, giám sát kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật, nhân viên IT, lập trình viên, bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D, nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế và quản trị website, nhân viên kỹ thuật thiết bị mạng,…

- Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng - Kế toán - Kiểm toán (8,17%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Giao dịch viên, dịch vụ khách hàng, hỗ trợ tín dụng, giám sát tài chính, kế toán trưởng, kiểm toán, thanh toán thẻ quản lý nợ, phát triển kinh doanh ngân hàng điện tử,…

- Kinh doanh tài sản - Bất động sản (6,37%): Chủ yếu là nhân viên kinh doanh bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản,…

- Cơ khí – Tự động hóa (5,28%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Thiết kế, nhân viên lắp đặt, chuyên viên tư vấn, vận hành, kỹ thuật sửa chữa, lập trình gia công máy CNC và quản lý, điều hành,…

- Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng (5,95%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên trực tổng đài, chuyên viên tư vấn khách hàng, nhân viên chăm sóc quầy hàng,…

- Dịch vụ - Phục vụ (4,97%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Nhân viên tạp vụ, vệ sinh công nghiệp, phụ bếp ăn, nhân viên vệ sinh các căn hộ, bảo vệ, giao nhận hàng hóa, nhân viên soát vé,…

- Hành chính văn phòng (4,81%): Nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí: Nhân sự, văn thư, trợ lý, thư ký,…

Nhóm ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao nhất? - Ảnh 1.

Kinh doanh - Bán hàng là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất 6 tháng đầu năm

Dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm

Theo tính toán của Falmi, ước tính cuối năm 2019 thành phố có khoảng 4.528.434 – 4.685.000 lao động có việc làm.

Kinh tế TP HCM tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế theo định hướng năm 2019, thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2019, TP HCM cần khoảng 155.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của quý III-2019 khoảng 75.000 chỗ làm việc, tập trung thu hút lao động ở một số ngành như: Marketing - Kinh doanh – Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Dệt may - Giày da, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng, Công nghệ ô tô – xe máy, Nông – lâm nghiệp – thủy sản, Quản lý nhân sự, Kế toán kiểm toán, Hóa – Hóa chất, Dịch vụ - Phục vụ, Điện – Điện tử - Điện lạnh – Điện công nghiêp, …

Quý IV-2019, doanh nghiệp tiếp tục ổn định, phát triển quy mô sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết và giải quyết các đơn hàng xuất khẩu, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.000 chỗ làm việc tăng 6,7% so với quý III/2019, tập trung ở các nhóm ngành như: Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng,…

Nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2019, tập trung ở lao động qua đào tạo chiếm 83,21%, trong đó trình độ Đại học trở lên chiếm 21,52%, Cao đẳng chiếm 17,58%, Trung cấp chiếm 29,09%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 15,02% chủ yếu ở các ngành: Dệt may - Giày da, Kế toán - Kiểm toán, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Nhân viên kinh doanh - Bán hàng và Dịch vụ phục vụ.

Theo G.Nam

Người lao động

Trở lên trên