MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu sụt giảm tại Mỹ và châu Âu, nhiều ngành công nghiệp tỷ đô dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng lớn những tháng cuối năm

Theo Báo cáo Tình hình Sản xuất công nghiệp và Hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng năm 2020 của Bộ Công thương, trong giai đoạn này, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng như tháng 6/2020.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, những ngành chủ lực như dệt may, điện tử tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng cuối năm. Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 giảm khoảng 16% so với năm 2019. Dự kiến ngành điện tử cũng vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, EVFTA sẽ là điểm sáng cho một số ngành quan trọng khác.

Dưới đây là chi tiết tình hình sản xuất công nghiệp theo từng ngành theo báo cáo:

Ngành dệt may: sản xuất dệt tháng 7 tăng 7% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng đầu năm tăng 1,8%. Sản xuất trang phục tháng 7 tăng 13,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 7 tháng vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới. 

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan: tháng 7 tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm. 

Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngành da giày kỳ vọng xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 7 tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 23 tỷ USD, tăng 24,3%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 25,65 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự kiến những tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

Ngành sản xuất xe có động cơ: tháng 7 đã tăng 2,7% so với tháng 6. Sản lượng sản xuất tháng 7 ước đạt 17,9 nghìn chiếc, tăng 3,3% so với tháng trước. Có thể nói, từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí đã tạo điều kiện cho thị trường ô tô trong nước bắt đầu tăng trưởng. Theo số liệu công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tháng 6/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe VAMA đã tiêu thụ được tổng số 24.002 xe, tăng 26% so với tháng trước. Trong tháng 6, cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng. 

Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không xuất khẩu được. 7 tháng năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 12,9%).

Trong 5 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định EVFTA được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên.

Ngành điện: Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng năm 2020 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng cao do thời gian qua có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài nhất trong 27 năm qua, trong khi đó hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện, tình hình thủy văn nước về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giảm so với kế hoạch...

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 7 đã tăng 2,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,1% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất tháng 7 ước đạt 21.709,1 triệu kWh, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 134.104,4 triệu kWh, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019. Điện thương phẩm tháng 7 ước đạt 19.590 triệu kWh, giảm 0,9% so với tháng 6 và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, điện thương phẩm ước đạt 122.764,3 triệu kWh, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Trước tình hình thủy văn các hồ thủy điện được dự báo tiếp tục không có nhiều diễn biến tích cực và nhu cầu phụ tải tăng cao do nền nhiệt độ trung bình có khả năng tiếp tục tăng cao hơn so với trung bình nhiều năm, để đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng còn lại của năm 2020, các nguồn thủy điện sẽ tiếp tục được huy động theo tình hình thủy văn thực tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du; các nguồn nhiệt điện than sẽ được huy động tối đa công suất; các nguồn điện tuabin khí sẽ được huy động tối đa theo khả năng cấp khí của các hệ thống cung cấp khí cho phát điện. 

Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và mặt trời) sẽ được huy động tối đa theo khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão; Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam.

H.A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên