Nhựa An Phát (AAA) sẽ chuyển sang niêm yết tại HoSE vào ngày 25/11 với giá tham chiếu 31.200đ
Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty kỳ vọng AAA sẽ thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức, các quỹ và qua đó phản ánh đúng hơn giá trị của doanh nghiệp khi chuyển sàn.
Ngày 17/11/2016, cổ phiếu AAA của CTCP Nhựa vào Môi trường Xanh An Phát đã có phiên giao dịch cuối cùng trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Sau hơn 6 năm niêm yết trên HNX, gần 52 triệu cổ phiếu AAA sẽ chuyển sang giao dịch tại “mái nhà” mới là Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vào ngày 25/11 tới đây với giá tham chiếu là 31.200 đồng.
So với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX là 29.300 đồng thì giá chào sàn HoSE của AAA cao hơn 6,5%.
Với sự hiện diện của những tên tuổi lớn như Vinamilk, Masan, PVGas, Vietcombank, VinGroup…, rõ ràng Hose có sự hấp dẫn lớn hơn rất nhiều so với HNX. Trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp trên HNX đã chuyển sang niêm yết trên HoSE như Thủy điện Miền Trung (CHP), Cáp treo Núi Bà – Tây Ninh (TCT), Sacomreal (SCR). Ngoài ra, một vài cái tên như Sơn Hà Sài Gòn (SHA), Chứng khoán An Phát (APG)… cũng đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuyển sang HoSE.
Mặc dù các công ty niêm yết trên HoSE sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn nhưng ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty kỳ vọng AAA sẽ thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức, các quỹ và qua đó phản ánh đúng hơn giá trị của doanh nghiệp.
Hoàn thành vượt kế hoạch năm 2016 trước thời điểm chuyển sàn
Theo báo cáo KQKD được công bố, An Phát đạt 101,48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2015 và hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận trong cả năm 2016 (100 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh khởi sắc của An Phát trong thời gian qua đến từ việc kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và đặc biệt việc mở rộng thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản.
Trong quý 4, An Phát dự kiến sẽ đạt doanh thu 600 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng và thị trường Nhật Bản tiếp tục là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty.
Năm 2017, An Phát có kế hoạch mở rộng thị trường trong nước bằng việc xây dựng nhà máy bao bì màng phức. Ngoài ra, An Phát cũng có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy bao bì tự hủy vì đây là sản phẩm chủ lực, mang lại biên lợi nhuận cao cho công ty.
Theo tính toán của ban lãnh đạo công ty, sau khi hoạt động đủ công suất 2 nhà máy số 6 và số 7, doanh thu An Phát trong năm tới sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 200 tỷ đồng.