MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Pha Lê chuẩn bị vận hành nhà máy sản xuất SPC số 2 tại Hải Phòng

07-09-2021 - 08:00 AM | Doanh nghiệp giới thiệu

Nhựa Pha Lê chuẩn bị vận hành nhà máy sản xuất SPC số 2 tại Hải Phòng

Thông tin từ Công ty cổ phần Công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) cho biết, nhà máy SPC số 2 tại Hải Phòng (NEO Floor) đang ở những công đoạn cuối cùng lắp máy. Theo kế hoạch từ tháng 9 nhà máy sẽ vận hành kiểm thử, để tháng 10 bắt đầu chạy chính thức.

Nhà máy SPC Hải Phòng có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, với 14 dây chuyền công suất lớn, hệ sản phẩm cao cấp hơn nhà máy SPC Đồng Nai, tổng sản lượng theo thiết kế là 15 triệu m2/năm. Do gần vùng nguyên liệu và cảng biến, việc sản xuất và xuất khẩu tại nhà máy Hải Phòng sẽ có nhiều thuận lợi hơn nhà máy Đồng Nai.

Với sản lượng sản xuất 15 triệu m2 sàn/năm, chiếm gần 50% sản lượng sản xuất sàn SPC nội địa, NEO Floor có tên trong danh sách các ông lớn ngành sản xuất sàn SPC. Doanh nghiệp sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ lớn trên thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng sàn đá công nghệ SPC toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc…

Như vậy, cùng với nhà máy Đồng Nai, Nhựa Pha Lê và các đối tác sẽ nâng công suất ván sàn SPC lên 26 triệu m2 sàn/năm.

Trên thế giới ván sàn công nghệ SPC rất phát triển tạo nên một cơn sốt trong ngành công nghiệp lát sàn nói chung và đang dẫn dắt thị trường từ 2019. SPC đang tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị doanh thu và chiếm thị phần từ hầu hết các sản phẩm cạnh tranh khác. Theo dữ liệu của các tạp chí về vật liệu xây dựng, ngành công nghiệp lát sàn trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 6,1%. Ở Bắc Mỹ ước tính sẽ tăng trưởng trung bình 6%/năm cho tới năm 2024.

Nhựa Pha Lê chuẩn bị vận hành nhà máy sản xuất SPC số 2 tại Hải Phòng - Ảnh 1.

Lắp đặt thiết bị tại nhà máy SPC Hải Phòng.

Theo US Trade, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia thống trị trong xuất khẩu SPC, chiếm 83% giá trị hàng hóa và sản lượng sàn nhà SPC nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam đứng thứ 3 và chiếm khoảng 1% trong năm 2019, tuy nhiên tăng mạnh lên 4% vào năm 2020.

Năm 2020, thị trường vật liệu sàn của Mỹ đạt 30 tỷ USD, trong đó thị trường SPC đạt 5 tỷ USD, chiếm 17% thị phần vật liệu sàn, tăng trưởng 30% so với 2018. Các chuyên gia về vật liệu xây dựng đánh giá, thị trường chưa bão hòa và dự kiến thị phần SPC sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Nhựa Pha Lê chuẩn bị vận hành nhà máy sản xuất SPC số 2 tại Hải Phòng - Ảnh 2.

Lắp đặt thiết bị tại nhà máy SPC Hải Phòng.

Ở châu Á, Hàn Quốc đang là một thị trường tiềm năng với nhu cầu ước 33 triệu m2/năm, tổng doanh thu 536 triệu USD. Tại đây, các loại vật liệu truyền thống như sàn gỗ công nghiệp dần đánh mất vị thế, nhường chỗ cho các loại vật liệu cao cấp mới như sàn SPC.

Bên cạnh thị trường Mỹ, Neo Floor đặt mục tiêu tập trung xuất khẩu sang châu Âu và Hàn Quốc.

Nhựa Pha Lê chuẩn bị vận hành nhà máy sản xuất SPC số 2 tại Hải Phòng - Ảnh 3.

Lắp đặt thiết bị tại nhà máy SPC Hải Phòng.

Triển vọng của Neo Floor là rất khả quan, nhìn vào hoạt động của nhà máy SPC số 1 tại Đồng Nai. Sau gần 2 năm hoạt động, Hoàng Gia Pha Lê đã thiết lập được mối quan hệ đối tác với MS International, Inc. - một trong những nhà phân phối vật liệu xây dựng số 1 tại Mỹ. Sản phẩm SPC của Hoàng Gia Pha Lê đã xuất hiện trên hệ thống siêu thị lớn nhất tại Mỹ là Home Depot từ quý 1/2021. Hiện nay, Công ty đang tiếp cận và tiến tới chốt các đơn hàng lớn với các nhà phân phối lớn khác như: Calibamboo, Mohawk, Anatolie, … Sau khi xây dựng được hệ thống phân phối và tăng sản lượng, Công ty sẽ liên hệ và bán hàng trực tiếp cho các nhà bán buôn và bán lẻ như Discount Hardwood Floors, Old Master, Town and Country Ceramic Tiles, Tucsun, CA Flooring, … nhằm tăng biên lợi nhuận.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên