Những bất thường xuất hiện vào đêm cảnh báo đường huyết cao, còn trẻ cũng không nên chủ quan
Đường huyết cao là một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của người hiện đại, có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
- 04-10-2023Vụ bé gái 6 tuổi tử vong nghi ngộ độc bánh su kem: Báo cáo của bệnh viện chỉ ra diễn biến bất thường
- 23-09-2023Phát hiện điểm bất thường ở cuộn giấy nhà vệ sinh công cộng, nam thanh niên cảnh báo khiến dân mạng cảm ơn rối rít
- 23-09-2023Gan khỏe hay yếu cứ nhìn 10 điểm bất thường này trên cơ thể: Có 1 dấu hiệu cũng cần đi khám ngay
5 hiện tượng xuất hiện vào đêm cảnh báo đường huyết cao
1. Rối loạn giấc ngủ
Một tỷ lệ lớn bệnh nhân tiểu đường có rối loạn nhịp thở khi ngủ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, thường biểu hiện là chứng ngưng thở khi ngủ. Khi bệnh tiểu đường phát triển sẽ xảy ra tình trạng rối loạn giấc ngủ, biểu hiện thường là mất ngủ và thường xuyên thức giấc vào ban đêm cũng như cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày.
Cùng với đó, khi ngủ buổi tối cơ thể sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và khó đi vào giấc ngủ. Điều này có thể do lượng đường trong máu cao gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên dẫn đến ngứa da cũng như những cảm giác khó chịu khác.
2. Tăng tiểu đêm
Lượng đường trong máu người bệnh tăng cao khiến máu đặc hơn, làm giảm khả năng tái hấp thu nước tiểu của ống thận và gây ra tình trạng đi tiểu nhiều. Đặc biệt vào ban đêm, tần suất đi tiểu sẽ tăng lên, không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ.
3. Tê bì chân tay
Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ tăng độ nhớt của máu và có thể gây ra hàng loạt rối loạn chuyển hóa ở các sợi thần kinh, tạo ra các cục máu đông và dẫn đến tình trạng tê bì chân tay, đặc biệt là về đêm.
Cùng với đó, những người có đường huyết cao dễ cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh và đổ mồ hôi lạnh khi ngủ vào ban đêm. Đặc biệt vào mùa đông, cơ thể con người sẽ tiêu thụ một lượng lớn đường huyết để sưởi ấm có thể gây hạ đường huyết với biểu hiện chất lượng giấc ngủ kém, đổ mồ hôi lạnh, run tay...
4. Khô miệng và dễ khát nước
Khô miệng và dễ khát là triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường. Do lượng đường trong máu không được kiểm soát và máu trở nên đặc hơn nên người bệnh dễ có cảm giác khát nước và tăng lượng nước uống trong ngày.
Uống nhiều nước sẽ đi tiểu nhiều, đi tiểu nhiều cơ thể dễ bị mất nước, chu kỳ này liên tục lặp lại và hình thành các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường, đặc biệt là vào thời điểm trước khi đi ngủ.
5. Mệt mỏi, đói trước khi đi ngủ
Dù đã ăn tối no nhưng nếu trước khi đi ngủ vẫn có cảm giác đói, trạng thái tinh thần mệt mỏi, uể oải thì điều này rất có khả năng liên quan đến quá trình chuyển hoá đường huyết bất thường. Cơ thể không nhận đủ năng lượng dẫn đến tinh thần mệt mỏi, lượng đường trong máu không thể chuyển hoá thành năng lượng và được sử dụng hiệu quả dẫn đến cảm giác đói.
3 lời khuyên tránh đường huyết cao
1. Chọn những loại trái cây có chỉ số GI thấp
Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số đánh giá khả năng làm tăng nồng độ đường glucose trong máu của thực phẩm. Trái cây thường được biết tới là thực phẩm tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên, vẫn có một số loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) cao vẫn có thể gây hại cho người đường huyết cao.
Chính vì vậy, đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc đối tượng có nguy cơ đường huyết cao nên sử dụng những loại trái cây GI thấp như táo, trái cây họ cam quýt, lê, quả mọng, quả anh đào, bưởi, nho, trái kiwi, mận...
2. Kiểm soát lượng tinh bột trắng
Các loại thực phẩm như bánh mì trắng, bún, gạo trắng... là những thức ăn quen thuộc hằng ngày tuy nhiên chúng có khả năng làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng. Đối với những loại thức ăn này, nên kiểm soát lượng nạp vào cũng như lựa chọn ăn cùng một số món ăn giàu chất xơ và protein khác. Không chỉ bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết mà còn giúp ổn định đường huyết.
Đồng thời trong bữa ăn, cũng cần chú ý đến thứ tự ăn. Nên ăn canh trước, sau đó là rau và thịt, cuối cùng mới là tinh bột. Thứ tự ăn này sẽ giúp giảm lượng tinh bột trắng hấp thụ cũng như khống chế lượng đường trong máu sau bữa ăn.
3. Thường xuyên tập thể dục
Sự kết hợp giữa ăn uống và tập thể dục có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đi bộ nhanh có khả năng hạ đường huyết tốt nhất.
Với bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình đến cao ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc ít nhất 75 phút tập thể dục nhịp điệu cường độ cao mỗi tuần để cải thiện sức khoẻ.
Nguồn: people.cn, 163.com
Trí thức trẻ