Những bệnh nhi "đầu trọc" và đồng hoa hướng dương nở rộ trên mạng xã hội
Những bông hoa hướng dương nở rộ trên mạng xã hội mấy hôm nay, có những bông hoa tuyệt vời do những họa sĩ chuyên nghiệp vẽ và vô số bông hoa vụng về tạo nên trong những bàn tay bình thường, thế nhưng tất cả đều chân thành, dành tặng những trẻ thiếu may mắn mắc căn bệnh ung thư.
Cách đây hai năm, Liêng, cô bạn của tôi bị sa sút tinh thần khá trầm trọng sau những năm làm thiện nguyện ở khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Là vì Liêng cứ phải chứng kiến những đứa trẻ theo nhau chết đi. Mỗi tháng, trong số mấy chục đứa trẻ ban đầu Liêng quen biết lại khuyết mất đi một đứa. Sau vài năm, tất cả chúng đều đã qua đời.
Liêng bị sốc nặng. Trước kia, cứ cuối tuần là cô dành một buổi tối vào bệnh viện dạy học và chơi với chúng. Hôm nào có tiền thì dồn một lũ, thuê taxi chở chúng đi ăn gà rán hay ra công viên ăn kem. Trên xe, cả đám túm tụm lại giơ tay hay nhăn nhó đủ kiểu chụp hình selfie. Đầu đứa nào đứa nấy trọc lóc vì hóa trị, đôi mắt trẻ con đáng lẽ trong veo như nước thì lại luôn luôn quầng thâm và bọng. Da chúng xám và chùng nhão, không căng bóng hồng tươi như những đứa trẻ khỏe mạnh khác. Chúng không được mặc nhiều áo quần đẹp vì tiền của cha mẹ phải dồn hết cho thuốc thang. Chúng cũng không nhõng nhẽo như như cái tuổi ấy phải vậy, vì sức lực của cha mẹ đã cạn, và tuy là trẻ con nhưng không hiểu bằng cách nào chúng ý thức được điều đó.
Bọn trẻ ngây thơ, mới vài ba tuổi, bằng sự nhạy cảm mà trời phú cho những thiên thần, hiểu cả việc chúng sẽ chết, cho dù có thể không hình dung ra chết có nghĩa là gì.
Liêng bên cạnh bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Chúng tôi chụm đầu xem hàng trăm tấm ảnh bạn tôi chụp trong điện thoại. Có gì lạ đâu, chỉ toàn đi công viên, ngồi cạnh nhau trên bờ xi măng của những luống cỏ dài, mỗi đứa một cây kem kịch liệt mút. Hoặc trong tiệm gà rán, miệng mũi lấm lem vệt xốt cà chua. Hoặc trên xe, cả đám vỗ tay hát một bài ngớ nga ngớ ngẩn nào đó. Bạn tôi lúc đó không có nhiều tiền, mấy cô trò chỉ được chơi vui với nhau như vậy là hết nấc. Nhưng cả cô lẫn trò, đứa nào cũng cười toe toét.
Vuốt, vuốt, vuốt. Hết tấm ảnh này đến tấm ảnh kia. Những gương mặt trẻ con tròn, trái xoan, vuông, mệt mỏi, tươi vui, kem, công viên, taxi, gà rán … theo nhau lướt qua.
Và tất cả chúng.
Đều đã chết.
Tôi sẽ không thể quên cảnh bạn tôi thừ người ra, ngón tay vẫn vuốt trên điện thoại liên tục nhưng con mắt đã ngập nước và đờ đẫn. Cô lắp bắp: "Chết hết rồi… không còn một đứa nào… chết hết".
Liêng chạy trốn. Cô không vào Bệnh viện Ung bướu hàng tuần nữa. Cô không chịu được sự tan hoang trong chính mình. Mấy năm trời, từ những người hoàn toàn xa lạ, dần dà từng chút một, cô và bọn trẻ đã thành thân thiết. Chúng nhớ cô, cô nhớ chúng, chúng reo vui khi trông thấy cô, và mọi mệt mỏi của Liêng cũng tan biến khi ùa vào lũ trẻ. Rồi bỗng chốc tất cả níu kéo, hy vọng, an ủi, động lực, thương yêu trong suốt 3 năm… tan thành hư không.
Tôi đã khóc cùng với bạn tôi.
Liêng gần như gục ngã khi chứng kiến lần lượt những đứa trẻ ung thư quanh mình đi mãi...
Nhưng sau khi cú sốc chạm đáy, Liêng dần dần trở lại. Cô ngày càng bận rộn hơn, không còn thời gian hàng tuần vào chơi với những bệnh nhi ung thư mới nữa, nhưng vẫn hoạt động phía sau để hỗ trợ cho chúng, mang thêm niềm vui cho chúng khi còn sống, và cần mẫn làm phẳng những ổ gà trên con đường những thiên thần ấy bay về trời.
Có nhiều người như Liêng và làm cùng với Liêng. Họ là nhóm tình nguyện viên trong lớp học của cô Đinh Thị Kim Phấn. Cô là cựu giáo viên trường tiểu học Đuốc Sống 1, quận 1, TP HCM, năm nay 62 tuổi. 10 năm qua cô Phấn đã cùng các giáo viên khác và những tình nguyện viên đều đặn dạy học và vui chơi với bệnh nhi ung thư ở khoa Nội nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Cô Phấn và những người khác cũng như Liêng, cũng bị sốc và nhiều lần muốn dừng lại khi cứ phải chứng kiến mãi cảnh những đứa trẻ lần lượt chết. Nhưng vẫn có những đứa trẻ còn lại mà ánh mắt và tiếng cười của chúng như những cái neo nhỏ giữ họ lại với công việc khó chịu đựng này.
Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, người đã mang chữ vào bệnh viện dạy các bệnh nhi. Ảnh: Vietnamhoinhap.
11 năm nay, chương trình Ước mơ của Thúy (báo Tuổi Trẻ) tổ chức hoạt động thường niên vào tháng 11 để hỗ trợ bệnh nhi ung thư. Đó cũng là thời gian mà Lê Thanh Thúy, người khởi xướng chương trình - về trời.
Nếu còn ở lại trần gian, Thúy năm nay tròn 30 tuổi.
Em mắc ung thư xương vào lúc mới 15, 16 tuổi, giấy trúng tuyển cấp 3 đến cùng lúc với giấy xác nhận bị ung thư. Suốt bốn năm sau, Thúy lần lượt mổ khối u ở chân, cắt bỏ 2/3 chân, rồi tháo bỏ khớp háng. Nhưng những ngày không bị bệnh tật hành hạ, em vẫn chống nạng leo cầu thang đến lớp. Em viết blog "Ước mơ của Thúy", và bằng niềm yêu thương của mình kêu gọi được những người khác chung tay tổ chức các buổi sinh nhật, trung thu, dã ngoại, chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi ung thư. Cho đến khi từ giã cuộc đời, những dòng chữ trên blog của Thúy vẫn là ước mơ được xã hội tiếp tục chương trình Ước mơ của Thúy.
Hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời là biểu tượng mà cộng đồng dành cho Thúy để cổ vũ tinh thần lạc quan bất diệt của em; là niềm trân trọng những con người luôn nỗ lực vượt lên số phận để sống cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng quật cường và rực rỡ.
Những bông hoa hướng dương lan truyền ý nghĩa tốt đẹp về sự chung tay của cộng đồng đối với những đứa trẻ kém may mắn mắc căn bệnh ung thư.
Trong chặng đường đau đớn và sợ hãi của những bệnh nhi ung thư, trong không gian bệnh viện nhiều u buồn, vài bông hoa nhỏ, bức tranh tươi thắm, tình yêu thương của nhiều người, tiếng cười và một mục đích cho ngày mai, dù mục đích đó nhỏ xíu như sẽ tô màu bông hoa đẹp hơn, giải được một bài toán khó, hay đánh vần thành công một từ… đều là những chiếc gậy thần kỳ để các con tựa vào bước đi. Cho nên những bông hướng dương nở rộ trên mạng xã hội mấy hôm nay không chỉ để dành tặng những trẻ thiếu may mắn mà dành tặng cho cả gia đình bé, cho những cô chú y bác sĩ đang chăm sóc, cho tất cả những ai đang hỗ trợ bé chiến đấu chống lại tử thần.
Tôi đã mở hashtag #uocmocuathuy2018, #uocmohong2018 để ngắm bạt ngàn hoa hướng dương trên mạng xã hội. Có những bông hoa tuyệt vời do những họa sĩ chuyên nghiệp vẽ và vô số bông hoa vụng về tạo nên trong những bàn tay bình thường, nhưng tất cả đều chân thành. Mấy ai không chân thành mà chịu bỏ thời gian ra để đọc kỹ, để làm theo, để vẽ một bông hoa và viết những lời chúc yêu thương, rồi chọn ba người bạn mà mình biết sẽ đồng cảm, để tag họ vào. Có những người bạn tôi lần đầu chụp ảnh hoa hướng dương để share, biết sai liền cặm cụi xóa đi, vẽ lại thật cẩn thận rồi hôm sau share tiếp.
Tôi vốn không thích những thứ trào lưu ngắn hạn trên mạng xã hội, nhưng lần này tôi thực sự vui thích và cảm động. Các bạn điều phối chương trình đã nghĩ ra cách làm thật thông minh để nhắc nhở cộng đồng và kêu gọi sự chung tay.
Bạn ơi, chúng ta cứ than trách xã hội nhiều bạo lực, vậy thì phải chăng tốt hơn cả là hãy tận dụng mọi cơ hội dù nhỏ nhoi để lan tỏa những cảm xúc tốt lành và cổ vũ người khác thực hiện nghĩa cử? Bạn còn ngần ngại điều gì?
Sáng nay, "Ước mơ của Thúy" thông báo từ những post hoa hướng dương, đã có 5 tỷ đồng được nhà tài trợ trao cho chương trình. Vui không bạn? Còn nghi ngờ nữa không? Những đồng tiền ấy quý giá biết mấy, vì chúng sẽ giúp mang lại sự sống, hoặc ít nhất, niềm vui trong những ngày còn được sống cho rất nhiều bệnh nhi ung thư.
Chúc các em bé sẽ như những đóa hướng dương, luôn vô tư mang những ánh vàng của sự thuần khiết chiếu sáng cuộc đời này. Cầu mong phép lạ sẽ đến với các con.
Yêu thương và trân trọng.
Trí thức trẻ