MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ cho giấc mơ ô tô điện Việt Nam

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ cho giấc mơ ô tô điện Việt Nam

Để phát triển xe điện cần phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý chất lượng phương tiện khi thực hiện hóa xe điện. Bên cạnh đó là hạ tầng cho hệ thống trạm sạc, cùng các quy định đi kèm.

Ở nhiều quốc gia, xe chạy năng lượng điện đang được coi là giải pháp hàng đầu giảm thiểu ô nhiễm không khí, môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có một tiêu chuẩn toàn cầu nào đối với xe điện. Nhiều trung tâm sản xuất xe điện lớn tại Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng các tiêu chuẩn của riêng họ trong nhiều khu vực khác nhau. Nhưng hầu hết các nước này đều có quy định về quản lý sản phẩm pin, ắc quy, trạm sạc của xe điện rất chặt chẽ.

Những quy chuẩn này giống như giấy thông hành để các nhà sản xuất tiếp cận thị trường. Chúng quy định các hướng dẫn cơ bản về tuân thủ các yêu cầu đối với môi trường và an toàn.

Việt Nam cũng đang là quốc gia rất tích cực tham gia vào cuộc đua phát triển xe điện.

Vào tháng 3/2021, chỉ sau 12 tiếng, mẫu xe điện đầu tiên của VinFast được mở bán đã nhận được lượng đặt hàng “khủng” lên tới 4.000 chiếc, điều đó đã mở ra một triển vọng mới cho sự phát triển của ngành ô tô điện Việt Nam. Sứ mệnh của những VF e34, 35, 36 rất quan trọng, đó là tiên phong cho một định hướng phát triển mới của đất nước.

Tuy nhiên, những lo ngại về chi phí, hạ tầng, thói quen người dùng và về quy chuẩn riêng dành cho ô tô điện tại Việt Nam vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên hiệp hội đang quan tâm đến sự phát triển của xe điện tại thị trường Việt Nam. Các hãng sản xuất ô tô đã có những bước đi đầu tiên, nhưng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện trong thực tế vẫn chưa có. Đặc biệt, Việt Nam chưa có chế tài quản lý, thu gom, xử lý pin, ắc quy của xe điện sau khi sử dụng.

Đơn cử, tiêu chuẩn xe điện mà VinFast áp dụng là tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp xây dựng, công bố. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chuẩn ban hành của cơ quan quản lý Nhà nước, xe điện vẫn phải đăng ký tiêu chuẩn xe xăng và cơ quan đăng kiểm không biết cấp phép theo quy định nào.

Để từng bước hoàn thiện giấc mơ về phát triển xe ô tô điện tại Việt Nam, một trong những việc cấp thiết là bịt lỗ hổng về tiêu chuẩn và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc, bởi trên thế giới đã có nhiều trường hợp xảy ra hỏa hoạn khi các phương tiện xe điện đang sạc, gây nguy hiểm về cả người và của. Do đó, tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc cần được cấp thiết xây dựng. Đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, để xe điện hoạt động được cần có hạ tầng, trong đó chủ yếu là các mô hình các trạm sạc xây dựng quy định như thế nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu... cần sớm được các cơ quan quản lý liên quan hoàn thiện, ban hành trên phương diện hài hòa quy chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiện nay, các hãng sản xuất ô tô tại Việt Nam... đã có những bước đi đầu tiên về ô tô điện. Song, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và hạ tầng là các trạm sạc xe điện vẫn chưa có nhiều, đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp. Không giống như xe máy điện có thể sạc tại nhà, để ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi sẽ cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên