img
Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 1.
Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 2.

Từ khi mới 9-10 tuổi, Lý Huy Sáng (con trai cả của ông Lý Ngọc Minh) đã quen thuộc với các sản phẩm gốm sứ bởi cậu thường xuyên vào xưởng của gia đình để chơi. "Lúc đó cũng chẳng có nhiều trò để chơi và vào xưởng của ba để nghịch là thích nhất", Sáng nói về những kỷ niệm gốm sứ đầu tiên của mình.

Thế nhưng, khi lớn lên chút nữa, cậu thanh niên này chuyển sang một niềm đam mê mới: máy vi tính. Nhà "có điều kiện", Sáng được sở hữu và dùng máy vi tính từ khi học cấp 2, lúc thiết bị này còn rất xa xỉ ở Việt Nam.

Khi được đi du học ở Canada, cậu con trưởng nhà Minh Long ghi danh học ngành công nghệ thông tin sau khi đọc rất nhiều bài báo về khả năng kỳ diệu của máy tính. Dự định của Sáng khi ấy cũng sẽ rẽ sang ngành CNTT chứ không theo nghề truyền thống của gia đình.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 3.

Thế nhưng, sau khi được ba mẹ khuyên nhủ, Sáng quyết định chuyển sang ngành quản trị kinh doanh để về nối nghiệp gia đình. Sáng chia sẻ: "Lúc đó, ba mẹ có nói là công việc gia đình không liên quan gì đến vi tính cả. Mà ba mẹ cho đi học là muốn mình về phụ giúp công việc của gia đình. Thêm nữa, Việt Nam khi ấy chưa phát triển về CNTT nên có học xong cũng ở lại Canada và làm thuê cho người ta thôi. Trong khi ngay lúc đi học mình đã xác định là trở về rồi".

Việc bỏ ghi danh học ngành CNTT không cản được đam mê công nghệ của Lý Huy Sáng. Khi học đại học, Sáng vẫn miệt mài đọc thêm các sách về vi tính, tự học lập trình, mày mò các thiết bị mới… để thoả mãn niềm đam mê của mình. Chàng trai này cũng chẳng nghĩ rằng đam mê đó sau này lại giúp cho công ty gia đình mình có bước phát triển nhảy vọt.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 4.

Trở về nước, Sáng lại quay về xưởng gốm của cha mình làm công nhân. Cậu con trai cả của nghệ nhân Lý Ngọc Minh giải thích: "Khi mình đi, công ty mới có hơn 100 người, khi về là hơn 1.000 người rồi và có thêm rất nhiều máy móc. Nếu không quay lại xưởng để học thì làm sao mà hiểu được công việc để điều hành sau này".

Trở lại xưởng gốm sứ, góc nhìn của Sáng về công việc rất khác xưa. Dù nhận thấy nhiều thay đổi, anh đồng thời phát hiện ra sự bề bộn của một công ty gốm sứ gia đình với cách làm tự phát, không có quy trình, chất lượng sản phẩm lúc đạt lúc không… Thế nhưng, thay vì thấy khó khăn, Sáng lại cảm thấy phấn khích: "Ba thường nói Minh Long giống như một trường ‘học đại’, còn mình thấy giống cái phòng lab – nơi mình có thể thử nghiệm những điều học ở nước ngoài, rồi điều chỉnh nó cho phù hợp với văn hoá của Việt Nam và thực tế của Minh Long".

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 5.

Nhắc đến gốm sứ Minh Long, nhiều người mường tượng ra bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, với những sản phẩm có chất lượng và mỹ thuật rất cao. Thế nhưng, không có nhiều người biết rằng, việc sản xuất ra các sản phẩm gốm sứ tại Minh Long một thời có chất lượng chung rất trồi sụt.

Lý do khá đơn giản. Công ty của một nghệ nhân, sản xuất không có quy trình chuẩn về giám sát nên chất lượng phụ thuộc vào độ lành nghề của người thợ và cũng biến thiên: hôm nay khác, ngày mai khác. Khi trở về làm ở xưởng sản xuất, Lý Huy Sáng nhận thức rất rõ những nguy cơ của Minh Long khi tiếp tục phát triển mà không có quy trình và kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn.

Khi Sáng trao đổi với cha mình, ông Lý Ngọc Minh cũng đồng ý với việc phải xây dựng các quy trình, cấu trúc chuẩn. Trên thực tế, khi bắt đầu, rất nhiều thợ của Minh Long phản đối bởi quy trình tạo ra nhiều công việc phải kiểm tra, kiểm soát khá phiền phức. Đó là chưa kể đến việc từng bộ phận phải cùng thống nhất cách làm việc nên không còn sự thoải mái và tự do như cách làm tự phát, theo kinh nghiệm trước đây. Đây là chưa kể đến việc bị phạt do làm sai quy trình và công việc tăng thêm ở nhiều công đoạn.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 6.

Thế nhưng, việc thực hiện đúng các quy trình về sản xuất và kiểm tra đã dần đem lại kết quả rõ rệt. Chất lượng sản phẩm của Minh Long không còn trồi sụt như trước và năng suất cũng như hiệu quả tăng dần. Thế nhưng, trước khi trở thành quản lý cấp cao và giữ chức Phó Tổng giám đốc, Lý Huy Sáng mất tới gần 7 năm, trải qua hầu hết các bộ phận ở Minh Long để thực hiện việc quy trình hoá tại công ty này.

Tiếp theo việc quy trình hoá, Lý Huy Sáng còn thực hiện việc số hoá gần như toàn bộ các công đoạn của một công ty gốm sứ, từ việc nhập nguyên liệu thô, phối màu, trộn nguyên liệu, ra sản phẩm, kiểm tra chất lượng, bán hàng… "Minh Long có thể kiểm soát mọi công đoạn từ đầu vào đến đầu ra trên hệ thống máy tính bởi tất cả đều được số hoá", Sáng chia sẻ.

Vị Phó Tổng giám đốc của Minh Long cho biết: "Khi xây dựng quy trình, mình nhận thấy rằng, nhiều công đoạn do con người điều hành và đánh giá thì có thể cảm tính: thích người này thì không nghiêm lắm, còn ghét thì làm chặt thậm chí hơi quá. Nhưng nếu là máy móc thực hiện thì tất cả đều phải đúng tiêu chuẩn. Đó là lý do việc số hoá được thực hiện rất triệt để ở Minh Long".

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 7.

Tại Việt Nam, Minh Long là công ty gốm sứ hiếm hoi thực hiện số hoá gần như toàn bộ hoạt động của mình. Chưa hết, đây cũng là công ty gốm sứ Việt Nam duy nhất có "dark factory" với hàng chục robot, giúp tự động hoá hoàn toàn dây chuyền sản xuất với một số sản phẩm gốm sứ từ năm 2017. Trong thiết kế, Minh Long cũng là công ty gốm sứ đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ thiết kế và in 3D…

Nếu xét về tổng thể, hiện tại, Minh Long đã chuyển mình từ một công ty gốm sứ của nghệ nhân sang một công ty gốm sứ 4.0, áp dụng nhiều công nghệ tối tân nhất trên thế giới vào sản xuất.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 8.
Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 9.

Cùng với việc số hoá gần như toàn bộ công ty gốm sứ truyền thống, với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm của Minh Long cũng đạt tới một trình độ hoàn toàn khác. Mà theo người con trưởng của nghệ nhân Lý Ngọc Minh là "3 nhất".

"Về độ trắng của sản phẩm thì trên thị trường  không có sản phẩm nào trắng hơn MinhLong. Nói về độ cứng chắc cũng không có sản phẩm nào cứng chắc hơn Minh Long. Nói về màu sắc trên sản phẩm thì cũng không có sản phẩm nào trên thế giới có nhiều gam màu như Minh Long. Đặc biệt, ở phân khúc nung nhiệt độ cao thì Minh Long là độc nhất trên thế giới hiện nay có đủ gam màu thể hiện được một bức tranh giống như hình chụp", Lý Huy Sáng cho biết.

Vị Phó Tổng giám đốc Minh Long giải thích thêm, với gốm sứ, khi sản phẩm nung ở nhiệt độ cao thì màu sẽ bền, không bị tróc và an toàn cho sức khoẻ nhưng màu cũng rất dễ bị tan chảy và bay mất. Các công ty không có công nghệ trui màu để chịu được nhiệt độ cao bắt buộc phải nung ở nhiệt độ thấp hơn.

"Trên thế giới hiện nay, Minh Long là công ty duy nhất làm được điều này. Ngay cả những công ty gốm sứ hàng đầu thế giới như Meissen (Đức) khi tham quan Minh Long cứ hỏi đi hỏi lại là làm thế nào để có được cái màu ở nhiệt độ cao như vậy", Sáng tiết lộ.

Chất lượng sản phẩm tăng đi kèm với năng suất cũng nhảy vọt, giúp cho sản phẩm của nghệ nhân gốm sứ chinh phục thị trường trong nước chứ không chỉ xuất khẩu gần như 100% trước đây.

Khi Lý Huy Sáng về nước, Minh Long sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm/ngày với 1.200-1.300 nhân viên. Hiện tại, công ty có thể sản xuất tới 250.000 sản phẩm một ngày nhưng số nhân viên chỉ là 2.400. Doanh thu thay đổi từ 4 triệu USD/năm lên hơn 50 triệu USD và gần 90% đến thị trường trong nước.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 10.

Tại Việt Nam, nếu nói đến gốm sứ chất lượng cao – Minh Long là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Thế nhưng, nếu so với thế giới, thương hiệu của nghệ nhân Lý Ngọc Minh chỉ là "một chú bé". "Những công ty có thương hiệu danh tiếng thường có tuổi đời hơn 300 năm, vừa vừa cũng hơn 100 năm, còn Minh Long mới hơn 30 năm thôi. Dù chất lượng sản phẩm giúp người Việt Nam có thể tự hào về gốm sứ của mình nhưng Minh Long sẽ còn phải làm rất nhiều điều khi tiến ra thế giới",  Lý Huy Sáng tâm sự.

Và mục tiêu mới của công ty gốm sứ số 1 Việt Nam là đưa tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu lên mức 40% trong vòng 2 năm tới thay vì chỉ hơn 10% như hiện tại. "Nhiều tháng gần đây, mình và phòng xuất khẩu đã đi nhiều nước, tiếp cận các đối tác để mở rộng hệ thống đại lý phân phối sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Chắc chắn năm 2019 sẽ có sự thay đổi mạnh", Sáng tiết lộ.

Về mặt cơ sở hạ tầng, Minh Long cũng đã đầu tư và hoàn thiện quy trình sản xuất, đi vào hoạt động hệ thống máy móc hiện đại nhất của ngành gốm sứ. "Vấn đề còn lại là phải tìm hiểu và sản xuất sản phẩm phù hợp nhu cầu, quảng bá tốt đến đúng thị trường mục tiêu", người kế nghiệp ở Minh Long nhận xét.

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 12.

Nếu nhìn vào một công ty có sự thay đổi mạnh  mẽ như Minh Long, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ tinh thần tiên phong và cháy hừng hực nằm ở những người trẻ, với hình ảnh của Lý Huy Sáng. Trên thực tế, người luôn hừng hực "tinh thần startup", luôn muốn thử nghiệm nhiều cái mới, tiến ra thế giới mạnh mẽ… lại chính là nhà sáng lập – ông Lý Ngọc Minh.

Còn Lý Huy Sáng như tự nhận thì: "Mình vẫn bị ba la hoài vì thủ nhiều quá, cái gì cũng muốn cầu toàn nhiều quá làm công việc chậm lại". Thế nhưng, giải thích thêm về việc "thủ nhiều quá" của mình, Sáng nói: "Giờ Minh Long đã to rồi không thể cứ làm nhanh và làm liền như khi startup được".

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 13.

Vị Phó Tổng giám đốc này cho rằng, trước đây khi công ty có quy mô nhỏ, những người lãnh đạo có thể kiểm soát mọi thứ trong tầm tay, hiểu mọi việc nên dễ dàng điều chỉnh. Còn bây giờ, khi quy mô công ty lớn, rất nhiều thứ do người khác làm và lãnh đạo không thể kiểm soát để điều chỉnh được nếu không thông qua quy trình nghiêm ngặt.

"Mà nếu không qua quy trình thì rất dễ thất bại, chỉ may mắn mới thành công. Cứ nhìn các startup là thấy, rất ít công ty sống sót, chứ nếu ai làm cũng được thì tất cả giàu hết rồi. Còn tất nhiên, nếu là quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu rủi ro thì khó mà nhanh được", Sáng nhận xét.

Tuy nhiên, Lý Huy Sáng cũng thừa nhận: "Mình thủ nhiều cũng do tính cách nữa. Còn ba từ trẻ đã như vậy rồi, thậm chí dù có nhiều việc thất bại thì tính cách của ba vẫn không thay đổi. Người ta vẫn nói ‘Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’ mà. Thế nhưng, chính tính cách đó của ba đã tạo nên Minh Long ngày hôm nay".

Bật mí phương pháp để dung hoà việc điều hành công ty giữa 2 tính cách trái ngược nhau, Lý Huy Sáng nói: "Mình và ba thống nhất với nhau về 2 nguyên tắc quan trọng: một là có hiệu quả không, hai là có giúp công ty trường tồn không. Ba và mình, cũng như những người điều hành khác trong công ty sẽ dựa trên 2 nguyên tắc này để ra quyết định chứ không để cá tính riêng hay vị trí trong công ty làm trái nguyên tắc".

Rồi người con trưởng của nhà sáng lập Minh Long nói thêm: "Mình thấy nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 lên rất lẹ, báo chí rầm rộ đăng. Thế nhưng, 5-10 năm sau thì họ biến mất hầu hết. Trong khi đó, nhiều công ty quy mô nhỏ hơn nhưng hàng trăm năm sau vẫn còn họ. Vậy cái mình chọn là cái nào? Mình muốn Minh Long trường tồn hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm nên có xu hướng là thận trọng, từng bước từng bước một".

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 15.

Cho đến nay, Minh Long vẫn là một công ty của gia đình họ Lý. Nhà sáng lập, ông Lý Ngọc Minh vẫn là Tổng giám đốc. Con trai cả Lý Huy Sáng là Phó Tổng giám đốc và 3 người con khác cũng phụ trách các công việc trong của công ty. Lý Huy Sáng tiết lộ, về tài sản, 4 anh em được chia phần đều nhau nhưng điều hành công ty thì người có sở trường ở lĩnh vực nào sẽ phụ trách mảng đó.

Lý Huy Sáng cho biết thêm, Minh Long sẽ duy trì công ty mẹ luôn là công ty của gia đình họ Lý, còn công ty con sẽ mở ra cho người bên ngoài góp vốn, cùng sở hữu, và điều hành. Đây cũng là cơ hội cho các nhiều nhân tài muốn tham gia phát triển Minh Long trở thành một công ty quốc tế lớn.

Trong gia đình cũng như công ty, ông Lý Ngọc Minh luôn dạy các con và nhân viên phải thuộc nằm lòng 4 giá trị: thứ nhất là trung thực, thứ hai là giữ chữ tín, thứ ba là không bao giờ có ý định hại ai và thứ tư là luôn đề cao việc minh bạch, có kiểm soát chéo.

Không giống như nhà sáng lập, những người thừa kế của nghệ nhân Lý Ngọc Minh không ép các con mình buộc phải đi theo nghề gốm sứ của cha ông. "Mỗi người có một đam mê khác nhau, chỉ khi làm điều mình đam mê thực sự mới có kết quả tốt. Tại sao mình cứ phải ràng buộc con cháu của mình theo cái việc mà mình thích? Biết đâu nó làm việc khác lại có hiệu quả gấp hàng trăm lần thì sao?", Lý Huy Sáng nhận xét.

Con trai cả của ông Lý Ngọc Minh lấy ví dụ của một người bạn mình là doanh nhân nước ngoài. Anh này thường hay than phiền về việc cậu con trai mê chơi game và không theo nghiệp gia đình. Thế nhưng, cậu con trai sau đó làm startup về game và tạo ra một công ty có trị giá nhiều tỷ USD, lớn gấp hàng trăm lần công ty của bố.

"Nếu đứa nhỏ đó mà ban đầu bị ép đi theo công ty của anh ấy thì chưa chắc đã có thành công như vậy", Sáng nói.

Chia sẻ thêm về vai trò của người sáng lập công ty, Lý Huy Sáng cho biết: "Ba mình sẽ còn tiếp tục vai trò ảnh hưởng lớn tại Minh Long. Thực ra, ở châu Á, đó là chuyện bình thường và người sáng lập nào cũng vậy. Cá tính của họ rất mạnh và họ rất khó rời xa đứa con tinh thần của mình. Như ông Lý Gia Thành ở Hồng Kông, ông ấy chỉ rời hoàn toàn vai trò điều hành, trở thành cố vấn khi đã hơn 90 tuổi mà thôi".

Những chuyện lạ lùng ở gia đình “Vua gốm sứ Việt Nam” - Ảnh 17.
Hoàng Ly
Min Nguyễn - Thu Lan
7pm
Theo Trí Thức Trẻ3/7/2019

Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên