MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu bất động sản nổi sóng với kế hoạch chuyển nhượng dự án

Cổ phiếu bất động sản trở thành tâm điểm trong những tháng đầu năm 2017, trong đó động lực tăng giá của không ít cổ phiếu xuất phát từ việc chuyển nhượng dự án.

Dòng tiền ngay từ đầu năm đã có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, trong đó tài chính và bất động sản là hai nhóm được quan tâm nhiều nhất. Bên cạnh sự chuyển động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều cổ phiếu tăng trưởng mạnh với các kế hoạch về chuyển nhượng dự án.

Nói đến nhóm cổ phiếu “làm mưa làm gió” trên thị trường từ đầu năm, không thể không kể đến cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai. Loanh quanh ở mức 5.000 đồng trong cả năm 2016, nhưng chỉ trong vài tháng đầu năm 2017, cổ phiếu này tăng đột biến lên gần 30.000 đồng, gấp 6 lần, xoay quanh những thông tin về dự án Phước Kiển – dự án lớn nhất của QCG.

Theo thông tin bổ sung được đưa ra trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016, Quốc Cường Gia Lai cho biết đang trong quá trình đàm phán chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Sunny Island, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017. Công ty cũng nhận tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD (1,150 tỷ đồng) từ Sunny vào cuối tháng 3 và khoản tiền này sau đó đã được sử dụng để tất toán khoản vay với Ngân hàng BIDV.

Theo báo cáo tài chính trong 3 tháng đầu năm, giá trị bất động sản dở dang của dự án Phước Kiển ghi nhận hơn 4.300 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản của công ty. Đây cũng là dự án có quỹ đất lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, nhưng dù đã triển khai 8 năm ròng rã công ty vẫn chưa thể hoàn tất khâu giải tỏa mặt bằng. Tỷ lệ này đến năm 2017 mới đạt 92%.

Tăng nhờ Phước Kiển thì sau đó dự án này cũng là nguyên nhân khiến QCG lao dốc. Sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai khẳng định tại ĐHĐCĐ thường niên rằng thông tin chuyển nhượng Phước Kiển là không chính xác và công ty vẫn đang tính toán giữa 2 phương án là chuyển nhượng và hợp tác đầu tư.

Điều này đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu QCG. Từ đầu tháng 7 đến nay, thị giá cổ phiếu QCG đã điều chỉnh từ mức hơn 28.000 đồng về giao dịch quanh ngưỡng 21.000 – 22.000 đồng.

Cũng nhờ câu chuyện liên quan đến chuyển nhượng dự án, cổ phiếu LCG của CTCP Licogi 16 và cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu cũng tăng gấp nhiều lần chỉ trong vài tháng đầu năm.

Với LCG, cổ phiếu thuộc dòng penny này chỉ được giao dịch quanh mốc 4.000 đồng cuối năm 2016 đã tăng gần gấp đôi chỉ trong những tháng đầu năm 2017. Động lực tăng giá đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự hồi sinh khi công ty dự kiến sẽ thoái vốn tại nhiều dự án và cơ cấu khoản đầu tư. Trả lời báo chí, Chủ tịch Bùi Dương Hùng của LCG cho biết đã thực hiện đặt cọc và trong quá trình chuyển nhượng dự án Phú Hội (83ha).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, LCG đạt doanh thu hơn 504 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 41 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận. LCG và các liên doanh mới đây cũng trúng thầu 3 dự án BOT quốc lộ 38, Bình Tiên và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, trong đó công ty sẽ giữ vai trò đơn vị thi công chính.

Kỳ vọng hồi sinh cũng giúp cổ phiếu VRC bứt phá. Năm 2017, công ty này đặt kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 394 tỷ đồng với lợi nhuận Tgấp 53 lần năm 2016 – đạt 120 tỷ đồng.

Theo thông tin từ ban lãnh đạo VRC, động lực để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch đến từ việc chuyển nhượng dự án tại quận 7, TP HCM. Dự án có tổng diện tích gần 98.000 m2, hiện đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được gần 50% với chi phí dở dang ghi nhận 126 tỷ đồng. Ngoài ra, VRC cũng có ý định chuyển nhượng dự án 2 tầng khách sạn của tòa nhà Vũng Tàu Apartment Building tại 165 Thùy Vân (Vũng Tàu) và dự án trụ sở văn phòng tại 54 Võ Thị Sáu (Vũng Tàu).

Mặc dù chưa kịp phản ánh vào thị giá nhưng mới đây Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đều công bố thông tin chuyển nhượng những dự án lớn đang nắm giữ.

Cuối tháng 6/2017, HĐQT của KBC đã ra Nghị quyết chuyển nhượng hết toàn bộ 100% tương đương 1.500 tỷ đồng vốn góp tại Khách sạn Hoa Sen cho một đối tác khác là CTCP Đầu tư Mặt trời mọc. Như vậy, Hoa Sen không còn là công ty con của KBC. Đồng nghĩa với việc, KBC không còn là chủ dự án khu đất vàng đặc địa 4,2ha trên.

Dự án này từng được kỳ vọng trở thành tổ hợp dự án BĐS cao cấp mang tầm quốc tế trên khu đất vàng tại đường Phạm Hùng, Hà Nội, sau khi tập đoàn Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút khỏi dự án (tên cũ trước đây là Lotus Hotel, quy mô 15 tầng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD).

Còn VNECO, doanh nghiệp mới thông báo về việc ký hợp đồng chuyển nhượng dự án khu tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp VNECO Plaza tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho Công ty cổ phần Bảo Phước. Ước tính việc chuyển nhượng dự án này đem về cho VNECO 221 tỷ đồng tương đương giá bán 80 triệu đồng/m2, tuy nhiên lợi nhuận từ thương vụ này chưa được tiết lộ cụ thể.

Dự án VNECO Plaza nằm trên khu đất có diện tích 2.769,5 m2, gồm 40 tầng nổi và 2 tầng hầm với 300 phòng khách sạn và 240 căn hộ cao cấp. Dự án do công ty con của VNE là Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản – Du lịch VNECO làm chủ đầu tư. Công ty có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, thành lập ngày 28/10/2016.

Về phía KSB, đầu tháng 6 doanh nghiệp này đã thông báo chuyển nhượng dự án khu biệt thự Bình Đức Tiến với diện tích gần 27.000m2 tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Đây là dự án lớn nhất chiếm gần 50% giá trị khoản mục xây dựng dở dang của KSB và là dự án được đầu tư nhiều nhất trong năm 2016.

Tính đến 31/12/2016, giá trị xây dựng dở dang của dự án này đạt hơn 71 tỷ đồng, so với mức 6,6 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Năm 2017, KSB đặt mục tiêu doanh thu 1.025 tỷ đồng, tăng 18% so với thực hiện năm 2016, với lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 240 tỷ đồng, tăng 16%. Công ty cũng đề xuất nếu vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra, HĐQT sẽ trích 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch để thưởng cho ban lãnh đạo và cán bộ quản lý.

Bảo Bối

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên