Những cổ phiếu tiềm năng nhưng giới đầu tư đang "thờ ơ"
Nhiều cổ phiếu tăng mạnh, liên tục vượt đỉnh, tuy vậy vẫn có những cổ phiếu đang giao dịch ở vùng đáy từ đầu năm mặc dù nội lực tốt.
VnIndex đã vượt ngưỡng 1.200 điểm và liên tục đạt đỉnh mới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5/2021 VnIndex đạt mức 1.250,57 điểm. Cùng với đó, nhiều mã chứng khoán bứt phá, giao dịch ở vùng giá cao.
Hàng loạt cổ phiếu đang giao dịch ở vùng đỉnh
Loạt cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong lịch sử, như HPG của Tập đoàn Hòa Phát – với mức giá đóng cửa ngày 6/5/2021 ở 59.400 đồng/cổ phiếu, nâng vốn hóa thị trường lên gần 197.000 tỷ đồng. Như CTG của ViettinBank với thị giá hiện tại 42.900 đồng/cổ phiếu, nâng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp lên gần 160.000 tỷ đồng.
Đặc biệt có những mã chứng khoán như THD của Thaiholdings – tăng 63% từ đầu năm, hiện giao dịch ở mức 188.000 đồng/cổ phiếu. Thai Holdings cũng chỉ mới lên sàn từ tháng 6/2020 và sau chưa đến 1 năm, công ty tăng vốn khủng, giá cổ phiếu cũng tăng chóng mặt.
Cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công đã tăng gấp đôi từ đầu năm, lên 103.000 đồng – cũng đã gia nhập danh sách những mã chứng khoán có thị giá 3 chữ số. Hiện TCM cũng đang giao dịch ở vùng đỉnh. Cổ phiếu PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đang liên tục tăng, xác lập những đỉnh mới.
Những cổ phiếu vẫn giao dịch ở vùng đáy
Khi VnIndex tăng, nhiều cổ phiếu vượt đỉnh, thì vẫn còn đó những cổ phiếu vẫn duy trì giao dịch mức thấp. Có thể kể tên một số cổ phiếu trong số đó như YEG của Tập đoàn Yeah 1. Ở thời kỳ đỉnh cao, YEG đã xấp xỉ chạm mốc 350.000 đồng/cổ phiếu – từng nắm giữ vị trí cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.
Tuy nhiên sau sự cố Youtube, YEG lao dốc, và đã từng "neo" lại được ở vùng giá 40-50.000 đồng/cổ phiếu một thời gian dài. Tuy nhiên, những phiên giao dịch gần đây YEG đã lao dốc về vùng 23.000 đồng/cổ phiếu – mức rất thấp của cổ phiếu này. Một trong những nguyên nhân khiến YEG lao dốc thời gian vừa qua có thể do kết quả kinh doanh quý 1 không thuận lợi với số lỗ sau thuế hơn 52 tỷ đồng. Tuy vậy số lỗ này đã cải thiện nhiều so với quý trước đó – quý 4/2020.
Trường hợp cổ phiếu SBT của Thành Thành Công Biên Hòa thì lại khác. SBT đang giao dịch tích lũy quanh mức 19.900 đồng/cổ phiếu. Dù giao dịch với vùng giá thấp, nhưng thanh khoản thị trường của cổ phiếu SBT lại rất tốt với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận trong quý 3 vừa qua (theo niên độ tài chính) rất khả quan, đặc biệt đối với một doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. Số liệu trên BCTC của Thành Thành Công Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần quý 3 năm tài chính 2020-2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ, lên 3.181 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế thậm chí tăng gấp đôi, lên trên 192 tỷ đồng. Tính riêng lợi nhuận sau thuế 9 tháng niên độ này đã vượt hơn 32% so với lợi nhuận cả niên độ trước.
Cổ phiếu SAB của Sabeco cũng là một ví dụ. SAB mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở sát vùng giá 194.000 đồng/cổ phiếu, có lúc tăng mạnh lên vùng giá 205.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó SAB giảm sâu, về đáy của năm, hiện giao dịch quanh vùng giá 156.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ giảm 19%.
Cũng như SBT, cổ phiếu SAB giảm dù kết quả kinh doanh tăng trưởng. Doanh thu thuần quý 1 đạt 5.861 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế tăng 37,6%, lên mức 986 tỷ đồng. Đây là những dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp đã dần thích ứng với những tác động của dịch bệnh và nghị định 100 về quy định uống rượu bia khi lái xe tác động lớn trong quý 1 năm ngoái.
Cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia cũng đang duy trì vùng giá thấp sau cú tăng đột biến hồi đầu năm. RIC có chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp từ 11/1 đến 4/3/2021 với mức giá tăng từ 5.000 đồng lên 46.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gấp 9 lần. RIC tăng mà không có nguyên nhân nào hỗ trợ. Và mức tăng đã không duy trì lâu, ngay sau đó là chuỗi lao dốc, và hiện RIC duy trì vùng giá 20.000 đồng/cổ phiếu.
Những cổ phiếu tiềm năng nhưng giới đầu tư đang "thờ ơ"
Trên thực tế, biến động giá cổ phiếu thường được quyết định bởi những biến động của doanh nghiệp. Như trường hợp cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành mía đường.
Từ cuối tháng 2/2021, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu Thái Lan, đây được xem là động thái phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho ngành sản xuất đường trong nước.
Thuận lợi thì có nhưng khó khăn cũng không phải ít. Các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước cũng đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Mía đường Sơn La (mã SLS) đặt mục tiêu 816 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 26 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 78% so với niên vụ trước. Lãnh đạo công ty cho biết, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước thềm niên vụ mới. Lượng tiêu thụ đường suy giảm cũng như việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan là những vấn đề cấp bách công ty sẽ phải đối mặt trong niên vụ 2020- 2021.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ đã giúp các doanh nghiệp trong ngành tăng cường năng lực của mình. Điển hình như Thành Thành Công Biên Hoà (mã SBT) hiện có danh mục khách hàng lớn, sở hữu công nghệ cao, vùng nguyên liệu rộng nên có lợi thế hơn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ đường Thái. Phân khúc sản phẩm của SBT thuộc tầm trung và cao cấp nên có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU và các nước có hiệp định FTA với Việt Nam.
Cổ phiếu VNM cũng là một trong những ví dụ điển hình. Về tiềm năng, theo Nielsen Việt Nam, Vinamilk liên tục giữ vị trí số 1 ngành hàng sữa nước trong nhiều năm liên tiếp, đồng thời giữ phong độ dẫn đầu các ngành hàng lớn khác như sữa bột trẻ em, sữa chua uống, sữa đặc có đường. Không chỉ được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm của Vinamilk còn được đón nhận tại nhiều thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Từ 03 nhà máy ban đầu khi thành lập, đến nay, Vinamilk đang có 13 nhà máy trong nước được đầu tư quy mô và ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk chốt tháng Tư ở mức 93.500 đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Trong khi đó, VN-Index tăng 10,6%. Hiện VNM đang giao dịch quanh mức 88.000 đồng/cổ phiếu – thấp trong khoảng 9 tháng trở lại đây.
Cơ hội cho những cổ phiếu tiềm năng
Thị trường chứng khoán vẫn đang vào những nhịp điều chỉnh, chỉ số VnIndex có những phiên tăng mạnh, xen lẫn những phiên đỏ sàn. Tuy vậy ngưỡng 1.200 điểm đã được giữ vững khá lâu, VnIndex còn liên tục lập những kỷ lục mới.
Thị trường chứng khoán vượt đỉnh, dòng tiền của các nhà đầu tư liên tục đổ vào, do vậy, lực mua tăng mạnh cũng khiến các cổ phiếu cơ bản ổn định được giao dịch nhiều. Những mã chứng khoán có hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên như VIC, như SBT, như VNM, như THD... không quá nhiều. Do vậy việc dòng tiền đổ vào thị trường và việc các nhà đầu tư chọn lọc, phân hóa những cổ phiếu chất lượng sẽ ngày càng rõ rệt – điều này sẽ có lợi cho những cổ phiếu tiềm năng của các doanh nghiệp kinh doanh ổn định, lợi nhuận tăng trưởng.
Có lẽ, chính bởi tiềm năng tăng trưởng tốt và bị thị trường chứng khoán lãng quên suốt thời gian dài, mấy phiên gần đây, hàng loạt cổ phiếu hội tụ nhiều tiềm năng như SBT, VNM đã bất ngờ bứt phá. VNM vừa có phiên tăng trần phiên 10/5 và SBT cũng đã đảo chiều tăng trần ngay trong phiên giao dịch ngày 11/5.