Những cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" làm lung lay các gia tộc hàng đầu châu Á
Khi các gia tộc đứng sau những tập đoàn hàng đầu châu Á xảy ra mâu thuẫn nội bộ, những doanh nghiệp đứng đằng sau đó có thể bị rung lắc, thậm chí khiến cả nền kinh tế lung lay. Từ tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đến hãng Reliance Industries của Ấn Độ đều rơi vào cảnh này.
- 09-10-2016Nội chiến gia tộc ở Lotte
- 02-10-2016Samsung: Con tàu đang chìm?
- 08-05-2015Công ty gia đình trị - "Bông hoa nở rộ" của chủ nghĩa tư bản hiện đại
Vốn là nền văn hóa coi trọng truyền thống và đề cao vai trò của gia đình, không có gì ngạc nhiên khi châu Á là nơi tập trung nhiều công ty gia đình lớn nhất thế giới. Từ gia tộc Ambanis (Ấn Độ) đến gia tộc họ Lee lừng lẫy đứng sau tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), các gia tộc tài phiệt này đã thể hiện được sức mạnh của họ trong nền kinh tế châu Á.
Tuy nhiên, cũng chính vì tầm ảnh hưởng lớn nên khi các gia tộc này xảy ra mâu thuận nội bộ, những doanh nghiệp đứng đằng sau đó có thể bị rung lắc, thậm chí khiến cả nền kinh tế lung lay.
1. Lotte Group – Hàn Quốc
Năm ngoái, Shin Kyuk Ho - nhà sáng lập 94 tuổi của Lotte Group bất ngờ bị sa thải khỏi vị trí điều hành cao nhất tập đoàn. Người hất cẳng ông Shin không ai khác chính là con trai út Shin Dong Bin. Lý do Dong Bin đưa ra là vì tuổi tác và bệnh tật, cha mình “gặp khó khăn” trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn.
Trên thực tế, công ty đa ngành lớn thứ 5 Hàn Quốc đã phải chứng kiến cuộc tranh giành quyền lực giữa Shin Dong Bin và người anh ruột - Shin Dong Joo. Dong Joo đã bị người em loại khỏi vị trí Phó chủ tịch Lotte Holdings từ tháng 1 năm ngoái.
Đến tháng 7/2015, thông qua cha mình là Shin Kyuk Ho, Dong Joo cố gắng hất cẳng em trai khỏi Lotte Holdings. Nhưng kế hoạch đã bị lật ngược khi Dong Bin kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp và thuyết phục được hội đồng quản trị đồng ý sa thải cha mình khỏi vị trí CEO của tập đoàn.
Cuộc chiến tiếp diễn vào tháng 12/2015, khi ông Kyuk Ho cùng con trai cả Dong Joo kiện Dong Bin và các thành viên hội động quản trị của Lotte Holdings vì “bị sa thải bất hợp pháp”.
2. Reliance Industries - Ấn Độ
Khi Dhirubhai Ambani – nhà sáng lập của tập đoàn đa ngành Ấn Độ Reliance Industries qua đời năm 2002, ông đã không để lại di chúc. Việc này khiến hai người con trai của ông là Mukesh và Adil rơi vào cảnh “huynh đệ tương tàn” để giành quyền kiểm soát công ty.
Cuộc chiến chỉ chấm dứt khi mẹ của họ - bà Kokilaben Ambani can thiệp và phân chia quyền kiểm soát công ty cho cả hai người con vào năm 2005.
3. EVA Airways – Đài Loan
Được mệnh danh là hãng hàng không “Hello Kitty” của Đài Loan nhưng không phải lúc nào nụ cười cũng xuất hiện ở đây. Tháng 3/2016, khi vừa hạ cánh xuống sân bay Singapore, ông Chang Kuo Wei – Chủ tịch của EVA Airways đã nghe tin mình bị hất cẳng ra khỏi công ty.
Chang Kuo Wei là người thừa kế sáng giá nhất của Evergreen Group, sau khi cha ông là Chang Yung Fa qua đời vào tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, ông lại trở thành nạn nhân của một cuộc tranh giành quyền lực trong gia tộc khi ba người anh cùng cha khác mẹ đã thông qua hợp nhất cổ phần của họ trong hãng đóng tàu và vận tải Evergreen để đẩy Kuo Wei đi.
4. SJM Holdings – Trung Quốc
Tỷ phú sòng bài Macau Stanley Ho có tới 4 bà vợ và 17 người con. Là vua sòng bài nhưng ông Stanley Ho lại không dám đặt cược tài sản của mình vào “lá bài” mang tên thừa kế. Vì thế, ông đã quyết định chia tài sản của mình thành 2 phần theo 2 phe khác nhau. Điều này đã gây ra cuộc nội chiến giữa vợ và các con ông.
Trung tâm của sự việc là vào tháng 1/2011, Angela Leong – người vợ thứ 4 của ông và Pansy Ho - con gái với người vợ 2 cáo buộc nhau cố giành 1,7 tỷ USD cổ phần trong SJM Holdings. 2 tháng sau đó, vụ việc mới được giải quyết xong.
5. Sun Hung Kai – Hồng Kong
Câu chuyện về đại gia đình Kwok là một chuỗi những thành công tột đỉnh và cả những scandal đình đám. Cuộc chiến giữa anh em nhà Kwok không phải vì lý do thừa kế hay kiểm soát công ty. Trên thực tế, khi tài phiệt Kwok Tak Sang qua đời năm 1990, con trai cả của ông - Walter Kwok đã lên thay cha làm chủ tịch hãng bất động sản Sun Hung Kai.
18 năm sau, Walter bị phát hiện ngoại tình với Lee Shau Kee, khi đó là một giám đốc của Sun Hung Kai. Walter bị mẹ mình đẩy khỏi quỹ đầu tư của gia đình, châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài đến năm 2014 - khi ông được khôi phục vị trí tại đây. Tuy vậy, chức lãnh đạo công ty vẫn thuộc về hai người em trai - Raymond và Thomas Kwok.
6. Otsuka Kagu – Nhật Bản
Đầu năm 2015, khi doanh thu của hãng nội thất Nhật Bản Otsuka Kagu giảm tới 37,8%, cuộc chiến giữa nhà sáng lập Katsuhisa Otsuka và con gái ruột Kumiko Otsuka mới dần lộ diện.
Nguyên nhân của cuộc chiến này là do người cha - Katsuhisa không muốn làm theo gợi ý của Kumiko về việc thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại và cởi mở hơn. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, Kumiko là người chiến thắng và giữ lại được quyền kiểm soát Otsuka Kagu.
7. Samsung – Hàn Quốc
Đây có lẽ là cuộc chiến gia tộc lớn nhất về giá trị tài sản. Vào năm 2012, ông Maeng Hee - con trai cả của nhà sáng lập tập đoàn Samsung Lee Byung Chul, đã khiến tất cả mọi người bất ngờ khi đệ đơn kiện em trai Lee Kun Hee, người giữ ghế chủ tịch khi đó.
Ông Maeng Hee đòi quyền thừa kế 710 tỉ won, tương đương gần 610 triệu USD, trong di sản mà cha mình để lại. Cùng với sự ủng hộ của em gái Sook-hee, Maeng Hee cáo buộc em trai Kun Hee bí mật kiểm soát hơn 4.000 tỉ won di sản của cha và họ có quyền hưởng một phần trong số đó. Đơn kiện trên bị bác bỏ vào năm 2014.