Những cuộc tranh chấp nổi tiếng nhất thị trường tài chính Việt Nam: Từ Sacombank, Eximbank đến Coteccons, Vinaconex... và chiến thắng bất ngờ của bầu Hiển
Ở những vụ việc tranh giành quyền kiểm soát trong quá khứ, nhóm cổ đông nắm cổ phần đa số giành chiến thắng nhưng đều phải tốn khá nhiều thời gian, thường mất đến 2-3 năm.
- 08-01-2023Góc khuất phía sau phong trào khởi nghiệp: Có người không trở lại làm thuê được nữa, lông bông, không lối thoát
- 08-01-2023Hòa Bình (HBC) giữa nội chiến: 2 cuộc họp HĐQT ngay trong 1 ngày, có đúng quy định?
- 08-01-2023Thực phẩm Hữu Nghị bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, lãi ròng 9 tháng đầu năm 2022 đã vượt gấp đôi kế hoạch cả năm
Ngay thời khắc chuyển giao giữa năm 2022 và 2023, tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) bất ngờ xảy ra tranh chấp căng thẳng liên quan tới vị trí Chủ tịch HĐQT.
Thoạt đầu, động thái rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Hòa Bình của ông Lê Viết Hải nhường vị trí cho ông Nguyễn Công Phú tưởng chừng chỉ là một “bước đệm” chuyển giao việc điều hành cho con trai ông Lê Viết Hải. Tuy nhiên, nó nhanh chóng lại trở thành cuộc tranh chấp vị trí cao nhất của công ty khi ông Hải và ông Phú liên tiếp đăng đàn tố cáo lẫn nhau. Đến hiện tại, cả hai đều khẳng định mình là Chủ tịch hợp pháp của Hòa Bình.
Hồi kết của đại chiến Hòa Bình vẫn đang bị bỏ ngỏ, tuy vậy, đây không phải là mâu thuẫn lần đầu trong lịch sử giữa các nhóm thành viên Hội đồng quản trị hay các nhóm cổ đông có ảnh hưởng.
Từ hơn 10 năm trước, một trong những vụ việc tranh giành quyền kiểm soát nổi tiếng nhất và lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã xảy ra tại Sacombank.
Tin đồn về việc Sacombank bị thâu tóm bắt đầu nổ ra vào tháng 7/2011. Trước nguy cơ Sacombank rơi vào tay một nhóm cổ đông, gia đình ông Đặng Văn Thành - người xây dựng Sacombank từ những ngày đầu đã dùng nhiều cách phòng thủ để ngăn chặn những đòn thâu tóm từ đối thủ. Đã có hàng loạt động thái mua bán hàng chục triệu cổ phiếu STB xuất phát từ các công ty của người nhà ông Đặng Văn Thành.
Những nỗ lực của ông Đặng Văn Thành cuối cùng không thành công. Tháng 2/2012, đại diện là Eximbank và nhóm liên quan tới ông Trầm Bê tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Đến tháng 11/2012, ông Đặng Văn Thành rút lui, thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, giao cho người kế nhiệm là ông Phạm Hữu Phú.
Trở thành "trung gian" cho ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank, chính Eximbank cũng rơi vào gần 1 thập kỷ tranh chấp và kết quả kinh doanh đổ dốc.
Vấn đề nóng nhất nhiều năm là việc giành chiếc ghế chủ tịch ở Eximbank. Chỉ trong vòng 06 năm, Eximbank đã 8 lần thay đổi vị trí chủ tịch HĐQT. Tranh chấp giữa các nhóm cổ đông giành quyền kiểm soát Eximbank khiến hoạt động thượng tầng của Eximbank gần như tê liệt.
Kể từ tháng 04/2019 - 09/2021, Eximbank không có chức danh Tổng giám đốc đồng nghĩa với việc không có người đại diện theo pháp luật. Cùng giai đoạn, Eximbank không thể tổ chức ĐHĐCĐ thành công, không thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, những quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động của ngân hàng.
Eximbank đã từng phải 11 lần hoãn, dời, tổ chức bất thành, sau đó mới tổ chức thành công đại hội cổ đông năm 2021 vào tháng 2/2022. Nhưng đến ĐHĐCĐ năm 2022 lại tiếp tục bất thành vì không đủ tỉ lệ tiến hành.
Trở lại với biến cố Hòa Bình, những ngày này, Coteccons (CTD) - doanh nghiệp cùng ngành cũng được réo tên nhiều khi cách đây không lâu vừa trải qua một "kịch bản" tương tự.
Không hài lòng với đội ngũ quản trị và điều hành của Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương đứng đầu, nhóm cổ đông do Kusto đứng đầu đã có những động thái nhằm phế truất ban lãnh đạo của Coteccons.
Từ đối tác chiến lược, tháng 6/2020, Kustocem (nắm hơn 17% vốn) đã thông báo họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thay đổi HĐQT đương thời, yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương từ chức. Cổ đông này cũng yêu cầu kiểm toán đặc biệt với các hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan đến các công ty còn lại trong Coteccons Group, vì nhận thấy có vấn đề xung đột lợi ích, bao gồm Ricons.
Sau khi Kustocem "châm ngòi", không chỉ có quỹ đầu tư The8th đồng thuận, một quỹ ngoại khác là PXP Vietnam Emerging Equity Fund (PXP VEEF) cũng ủng hộ hành động ngăn chặn các hành vi xung đột lợi ích tại Coteccons của Kustocem và The8th.
Cơ cấu quyền biểu quyết của Coteccons thời điểm xảy ra xung đột
Coteccons sau đó 2 lần đáp trả trên truyền thông về các thông tin cáo buộc này của các cổ đông ngoại. Công ty thậm chí còn đặt dấu hỏi về nhóm Kustocem "cấu kết với nhau tìm mọi cách bãi miễn những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm".
Thế nhưng đến cuối năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương đã rút lui hoàn toàn khỏi Coteccons sau 17 năm xây dựng. Ông Bolat Duisenov - người sáng lập đồng thời là tổng giám đốc của Kusto lên làm tướng mới và mâu thuẫn kết thúc.
Cũng cùng thời điểm với cuộc tranh chấp tại Coteccons là một cuộc mẫu thuẫn dai dẳng tại Vinaconex giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng và Phú Long. An Quý Hưng đã trả giá rất cao khi SCIC thoái vốn cuối năm 2018 để nắm quyền kiểm soát Vinaconex, nhưng chưa đạt đủ tỷ lệ biểu quyết để thông qua các quyết sách quan trọng.
Nút thắt xung đột và cũng là đích đến của phía Phú Long nằm ở dự án Bắc An Khánh (Splendora) vốn do Vinaconex nắm 50% và Phú Long nắm 50% vốn còn lại. Nhóm cổ đông mới của Vinaconex cũng muốn kiểm soát dự án này vì đều nhìn thấy lợi ích từ "đất vàng" hơn 260ha.
Tương quan vị trí của Splendora với các dự án lớn khác
Hàng loạt những động thái pháp lý đã được tiến hành và phải mất gần 2 năm đàm phán, hai bên mới đi đến thống nhất bằng việc hoán đổi cổ phần: phía Phú Long thoái vốn khỏi Vinaconex đồng thời Vinaconex thoái phần vốn tại Bắc An Khánh cho Phú Long.
Khi sự việc tại Coteccons và Vinaconex vừa được dàn xếp, thì một vụ việc tương tự tiếp tục xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) .
Từ tháng 10 – 11/2020, một nhóm cổ đông đã thâu tóm khoảng 51% cổ phần của OGC và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH). Sau đó, nhóm cổ đông này đã uỷ quyền hoàn toàn cho IDS Equity Holdings (IDS) tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông OGC.
Mặc dù IDS nắm trong tay cổ phần chi phối (51%), nhưng tháng 12/2020, Ông Mai Hữu Đạt – Chủ tịch HĐQT OGC lại khẳng định các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát công ty vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định. Trong thời gian đó OGC đã nhận được một số thư đề nghị gặp mặt của IDS, nhưng lãnh đạo OGC từ chối.
Mâu thuẫn giữa IDS và Ban lãnh đạo OGC đã kéo dài cả năm 2021 dẫn đến không thể tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ. Phải mất đến gần 2 năm phủ quyết qua lại giữa 2 phía, tới tháng 4/2022, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings mới có thể chính thức tiếp quản quyền điều hành của OGC.
Là doanh nghiệp được gây dựng bởi ông Hà Văn Thắm, OGC đã thua lỗ và thất thoát khá nhiều tài sản không thể thu hồi được sau khi doanh nhân này vướng vào vòng lao lý. Tuy vậy, OGC và công ty con OCH vẫn còn rất nhiều tài sản tiềm năng.
Với các vụ việc trên, nhóm cổ đông nắm cổ phần đa số đều giành chiến thắng nhưng đều phải tốn khá nhiều thời gian, thường mất đến 2-3 năm.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ hiếm hoi là nhóm cổ đông đa số chấp nhận rút lui như trường hợp của CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi – doanh nghiệp nắm giữ nhiều mặt bằng đẹp tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Tháng 8/2019, khi đó Hapro là công ty mẹ nắm 53,3% cổ phần của Tràng Thi đã gặp phải sự phủ quyết của nhóm cổ đông liên quan T&T Group.
Đại diện cổ đông T&T cho biết với tỷ lệ sở hữu của Hapro, quyền lợi của các cổ đông còn lại gặp bất lợi khi tỷ lệ thông qua các nghị quyết của ĐHĐCĐ đa số ở mức 51%. Nhóm T&T dù phản đối rất nhiều nội dung như chương trình họp, kế hoạch kinh doanh 2019, bầu nhân sự, sửa đổi điều lệ..., nhưng tỷ lệ cổ phần sở hữu ít hơn nên không đủ để phủ quyết.
Cơ cấu cổ đông Tràng Thi thời điểm tranh chấp
Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau đó, Hapro đã bất ngờ thoái toàn bộ hơn 7,2 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Tràng Thi, tương đương 53,33% vốn điều lệ, thu về hơn 86,4 tỷ đồng.
Hiện tại, doanh nghiệp này do ông Đỗ Vinh Quang, con trai út của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển - Chủ tịch T&T) làm Chủ tịch.
Nhịp sống thị trường