MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "đại gia" muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam

Rất nhiều nhà đầu tư lớn, cả nội, cả ngoại đều đang quan tâm đến việc đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG tại Việt Nam, thậm chí có nhiều dự án được cạnh tranh khá gay gắt bởi nhiều "ông lớn" như nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3. Các dự án này đều có quy mô "khủng", lên tới hàng tỷ USD.

Delta Offshore Energy (Hoa Kỳ)

Hồi đầu năm 2020, Delta Offshore Energy đã rót 4 tỷ USD vào dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu. Đây là dự án FDI lớn nhất vào Việt Nam trong năm nay.

Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.

Những đại gia muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam - Ảnh 1.

Đến cuối tháng 12 năm nay, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án và trong 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

ExxonMobil (Hoa Kỳ)

Cũng trong năm nay, Tập đoàn ExxonMobil đề xuất đầu tư nhà máy điện khí LNG khoảng 5,09 tỷ USD tại Hải Phòng, có quy mô lên đến hơn 4.500MW, sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.

Dư án sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027; giai đoạn 2 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029 - 2030.

 

Những đại gia muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam - Ảnh 2.

Kho cảng LNG của Tổ hợp bao gồm kho cảng nổi, tồn trữ và tái hóa khí (FSRU) và đường ống dẫn khí trong giai đoạn I, bổ sung thêm tàu FSU trong giai đoạn 2. Công suất cảng nhập là 6 triệu tấn/năm.

Dự án này vừa được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài dự án này, Tập đoàn ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3.000MW tại Long An.

Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan)

Tháng 3/2019, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf mong muốn hực hiện dự án kho cảng LNG và dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW gồm 4 nhà máy nhiệt điện tubin khí chu trình hỗn hợp, mỗi nhà máy công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD.

Tháng 4/2020, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025 - 2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Những đại gia muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tháng 7 năm nay, tại Diễn đàn Cấp cao về Năng lượng Việt Nam, ông Phạm Văn Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển quy hoạch 4.600MW điện hạt nhân trong quy hoạch điện VII sang xây dựng điện khí ở Cà Ná (Ninh Thuận).

Lãnh đạo Ninh Thuận cho rằng chủ trương phát triển năng lượng khí LNG và tập trung phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG là chủ trương lớn của nghị quyết 55, trong đó cảng Cà Ná có lợi thế là cảng nước sâu. Hơn nữa, đây cũng là cảng gần với LNG Cà Ná.

Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản)

Tập đoàn Marubeni đã đề xuất đầu tư nhà máy điện khí LNG Long Sơn trong khu dầu khí Long Sơn. Tổng công suất nhà máy dự kiến khoảng 4.800 MW, vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD. Dự kiến quý II/2025 đưa vào vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện trong khoảng 25 năm sau đó.

Điện khí Siemens (Đức)

Cuối năm 2019, Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức) đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG Vũng Áng 3 với công suất 1.200 - 1.500MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD.

Những đại gia muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam - Ảnh 4.

Theo đó, Siemens sẽ là đơn vị đầu tư công nghệ và góp vốn dự kiến khoảng 49% tổng mức đầu tư của dự án, còn lại huy động từ các nhà đầu tư khác. Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu thi công, thời gian dự kiến xây dựng triển khai thi công khoảng 24 tháng.

Công ty CP Chân Mây LNG

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 hồi tháng 7 tại Hà Nội, Công ty CP Chân Mây LNG ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Theo đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng công suất thiết kế 4.000MW, dự kiến sẽ khởi công xây dựng quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024.

Dự án sẽ được đầu tư dưới hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

T&T Group

Vào tháng 6/2019, T&T Group và Gen X Energy thuộc Quỹ đầu tư Blackstone - Hoa Kỳ đề xuất kế hoạch xây dựng Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), công suất 6.000MW, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD và dự kiến đi vào vận hành năm 2023.

Cuối năm 2019, T&T Group đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4,4 tỷ USD tại xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị), tổng công suất dự kiến giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW.

Mới đây, T&T Group tiếp tục có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa T&T và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW) về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng.

Những đại gia muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam - Ảnh 5.

Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên hoá lỏng, công nghệ áp dụng là tuabin khí chu trình hỗn hợp với số giờ vận hành tại công suất đặt là 6.000 giờ/năm. Dự án sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500kV từ sân phân phối của nhà máy đến trạm 500kV Hà Tĩnh.

Dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2028-2029 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,123 cent/kWh. Giai đoạn 2 sau năm 2030 có công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,85 tỷ USD. Giá bán điện dự kiến giai đoạn này là 8,629 cent/kWh.

Tập đoàn Hoành Sơn

Cũng như T&T Group, tập đoàn này đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG Vũng Áng 3, liên danh với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát thực hiện dự án.

Công ty Cổ phần nhiệt điện Bà Rịa

Công ty này đề xuất đầu tư nhà máy điện khí Bà Rịa với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, công suất khoảng 1.200 MW.

Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3

Công ty này đề xuất đầu tư nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3 vốn đầu tư 855,7 triệu USD, quy mô công suất khoảng 850 MW.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên