Những "đại lộ" thương mại FTA: Doanh nghiệp không thể đi một mình
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI
Mỗi FTA là một con đường ưu tiên, với điều kiện và yêu cầu riêng, không mâu thuẫn hay triệt tiêu lẫn nhau. Nhiều con đường hướng tới cùng một đối tác, nguồn lực bỏ ra để vận hành có thể tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp có năng lực đáp ứng điều kiện chạy xe của đường nào thì đi đường đó...
"Tôi thích ví các FTA như những con đường hơn là cỗ xe. Xe nếu không dùng thì có thể bán cắt lỗ nhưng đường đã mở thì chẳng thể chuyển đi, không dùng sẽ hoang phế. Trên con đường hội nhập, chúng ta chẳng thể đi một mình, không thể thiếu vai trò của ai, dù là Nhà nước hay doanh nghiệp".
KHẢ NĂNG HIỆN THỰC HÓA CÁC CƠ HỘI TỪ FTA CHƯA CAO
Bà đánh giá thế nào về "bữa tiệc" lớn hội nhập của Việt Nam năm 2020 cũng như cơ hội Việt Nam có được từ các FTA này?
Nếu nhìn từ những con số thì quả thật năm 2020 là năm ấn tượng. Đằng sau đó là những nỗ lực vận động đặc biệt và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam. Chúng ta đều hiểu để các cơ quan EU phê chuẩn một hiệp định lớn như EVFTA không hề dễ dàng. Cũng như vậy, rất khó để có thể tạo ra sự thống nhất giữa cả 15 đối tác RCEP vốn có quá nhiều khác biệt, trong bối cảnh Covid-19 đang khiến tất cả các nền kinh tế thành viên chật vật. Vì vậy, tôi cho rằng những gì đạt được trong năm qua là những cột mốc đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập theo chiều sâu của Việt Nam. Và tôi tin, bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào đã và đang ngóng chờ vào những cơ hội xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư với các đối tác đều sẽ rất vui mừng trước kết quả này.
Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng những gì đạt được trong năm 2020 là thành quả của cả thập kỷ nỗ lực của Việt Nam, cả trong việc mặc cả với đối tác cũng như trong thử thách các giới hạn thay đổi của chính chúng ta. Thực tế, việc ký kết hay phê chuẩn các FTA này chỉ là hoàn tất công việc mở đường. Tiếp theo sẽ là chuyện vận hành và sử dụng những con đường này. Chẳng có bữa tiệc nào bày sẵn trên đó cả, chúng ta phải tự tranh thủ những con đường mới này để tìm kiếm "bữa tiệc" cho chính mình.
Theo bà sự chuẩn bị về thực lực, nội lực của doanh nghiệp Việt Nam để đón nhận các FTA hiện nay như thế nào?
Chúng tôi vừa mới thực hiện một khảo sát doanh nghiệp với FTA, hiện vẫn đang xử lý dữ liệu. Có những chỉ dấu tương đối tích cực, ví dụ so với trước đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu chủ động quan tâm tìm hiểu các cam kết cụ thể liên quan trong các FTA. Tùy từng hiệp định, đã có khoảng 15-30% biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết liên quan. Nhưng trên một nửa các doanh nghiệp thừa nhận năng lực cạnh tranh của họ còn kém so với đối thủ, khiến việc tận dụng các cơ hội FTA hạn chế. Hơn 1/3 các doanh nghiệp biết rằng cần điều chỉnh cách thức, dây chuyền sản xuất, kinh doanh để tranh thủ các FTA, nhưng lại không có đủ khả năng điều chỉnh, vì không đủ tiền hoặc vì không biết phải điều chỉnh thế nào.
Nếu so với khảo sát VCCI thực hiện cách đây 5 năm thì tỷ lệ này đã giảm đáng kể. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tự tin dần và năng lực cũng được cải thiện dần theo quá trình hội nhập. Tuy vậy, rõ ràng tỷ lệ các doanh nghiệp chưa thật sẵn sàng cho việc tận dụng các FTA vẫn còn rất cao. Nếu điều này không được khắc phục tốt, cơ hội từ các FTA khả năng lớn vẫn sẽ chỉ là cơ hội với nhiều doanh nghiệp.
THAM GIA FTA LÀ ĐỂ MẠNH HƠN
Có lo ngại cho rằng, với nhiều FTA Việt Nam tham gia cùng lúc giống như lượng "thuốc bổ" quá liều vào trong cơ thể còn yếu như Việt Nam, sợ rằng chúng ta không hấp thụ được hết "thuốc bổ" và nó sẽ có tác dụng ngược. Bà bình luận gì về nhận định này?
Cá nhân tôi không nghĩ các FTA giống như thuốc bổ. Chẳng có FTA nào tự động và đương nhiên mang lại lợi ích thực tế cho chúng ta cả. Vả lại Việt Nam cũng không phải là cơ thể còn yếu đến mức phải uống thuốc bổ suốt. Chúng ta tham gia các FTA để mạnh hơn, chứ không phải vì chúng ta quá yếu.
Tất nhiên, nhiều FTA cũng dẫn tới nhiều thách thức cạnh tranh hơn. Nhưng cạnh tranh cũng đã và đang giúp thanh lọc điểm yếu, tạo sức ép để các doanh nghiệp nhanh nhẹn hơn, bền bỉ và giỏi hơn so với trước kia ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Tôi tin các FTA đã đóng góp không ít thì nhiều vào những kết quả kinh tế mà chúng ta đã đạt được. Tất nhiên, lợi ích hay nguy cơ từ mỗi FTA là khác nhau, tùy thuộc vào đối tác FTA là ai.
Nhiều phân tích chỉ ra, khi hội nhập sâu, các thị trường mở cửa cho Việt Nam, tuy nhiên khối FDI lại tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA. Như vậy lợi ích từ hội nhập mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam chưa nhiều. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam lật ngược được thế cờ này?
Đúng là nhìn vào so sánh này cảm giác đầu tiên của phần lớn chúng ta là "xót của". Cảm giác như "người nhà" đang bị "người ngoài" lấy mất phần to nhất, ngon nhất của miếng bánh hội nhập. Kỳ thực điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là ở chỗ phần lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu còn hạn chế, vì vậy còn có vô số dư địa để cải thiện. Còn không đúng là vì không ai hạn chế tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA, FDI hưởng lợi không cản trở doanh nghiệp Việt hưởng lợi.
Nếu xét về giá trị thực, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng xuất khẩu nhiều hơn, tức là đã lớn hơn đáng kể so với chính mình, chỉ có điều lớn không nhanh bằng FDI. FDI có nhiều lợi thế, từ kinh nghiệm đến vốn, từ năng lực quản trị đến cạnh tranh. Vì vậy, để doanh nghiệp Việt lớn nhanh hơn cần học tập các FDI xuất khẩu, nhìn vào cách họ làm để tự sửa mình, học hỏi và cố gắng kết nối với họ để tranh thủ sức bật cộng hưởng. Hai bên không phải trong trận chiến tôi sống anh chết, lật ngược hay đánh đổ nhau mà là cùng nhau phát triển.
MỖI FTA LÀ MỘT CON ĐƯỜNG ƯU TIÊN RIÊNG
Có quan điểm cho rằng, chúng ta rất háo hức với các FTA mới trong khi xao lãng những FTA cũ. Theo bà làm sao để Việt Nam có thể điều phối các FTA đang có một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả nhất?
Vâng, chúng ta thường thích cái mới mẻ, nhất là những thứ được nhiều người nói là tốt, trông lại hoành tráng đồ sộ. Các FTA thời gian vừa rồi như CPTPP, EVFTA, RCEP là những hiệp định "đình đám" vì nhiều lý do, tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí, nên được nhiều người biết đến cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chỉ biết tới các FTA này.
Cũng theo khảo sát vừa rồi của VCCI, các FTA có tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ nhiều nhất không phải là các FTA mới mà là các FTA với các đối tác quan trọng (như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật, Hàn...). Hơn nữa, việc các FTA mới được tuyên truyền sâu rộng cũng đồng thời đánh động doanh nghiệp về các FTA trước đây mà họ có thể chưa từng nghe tới, đây cũng là cơ hội "ra mắt" trở lại các FTA cũ.
Tất nhiên có nhiều FTA sẽ khó điều phối hơn là chỉ một vài FTA nhưng cũng không quá phức tạp như tưởng tượng. Mỗi FTA là một con đường ưu tiên, với điều kiện và yêu cầu riêng, không mâu thuẫn hay triệt tiêu lẫn nhau. Chính phủ quản trị mỗi con đường theo quy tắc đã được thống nhất, nếu nhiều con đường hướng tới cùng một đối tác, nguồn lực bỏ ra để vận hành có thể tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp có năng lực đáp ứng điều kiện chạy xe của đường nào thì đi đường đó, nếu cùng lúc thỏa mãn yêu cầu của nhiều đường thì lựa chọn của doanh nghiệp còn thuận tiện hơn chứ không có thiệt gì.
Để không như xảy ra tình trạng như một số chuyên gia nói: Việt Nam ký FTA giống như một công ty mua chiếc xe vận tải cực kỳ tốt chỉ để ngắm... vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp phải thế nào, thưa bà?
Nói thật là tôi thích ví các FTA như những con đường hơn. Xe nếu không dùng thì có thể bán cắt lỗ, đường đã mở thì chẳng thể di chuyển đi đâu, không dùng thì hoang phế. Thực tế các con đường FTA của chúng ta có thể chưa dùng hết công suất nhưng cũng chẳng tới nỗi "cỏ dại mọc lút đầu". Ví dụ, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của Việt Nam trong những năm gần đây đứng ở hàng cao so với các nước ASEAN, trung bình so với thế giới, thậm chí vượt trội so với nhiều đối tác cùng FTA. Tuy nhiên, rõ ràng là những lợi ích thu được từ các FTA còn xa so với kỳ vọng.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo khảo sát của VCCI thì có hai lý do lớn nhất. Một là năng lực cạnh tranh, hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA còn hạn chế. Hai là bất cập trong công tác tổ chức thực thi FTA và hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.
Để khắc phục, qua đó tận dụng tốt hơn các FTA, cả doanh nghiệp và Nhà nước đều phải chủ động nâng cấp chính mình, đồng thời phối hợp và hỗ trợ đối phương. Nhà nước có thể tư vấn cho doanh nghiệp về các cam kết FTA, triển khai các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh ngành bài bản và thực chất. DN cũng phải tham gia cùng Nhà nước vào quá trình nội luật hóa các FTA, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh... Tôi tin rằng trên con đường hội nhập FTA chúng ta chẳng thể đi một mình, không thể thiếu vai trò của ai, dù là Nhà nước hay doanh nghiệp.
Vneconomy