Những đề xuất gây chú ý tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14
Người dân trực tiếp bầu Chủ tịch thành phố' “thiến hóa học” để tăng tính răn đe, nghiêm trị; ban hành Luật An ninh kinh tế, Luật Bảo vệ người làm việc tốt... là những đề xuất đáng chú ý tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14.
- 30-05-2020Mối lo thất nghiệp trên diễn đàn Quốc hội
- 25-05-2020Đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương miễn thuế đất nông nghiệp
- 22-05-2020Việt Nam hay Indonesia sẽ có cơ hội thắng trong việc đón nhà máy từ Trung Quốc vào Đông Nam Á?
Dân bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố
Thảo luận về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) đã mạnh dạn đưa ra đề xuất này.
Theo ông, khi thí điểm mô hình chính quyền thành phố một cấp thì vai trò của HĐND sẽ nhiều hơn, đòi hỏi số lượng và chất lượng phải nâng lên để thực hiện vai trò giám sát.
“Ra đời một mô hình mới thì người dân cảm nhận được ở mô hình này dân chủ hơn, họ thấy sáng kiến của họ được tiếp thu, những vấn đề về quyền lợi, đời sống mọi mặt được tăng lên. Đã là thành phố đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn, như vậy mới gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới”, ông Kim nhìn nhận.
Trên cơ sở đó, ông Vũ Trọng Kim đề xuất thí điểm dân bầu Chủ tịch UBND trực tiếp, phổ thông bỏ phiếu để người dân lựa chọn người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)
Luật Bảo vệ người làm việc tốt
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đưa ra đề xuất này trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Theo ông Cảnh, xã hội ngày càng phát triển, quy định pháp luật ngày càng bao quát đến hầu hết các hành vi của con người. Còn chế định đạo đức, ông cho rằng, trong nhiều việc, xã hội còn vô cảm trước những khó khăn, nguy hiểm của người khác.
“Nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, vô cảm trước các nguy hiểm có thể xảy ra với người khác. Theo tôi, một phần ít trong số đó là những người không tốt, còn lại thì những người không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, sợ bị hiểu nhầm. Họ có thể giúp đỡ người khác mà không mong được trả ơn nhưng họ không làm bởi hành động của họ có rủi ro mà chưa được pháp luật bảo vệ”, ông Cảnh cho rằng việc xây dựng Luật Bảo vệ người làm việc tốt là cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Luật An ninh về kinh tế
Cũng liên quan đến việc xây dựng luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) kiến nghị sang năm có thể giao cho Chính phủ hoặc cơ quan của Quốc hội nghiên cứu để ban hành Luật An ninh về kinh tế.
Lý do ông Vân nêu ra đề xuất này là xuất phát từ 8 nguy cơ đe doạ an ninh kinh tế. Trong đó có nguy cơ về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, thiết lập kinh tế đối ngoại.
“Chúng ta có thể thấy đường lưỡi bò của các doanh nghiệp có người Trung Quốc nắm giữ thể hiện qua nhiều công cụ, hay dự án bất động sản ven biển vừa qua, đó là các đe doạ chủ quyền quốc gia”, ông Vân nêu.
Cũng theo đại biểu, sau dịch bệnh COVID-19, thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị kinh tế, lỗ hổng buộc các quốc gia thắt chặt an ninh kinh tế, bảo đảm nội lực, tác động xấu về ngoại lực, phá vỡ liên kết giữa các quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)
“Thiến hóa học” yêu râu xanh
Cho ý kiến về tình hình xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng, nhiều vụ việc bị gia đình giấu diếm…
Chính vì vậy, xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.
Đặc biệt để răn đe và nghiêm trị, đại biểu Phương đề nghị bổ sung biện pháp “thiến hóa học” kẻ xâm hại trẻ em để ngăn ngừa loại tội phạm này. Theo ông, việc này đã được nhiều nước trên thế giới làm và có hiệu quả. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt.
Tiền phong