Những địa phương có mức giá biến động nhiều nhất trong năm 2022
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022. SCOLI là chỉ số giúp phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt trong một thời gian nhất định.
- 01-04-2023Ngân hàng Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023
- 01-04-2023Tỉnh được Trung Quốc rót vốn đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước.
Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 99,42%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,33%, Tây Nguyên 97,87% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 94,85%.
Báo cáo cho biết, so với năm 2021, năm 2022 có 25 địa phương biến động giảm mức độ đắt đỏ, 30 địa phương tăng mức độ đắt đỏ và 8 địa phương không biến động.
Trong đó, các tỉnh biến động nhiều nhất (tăng/giảm từ 10-17 bậc) là Bắc Kạn, Long An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lâm Đồng, và Đồng Tháp. Các địa phương không biến động là Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau.
Một số địa phương năm 2022 giảm mức độ đắt đỏ hơn năm 2021 từ 9 đến 17 bậc như Bắc Kạn, Long An, Đồng Tháp, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh chủ yếu có giá thấp hơn ở nhóm hàng thực phẩm, giáo dục, may mặc, mũ nón, giày dép, hàng hóa và dịch vụ khác.
Trong đó, Bắc Kạn có chỉ số SCOLI năm 2022 thay đổi biên độ lớn nhất cả nước, giảm mức “đắt đỏ” xuống 17 bậc so với năm 2021 (trong năm 2021 xếp vị trí 15, đến năm 2022 giảm xuống vị trí 32), chủ yếu giá thấp hơn so với Hà Nội ở các nhóm bưu chính, viễn thông (80,35%); văn hóa, giải trí và du lịch (82,25%); may mặc, mũ nón và giày dép (85,58%).
Long An năm 2021 ở vị trí thứ 32 nhưng đến năm 2022 xếp ở vị trí thứ 46 chủ yếu do giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 73,59% so với Hà Nội; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 83,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 91,51%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 93,17%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 94,55%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 98,48%; giao thông bằng 99,16%.
Đồng Tháp có mức đắt đỏ năm 2022 giảm 10 bậc so với năm 2021, chủ yếu do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép thấp hơn lần lượt là 15,09% và 34,93% so với Hà Nội.
Cao Bằng giảm 9 bậc do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thấp hơn 14,74%; văn hóa, giải trí và du lịch thấp hơn 22,27%; hàng hóa và dịch vụ khác thấp hơn 19,79% so với Hà Nội.
Một số địa phương như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lâm Đồng có biến động tăng mức độ đắt đỏ của năm 2022 so với năm 2021 tương đối cao (từ 10-13 bậc). Thanh Hóa từ vị trí 49 trong năm 2021 lên vị trí 36 do giá nhóm bưu chính, viễn thông cao hơn 9,07% so với Hà Nội; đồ uống thuốc lá cao hơn 5,91%.
Tiền Giang từ vị trí thứ 29 trong năm 2021 lên vị trí thứ 17 trong năm 2022 do giá nhóm bưu chính viễn thông cao hơn 20,76%; nhóm đồ uống và thuốc lá cao hơn 13,83%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cao hơn 23,88% so với Hà Nội.
Thái Nguyên từ vị trí 34 trong năm 2021 lên vị trí 24 do giá nhóm bưu chính, viễn thông cao hơn 29,46% so với Hà Nội; nhóm giáo dục cao hơn 19,97%.
Nhịp sống kinh tế