MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ‘điểm nóng’ trên báo cáo tài chính của FTM

Câu chuyện giảm sàn của cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - HoSE: FTM ) đã trở thành một trong những trường hợp lao dốc kinh điển trên thị trường chứng khoán.

Xuất phát từ việc kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu FTM không được cấp margin dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu hiện nay. Sau 29 phiên giảm sàn, thị giá FTM đã mất hơn 87% giá trị.

Bên cạnh nghi vấn thao túng giá cổ phiếu hay vấn đề dư nợ margin, báo cáo tài chính của Fortex cũng cho thấy nhiều điểm đáng ngờ.

64% vốn điều lệ được góp bằng tài sản

Fortex tiền thân là Công ty TNHH Dệt Đại Cường Thái Bình được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng từ 5 cổ đông cá nhân. Năm 2007, công ty thực hiện tăng vốn lên 80 tỷ đồng theo hình thức góp bằng tiền mặt và năm 2012 tiếp tục tăng vốn lên 150 tỷ đồng cũng bằng tiền mặt.

Năm 2013, công ty đổi tên sang Đức Quân như hiện nay với chỉ 3 cổ đông cá nhân; trong đó cựu chủ tịch Lê Mạnh Thường nắm giữ đến 80% vốn.

Trong năm 2015, Fortex tăng vốn thần tốc trong 2 đợt cho CTCP Tập đoàn Đại Cường (cũng do ông Lê Mạnh Thường làm chủ tịch). Vào tháng 9/2015, công ty tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ lên 430 tỷ đồng thông qua việc góp vốn bằng tài sản. Tháng 12/2015, công ty tiếp tục tăng vốn lên 500 tỷ đồng thông qua việc góp vốn bằng tiền 28,8 tỷ và bằng tài sản 41,2 tỷ đồng.

Tài sản góp vốn đợt đầu của Tập đoàn Đại Cường là phân xưởng 1 (6.700 Roto), phân xưởng 2 (17.640 cọc) và nhà máy Tiền Hải (45.696 cọc), qua đó giúp công suất của Fortex tăng từ 6.120 tấn/năm lên 12.000 tấn/năm. Tài sản góp vốn đợt 2 là nguyên vật liệu, phụ tùng tồn kho, hệ thống phần mềm quản lý.

Những ‘điểm nóng’ trên báo cáo tài chính của FTM - Ảnh 1.

FTM tăng vốn nhanh nhưng chủ yếu được góp bằng tài sản.

Như vậy, chỉ trong 4 năm, vốn điều lệ tăng từ 80 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, trong đó 321 tỷ đồng (tương đương 64% vốn điều lệ hiện nay trên BCTC) được góp bằng tài sản. Vấn đề của việc góp vốn bằng tài sản là việc giá trị thực tế của tài sản có thể không bằng với giá trị định giá góp vốn.

Khoảng 40% tài sản nằm ở khoản phải thu

Tổng tài sản của Fortex đến cuối quý II là 1.728 tỷ đồng; trong đó, tài sản lớn nhất lại nằm ở khoản phải thu, tiếp đến là tài sản cố định 34% và hàng tồn kho 21%. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Fortex là 676 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản. Tỷ trọng này tăng nhanh khi cuối năm 2015 chỉ ở mức 20%.

Chi tiết, tổng khoản phải thu khách hàng là 196 tỷ đồng thì phần lớn đến từ các bên có liên quan là CTCP Tân An (56 tỷ đồng), CTCP Đầu tư & Phát triển Phú Việt (39 tỷ đồng), CTCP Đầu tư 3GR (29 tỷ đồng). Tổng phải thu từ 3 tổ chức này (đều liên quan cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường) là 124 tỷ đồng, chiếm 63% phải thu của khách hàng.

Phải thu về cho vay tổng cộng hơn 104 tỷ đồng. Trong đó, Fortex có cho vay ngắn và dài hạn đối với 2 bên liên quan là CTCP Tập đoàn Đại Cường (92 tỷ đồng) và CTCP Bất động sản New City 12 tỷ đồng. Các khoản vay này đã được gia hạn nhiều lần, lãi suất 9% và đều không có tài sản đảm bảo.

Trong số 178 tỷ phải thu ngắn hạn khác, Fortex còn ghi nhận phải thu 115 tỷ đồng từ Bất động sản Đại Cường trong hợp đồng góp vốn đầu tư vào dự án 55 Trần Nhật Duật, quận 1. Đồng thời, Fortex có góp vốn 50 tỷ đồng để thực hiện dự án khu nhà ở tại Thái Bình. Phải thu từ 2 bên liên quan này là 165 tỷ đồng, chiếm 93% phải thu khác.

Phần lớn các khoản phải thu đến từ các bên liên quan đặt ra dấu hỏi về tính minh bạch và khả năng thu hồi công nợ trên.

Những ‘điểm nóng’ trên báo cáo tài chính của FTM - Ảnh 2.

Tài sản của FTM phần lớn nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho, gây chiếm dụng vốn lớn.

Dòng tiền âm gây rủi ro thanh toán

Trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Fortex bị âm 102 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2018 là dương 33 tỷ đồng). Dòng tiền âm do công ty kinh doanh thua lỗ và tăng mạnh hàng tồn kho (từ 146 lên 368 tỷ đồng).

Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư là dương 19 tỷ đồng chủ yếu do thu hồi cho vay, thu hồi lãi cho vay, cổ tức. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính âm 27 tỷ đồng. Như vậy, lưu chuyển tiền thuần 6 tháng đầu năm âm 110 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 36 tỷ đồng.

Song song đó, lượng tiền và tương đương tiền chưa đến 12 tỷ đồng, chỉ khoảng 0,7% tài sản của công ty. Tỷ trọng tiền mặt này rất thấp với một công ty chuyên về sản xuất như Fortex. Một đơn vị hoạt động cùng ngành nghề là Sợi Thế Kỷ có tỷ trọng tiền/tổng tài sản 12% hay tổng công ty Việt Thắng có tỷ trọng 8,5%.

Lượng tiền thấp cùng chất lượng các khoản phải thu gây ra rủi ro thanh khoản rất lớn cho Fortex. Tính đến 30/6, chênh lệch thanh khoản thuần của công ty tiếp tục tăng lên âm 749 tỷ đồng.

Chỉ tiêu Tại 30/6 Tại 1/1
Tiền, tương đương tiền 11,7 121,6
Phải thu khách hàng, phải thu khác 374,1 338,5
Đầu tư tài chính 0,5 0,3
Cộng 386,3 460,4
Các khoản vay 719,8 730,9
Phải trả người bán, phải trả khác 206 201
Chi phí phải trả 209,4 192,4
Cộng 1.135,1 1.124,3
Chênh lệch thanh khoản thuần -748,7 -663,9


Gánh nặng nợ vay

Công ty vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tổng cộng gần 720 tỷ đồng, tương đương 42% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn tổng cộng 346 tỷ đồng.

Tổng vay dài hạn là 373,5 tỷ đồng với 130 tỷ đồng là vay dài hạn đến hạn phải trả. Đáng chú ý có khoản vay kế thừa từ Tập đoàn Đại Cường với giá trị hơn 266 tỷ đồng theo hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ ngày 31/12/2015 từ nhận chuyển giao toàn bộ các khoản vay (gốc và lãi chưa trả) tương ứng với các tài sản nhận vốn góp. Như vậy, việc nhận góp vốn từ Đại Cường không chỉ bằng tài sản mà Fortex cũng gánh một khoảng nợ lớn kèm theo.

Nợ vay lớn cũng tạo ra gánh nặng chi phí tài chính lớn trong hoạt động kinh doanh. Chi phí lãi vay hàng năm của Fortex vào khoảng trên 50 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2019 là 33 tỷ đồng.

Những ‘điểm nóng’ trên báo cáo tài chính của FTM - Ảnh 3.

Chi phí lãi vay lớn ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.


Theo Lan Điền

Người đồng hành

Trở lên trên