MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều cần biết đằng sau việc thành lập siêu ủy ban 5 triệu tỷ

Việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện sở hữu Nhà nước là thực hiện theo Nghị quyết XII của Đảng nhằm tách chức năng sở hữu tài sản, vốn Nhà nước với chức năng quản lý.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những nghiên cứu liên quan đến việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước, được gọi là Ủy ban để quản lý vốn, tài sản tại các doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc nắm cổ phần chi phối - nhóm doanh nghiệp đang quản lý khối tài sản có giá trị hơn 5 triệu tỷ đồng.

Q: Tại sao phải thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước?

A: Hiện Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các DN.

Theo số liệu của 781 DN 100% sở hữu nhà nước năm 2014 có tổng tài sản 3.105.453 tỷ đồng, tương đương 147 tỷ USD. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%. Vốn chủ sở hữu 1.233.723 tỷ đồng, tương đương 58 tỷ USD.

Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 257 tỷ USD.

Thế nhưng, thực tế chỉ ra: Thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm. Điều này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý-giám sát DNNN.

Q: Quy định pháp luật hiện nay về quản lý – giám sát DNNN đang có bất cập như thế nào?

A: Một số quy định hiện nay gồm: Luật doanh nghiệp; Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước; Nghị định số 91 quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào DN; Nghị định số 87 quy định cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại DNNN…

Tuy nhiên, so với yêu cầu về quản lý – giám sát/quản trị DNNN, pháp luật hiện hành còn thiếu hoặc quy định chưa đủ rõ, chưa cụ thể ở một số nội dung. Một số nội dung chưa có pháp luật điều chỉnh như tổ chức bộ máy, cách thức, hình thức thực hiện chức năng chủ sở hữu;

Trách nhiệm công khai thông tin và minh bạch hóa; căn cứ để giám sát, đánh giá kết quả thực hiện quyền đại diện… Ngoài việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp DN trực thuộc, hiện nay cơ quan đại diện chủ sở hữu hầu như chưa được giao nhiệm vụ bằng các chỉ tiêu kinh tế cụ thể.

Một số nội dung đã có quy định pháp luật đầy đủ, nhưng chưa thật sự thúc đẩy cải thiện quản trị DNNN tiên tiến. Do đó, để nâng cao hiệu quả thì vai trò của việc hoàn thiện thể chế về quản lý – giám sát hay quản trị DNNN là cần thiết.

Quá trình rà soát pháp luật hiện hành về quản trị DNNN cho thấy, những khoảng trống và bất cập của pháp luật hiện nay chủ yếu nằm ở các nội dung liên quan đến bộ máy đại diện chủ sở hữu.

Điều này đặt ra sự cần thiết của việc soạn thảo và ban hành quy phạm pháp luật đồng bộ, đầy đủ về vấn đề này.

Q: Mô hình quản lý hiện nay có nhược điểm gì?

A: Các chủ thể quản lý, giám sát Quốc hội giám sát theo pháp luật về Giám sát, xem xét báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp cuối năm; hỏi và trả lời chất vấn…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Các bộ kiểm tra, thanh tra DNNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

Bộ/UBND cấp tỉnh: Thực hiện quyền và trách nhiệm của CSH; thanh, kiểm tra và giám sát DN và Doanh nghiệp quyết định quản lý, sử dụng vốn theo phân cấp

Việc quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư vào DN có bản chất của quản lý kinh doanh, nhưng mô hình quản lý lại mang tính hành chính nhà nước. Dẫn tới, đây là nguyên nhân của nhiều vụ việc thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật ở nhiều DNNN quy mô lớn.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với bộ máy quản lý, giám sát vốn nhà nước cần phải độc lập, chuyên trách và chuyên nghiệp.

Q: Việc thành lập ủy ban chuyên trách đại diện chủ sở hữu Nhà nước là thực hiện theo chủ trương nào?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, là tách chức năng sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các DN; Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Q: Các quy định chủ yếu khi thành lập cơ quan chuyên trách quản lý 5 triệu tỷ vốn và tài sản của Nhà nước?

Xác định cơ quan, tổ chức làm cơ quan đại diện chủ sở hữu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Phương thực thực hiện các quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Giám sát, đánh giá cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm được giao

Q: Vậy mô hình cơ quan đại diện vốn nhà nước sẽ được xây dựng như thế nào?

A: Mỗi DNNN chỉ có một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan nhà nước khác thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và pháp luật có liên quan, Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của:

Chủ sở hữu đối với DNNN (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ). Cổ đông, thành viên nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn

Q: Cơ cấu tổ chức của cơ quan chủ sở hữu Nhà nước sẽ được xây dựng thế nào?

A: Trước tiên, Chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện CSH đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các DN phù hợp với quy định pháp luật và lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020.

Đây sẽ là cơ quan thuộc Chính phủ; có tên gọi dự kiến là “UB Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN”. Tiếp đến là các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác.

Q: Vậy những khó khăn nào khi thành lập cơ quan quản lý vốn 5 triệu tỷ đồng?

A: Lo ngại tạo ra một cơ quan tập trung quyền lực mới; dồn quá nhiều nguồn lực về một đầu mối quản lý, phát sinh rủi ro? Tăng biên chế bộ máy nhà nước và thủ tục hành chính.

Số lượng DNNN thuộc các bộ sẽ giảm mạnh, vì vậy, cần xem lại tính hiệu quả và sự cần thiết của việc thành lập cơ quan chuyên trách. Năng lực chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm ngành nghề của cơ quan mới không bằng các bộ quản lý ngành hiện nay.

M.Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên