MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều người giàu không bao giờ than trước mặt người nghèo hơn họ

12-08-2020 - 19:52 PM | Sống

Cuộc đời này chính là những chuỗi ngày với áp lực không dứt. Dù ở đâu thì bạn đều phải nỗ lực nếu muốn đi xa hơn.

Chúng ta luôn tò mò cuộc sống của một người giàu có sẽ thế nào. Chắc sẽ sung sướng, nhàn hạ lắm? Sẽ thoải mái, thong dong lắm? Sẽ chẳng chút bận tâm với những lo âu vụn vặt thường nhật về cơm áo gạo tiền? Điều này có thể đúng song mọi thứ không hề đơn giản như vậy.

Nỗi khổ của người giàu khác với người bình thường. Hiển nhiên rồi, ở trong căn nhà to, ngủ chiếc giường rộng - thì lo toan cũng không tầm thường được. Đôi khi, thứ sức ép này còn nặng nề hơn gấp nhiều lần khi bạn có mục tiêu quá to và đích đến quá xa.

Cố Giai của "30 chưa phải là hết" hẳn là hình mẫu lý tưởng, là nỗ lực phấn đấu của bất kì người phụ nữ nào. Cô thông minh, xinh đẹp, đảm đang, có một cuộc hôn nhân (đã từng) rất hạnh phúc bên cạnh một người chồng điển trai, thành đạt. Cố Giai đã gây dựng nên cả một cơ ngơi không nhỏ và được sống trong sự giàu sang, dư dả.

Những điều người giàu không bao giờ than trước mặt người nghèo hơn họ - Ảnh 1.

Vậy thì, cuộc sống của Cố Giai nói riêng và những người chúng ta cho là giàu khác, có thật sự sung sướng, thoải mái như vẻ ngoài của họ?

Câu trả lời là không.

Ở góc nhìn của người khác, Cố Giai có cuộc sống rất đáng mơ ước. Nhưng ở vị trí của Cố Giai, cô không thể an lòng với chỗ mình đứng mà còn muốn giàu hơn nữa, có nhiều thứ hơn nữa. Luôn có những người nhiều tiền hơn, thành công hơn, sung sướng hơn Cố Giai. Vì vậy lúc nào cô cũng phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn. 

Cuộc sống này chính là như một chiếc cầu thang dài vô tận. Mỗi ngày, bạn đều phải dốc sức để leo lên từng bậc, từng bậc mới. Sẽ luôn có những vị trí cao hơn, xa hơn nên dù bạn đang ở đâu thì cũng phải mang nặng áp lực tiến lên, dù chỉ là một chút.

1. 

Trong tập đầu tiên của bộ phim, Cố Giai đã cùng chồng chuyển đến một căn nhà to hơn, rộng hơn, chấp nhận một khoản vay ngân hàng để có được sự thoải mái mà mình mong muốn. Vì vậy ngay từ đầu, khán giả đã hiểu rằng người phụ nữ này luôn có tham vọng và khát khao thay đổi, không chịu sống một cuộc đời tầm thường.

Là một người phụ nữ có gia đình, thế giới của Cố Giai cũng chỉ xoay quanh chồng và con. Tuy nhiên, gánh nặng của cô không phải chuyện cơm nước - giặt giũ - lau dọn như những người nội trợ thông thường mà là phải đứng phía sau giúp chồng quán xuyến việc kinh doanh, chạy đôn chạy đáo làm sao để con mình có được những thứ tốt nhất.

Ở bên một người chồng điển trai, thành đạt đồng nghĩa với việc Cô Giai luôn phải để mắt đến bất kì người phụ nữ nào bên cạnh anh, phải đau đầu để chiến đấu với "tiểu tam". Chồng gây gổ với đối tác, cô phải đến tận nơi uống rượu xin lỗi. Công ty gặp vấn đề, Cố Giai lập tức xem xét tình hình, tìm cách giải quyết. Cô phải làm bánh, dùng lời ngon tiếng ngọt rồi học cách sử dụng ống kính thiên văn nhằm lấy lòng, mong chị Vương chiếu cố cho một tờ giấy giới thiệu để con trai được học ở trường mầm non nổi tiếng. Cố Giai còn dùng cả "thủ đoạn" nhường dép lê cho chị Vương, đi chân trần trong cầu thang bộ suốt 16 tầng lầu để người phụ nữ kia thấy được tâm ý của mình.

Thuyền to thì gió lớn. Cố Giai có thể thoải mái với một căn nhà vừa phải, để con trai học ở một ngôi trường ít danh tiếng hơn hay để chồng tự lo liệu chuyện làm ăn. Nhưng cô luôn muốn mọi thứ tốt nhất mà khi muốn có những thứ ngoài tầm với, ai cũng phải vươn tay, kiễng chân và việc mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi.

Khi bạn có quá nhiều thứ ở phía sau sợ mất và quá nhiều thứ ở phía trước để mơ, thì bạn lại phải chấp nhận mình "hèn" đi một chút. Cặm cụi mà tiến lên, đi lùi, rẽ trái, rẽ phải... sao cho phù hợp với người ở vị thế xã hội cao hơn mình.

2.  

Khi cùng chị Vương gia nhập hội những phú bà, phu nhân nổi tiếng, Cố Giai cũng chỉ nhận được ánh nhìn đầy khinh khỉnh từ những người vượt xa cô về độ giàu sang, xa hoa. Trong bức ảnh chụp chung, Cố Giai chỉ được đứng ở ngoài rìa và còn bị cắt khỏi bức ảnh vì không có một chiếc túi hiệu đắt đỏ.

Để tìm mối làm ăn cho chồng, cô chấp nhận chạy đôn chạy đáo vay tiền mua được một chiếc túi hiệu có giá bằng cả một cái ô tô. Cuối cùng Cố Giai cũng có thể xuất hiện trong ảnh - được công nhận là một phần của hội phú bà. Nhưng rồi trong 1 lần tụ họp, cô lại phải cặm cụi trong bếp làm bánh để phục vụ những người giàu có hơn mình, đứng từ xa nhìn họ cười cợt, chụp ảnh.

Ánh mắt của Cố Giai lúc đó đầy sự kiên cường và nhẫn chịu. Cô biết mình đang bị coi thường nhưng Cố Giai vẫn gạt đi cái tôi của bản thân, chấp nhận hạ mình.

Những điều người giàu không bao giờ than trước mặt người nghèo hơn họ - Ảnh 2.

Ở tuổi 30, Cố Giai đã tiến xa hơn hẳn so với bạn bè. Trong khi Mạn Ni còn loay hoay ăn cơm hộp để tiết kiệm từng đồng một, Hiểu Cần bực tức mở mãi không được cái khoá cửa bị hư mà chồng tiết kiệm không bỏ tiền sửa... thì Cố Giai đã có người hầu kẻ hạ, là quần áo, nấu nướng thay, đem túi ra cho chọn, thay bộ khăn trải theo mùa - loại màu thịnh hành nhất. Nhưng đứng trước chị Vương và hội bạn giàu sụ của bà, Cố Giai vẫn như cô gái mới lên thành phố học cách bước vào cuộc sống sành điệu.

Thế nên, giàu có thực sự là một khái niệm khó để định hình!

3. 

Chị Vương - người chị 40 tuổi sống ở căn penthouse trong toà nhà, khiến Cố Giai khao khát được giàu có giống như thế có thật sự sung sướng và hạnh phúc không? Câu trả lời cũng là không.

Chị Vương từng khóc lóc kể lại chuyện đứa con trai nhìn mình đầy khinh thường vì mẹ không có kiến thức thiên văn học. Người phụ nữ này đã nghĩ tiền có thể mua được tất cả, mua được cả những ngôi sao để con mình thoải mái đặt tên gì nó muốn. Nhưng cuối cùng, chị Vương chẳng thể mua được sự kết nối, thấu hiểu cùng sự kính trọng của đứa con.

Vì không hiểu biết nhiều nên chị Vương mua tranh của Monet nhưng lại ba hoa rằng mình mua tranh của Van Gogh; mua bàn trà cao rất đắt tiền và cứ nghĩ đó là nhất nhưng không biết rằng người giàu có thật sự phải uống trà chiều trên bàn thấp mới đúng điệu. Đằng sau cái sự phô trương, khoe mẽ có phần kệch cỡm này chính là sự tự ti và nỗi sợ hãi những ánh nhìn, sự đánh giá của người khác. Càng tự ti lại càng phô trương, càng phô trương lại càng lộ ra sự thiếu hiểu biết.

Những điều người giàu không bao giờ than trước mặt người nghèo hơn họ - Ảnh 3.

Hội phú bà trong "30 chưa phải là hết".

Chị Vương, dù rất giàu nhưng trong hội phú bà vẫn chưa phải là người có vị thế cao nhất. Khao khát của người phụ nữ này vẫn chính là được đứng ở vị trí trung tâm trong bức ảnh chụp chung của hội phú bà. Những phú bà còn lại rồi cũng có những nỗi niềm riêng với chính bản thân mình, với chồng con và rất nhiều những vấn đề khác.

Áp lực của người giàu không phải là thu xếp thời gian để uống trà mà uống trà như thế nào cho đúng chuẩn quý tộc.

4. 

"Người giàu cũng khóc" - điều này thật đúng trong trường hợp của Cố Giai, chị Vương hay bất kì ai đó (trông có vẻ) dư dả mà bạn ngưỡng vọng. Cuối cùng, Cố Giai vẫn trở thành người đáng thương nhất phim khi chồng cô đi theo tiểu tam rồi vướng vào vòng lao lý. Ly dị, công ty mất 10 năm xây dựng cũng tan thành mây khói. Cố Giai về quê và bắt đầu lại mọi thứ với công ty trà và nỗ lực tìm lại bình yên trong tâm hồn.

Cuộc sống này vốn dĩ rất khó đoán và những người giỏi giang nhất, thành đạt nhất cũng không thể kiểm soát được tất cả. Mọi thứ sẽ trật khỏi quỹ đạo, rối tung lên hoặc vỡ nát thành trăm mảnh nhanh như một cú chớp mắt. Nỗ lực chính là cách để vươn lên hoặc để khi ngã xuống, bạn đã cứng rắn và trưởng thành đủ để không bị đánh gục.

Những điều người giàu không bao giờ than trước mặt người nghèo hơn họ - Ảnh 4.

Cố Giai vẫn lạc quan gây dựng lại sự nghiệp.

Mỗi người một cuộc sống, một lựa chọn và dù bên ngoài họ thế nào thì bên trong, ai cũng phải chiến đấu dưới vô vàn những áp lực và sức ép cho điều mà mình vươn tới. Tiến lên là điều cần thiết nhưng việc biết đủ, biết hài lòng với vị trí hiện tại đôi khi cũng chính là một dạng may mắn. Chỉ đến lúc đó, bạn mới có thể có được sự thoải mái, dù là hiếm hoi trong phút chốc mà thôi.

Ảnh: Phim "30 chưa phải là hết"

Theo Jo

Báo Dân sinh

Trở lên trên