MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì khiến cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong thời gian gần đây?

Sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu thô từ cuối năm 2016 tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thăm dò sau nhiều năm không chú trọng đầu tư.

CTCK VNDIRECT vừa công bố báo cáo triển vọng ngành dầu khí với nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ trong trung và dài hạn như giá dầu đang hồi phục tích cực hay các dự án lớn ngành dầu khí sẽ được triển khai mạnh trong những năm tới.

Thị trường dầu thô cân bằng trở lại

VNDIRECT dự báo thị trường dầu thô toàn cầu vẫn duy trì tình trạng cân bằng trong năm 2019 khi việc cắt giảm sản lượng từ OPEC có hiệu lực và ngăn chặn tồn kho dầu gia tăng. Nếu nền kinh tế thế giới không sụt giảm quá nghiêm trọng thì nhu cầu về dầu trên thế giới sẽ tăng với tốc độ tương tự những năm gần đây và được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới nổi có sức khỏe tốt, ngoại trừ Trung Quốc.

Sự bùng nổ của dầu đá phiến dẫn đến sự sụt giảm mạnh của giá dầu vào năm 2014 không đủ để tác động đáng kể đến giá dầu thô toàn cầu trong trung hạn. Rystad Energy dự báo dầu đá phiến chỉ có thể chiếm tối đa 8-10% nguồn cung dầu thô toàn cầu cho đến năm 2040.

Trong dài hạn, Rystad Energy dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong tương lai sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, khi mà các nguồn năng lượng khác có thể trở nên cạnh tranh hơn về chi phí (VD: năng lượng tái tạo và xe điện) và được phổ biến hơn (hạt nhân).

VNDIRECT cho rằng dầu thô không chỉ được sử dụng trong vận tải mà trên thực tế, động lực tăng trưởng lớn nhất đối với tiêu thụ dầu hiện là mảng hóa dầu. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ trong dài hạn cho giá dầu.

Về nguồn cung, nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động thăm dò toàn cầu nhằm tăng trữ lượng cũng trở nên cấp thiết hơn. Với sự cạn kiệt nhanh chóng của các mỏ dầu hiện tại, nếu các hoạt động thăm dò vẫn chậm như năm 2017, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cung khoảng 35 triệu thùng/ngày vào năm 2040.

Từ 2019 đến năm 2021, VNDIRECT cho rằng khai thác dầu thô sẽ đòi hỏi giá dầu thô ở quanh mức 60-70USD/thùng với chi phí khai thác tăng khoảng 50% so với năm 2015 do các mỏ dầu ở vùng nước nông hiện tại trở nên cạn kiệt và hoạt động khai thác phải chuyển đến các mỏ dầu ở khu vực nước sâu hơn với độ phức tạp và chi phí phát triển cao hơn.

Thông thường, dự báo giá dầu thô từ các tổ chức quốc tế giai đoạn 2019-2022 nằm trong khoảng rộng. VNDIRECT đánh giá dầu Brent sẽ ở mức trên 60 USD/thùng trong 4 năm tới, tương ứng với chi phí hòa vốn của nguồn cung dầu thô mới trong 2019-2021 ở mức 60-70 USD/thùng.

Những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu dầu khí - Ảnh 1.

Nỗi lo an ninh năng lượng Việt Nam trong trung hạn

Sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018 sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu thô giảm.

Trong khi đó, phần lớn các mỏ dầu hiện tại ở Việt Nam đang ở giai đoạn cuối. Nếu không có phát hiện dầu khí mới, VNDIRECT cho rằng nguồn cung dầu thô trong nước sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu từ nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR) từ năm 2020 trở đi, trong khi BSR hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu khí tự nhiên trong nước dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2025 khi ba nhà máy điện khí mới đi vào hoạt động.

Hoạt động thăm dò dầu khí được đẩy mạnh

Sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu thô từ cuối năm 2016 tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thăm dò sau nhiều năm không chú trọng đầu tư. Chi phí khai thác dầu trung bình tại Việt Nam khoảng 45 USD/thùng trong năm 2018 (theo Rystad Energy), thấp hơn dự báo giá dầu Brent ở mức 65-70 USD/thùng trong năm 2019. Với nhu cầu năng lượng đã được đề cập ở trên, VNDIRECT cho rằng điều này có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu khí tại Việt Nam trong trung hạn.

Những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu dầu khí - Ảnh 2.

Trong bối cảnh áp lực mạnh mẽ về việc tăng phát hiện dầu khí mới và chi phí phát triển các mỏ dầu mới gia tăng, VNDIRECT dự báo mức đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam sẽ tăng thêm trung bình 40%/năm cho hoạt động thăm dò dầu khí cho đến năm 2022 để bổ sung dự trữ hiện tại và thúc đẩy sản lượng.

Trong trung hạn, PVN đang lên kế hoạch cho các dự án thăm dò và khoan lớn như Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lô B – Ô Môn. Theo PVN, những dự án này có tiềm năng dầu khí lớn nhất tại Việt Nam.

Trong khi đó, dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt và các mỏ khí khác đang được phát triển song song với Giai đoạn 2 của dự án Sư Tử Trắng để đảm bảo cung cấp đủ nguồn khí cho khu vực Đông Nam Bộ khi mà hai nhà máy điện khí mới là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đi vào hoạt động năm 2021.

Những điều nhà đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu dầu khí - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi Luật Dầu khí sẽ thúc đẩy đầu tư FDI vào các hoạt động thăm dò Việt Nam trong những năm tới. Tại một hội thảo về năng lượng gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế - ông Nguyễn Đức Kiên cho biết Luật Dầu khí có thể sẽ được sửa đổi vào trong giai đoạn 2019-2020 để tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí tại Việt Nam cũng như phát triển nền kinh tế biển bền vững đến năm 2030.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên