MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều thú vị ở hội nghị G7 và dấu ấn của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

29-05-2017 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Mới đắc cử cách đây không lâu, đây là những lần xuất hiện đầu tiên của ông Macron trên “sân khấu” quốc tế. Tuy nhiên, ở vị Tổng thống mới chỉ 39 tuổi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm của nước Pháp đã toát lên vẻ cứng rắn.

Cuối tuần vừa qua, trên khắp các ngóc ngách của mạng xã hội, người ta thi nhau bàn tán về “ánh mắt trìu mến” mà tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành cho nhau khi cùng trò chuyện trên ban công đầy nắng của căn biệt thự nhìn ra biển Địa Trung Hải, trong khuôn khổ hội nghị G7 vừa diễn ra ở Sicily (Ý).

Chỉ 24 giờ trước, ở Brussels (Bỉ), hình ảnh cái bắt tay thật chặt giữa ông Macron ông Donald Trump cũng thu hút sự quan tâm của báo giới. Ông Macron đã trao cho nhà lãnh đạo Mỹ một cú bắt tay giật mạnh và kéo dài không buông – hành động quen thuộc của ông Trump từ lâu nay. Theo phóng viên của tờ Washington Post có mặt trong phòng họp lúc đó, cú bắt tay kéo dài lâu hơn bình thường với độ mạnh đáng kể, đến nỗi các khớp tay của họ chuyển sang màu trắng. Những bài báo còn viết về chi tiết ông Macron đã đi qua ngay trước mặt Tổng thống Mỹ để bước tới chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel trên thảm xanh NATO.

Mới đắc cử cách đây không lâu, đây là những lần xuất hiện đầu tiên của ông Macron trên “sân khấu” quốc tế. Tuy nhiên, ở vị Tổng thống mới chỉ 39 tuổi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm của nước Pháp đã toát lên vẻ cứng rắn. Gặp Tổng thống Trump, ông sử dụng ngay phong cách bắt tay kỳ lạ của người đối diện và có 1 đoạn nói chuyện bằng tiếng Pháp mà không có phiên dịch. Sau đó ông lại nói chuyện bằng tiếng Anh với Thủ tướng Theresa May, nói về sự hợp tác sau sự kiện khủng bố tấn công Manchester nhưng không nhượng bộ một chút nào trước lời đề nghị về 1 cuộc đàm phán Brexit ngang hàng của nữ Thủ tướng Anh.

Từng là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và là cố vấn kinh tế thân cận của người tiền nhiệm Hollande, ông Macron vẫn đang ở trong giai đoạn “tuần trăng mật” và sau đó sẽ phải đối mặt với một núi khó khăn ở trước mắt. Ông dẫn dắt một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và nhiều cử tri Pháp chọn bỏ phiếu cho ông chỉ vì họ không muốn lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen trở thành Tổng thống. Ông Macron cũng thừa hưởng một nền kinh tế yếu kém có tỷ lệ thất nghiệp cao gấp đôi so với Anh và Đức. Và để thực hiện những cải cách lớn nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ so với mức trung bình của Eurozone, ông sẽ phải giành được chiến thắng lớn ở các cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào tháng tới.

Tuy nhiên, đối với ông Macron mà nói, 3 ngày gặp gỡ với những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới tại nhiều nơi, từ trụ sở mới của NATO đến thị trấn cổ kính Taormina, đã giúp định hình phong cách cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.

Bên chiếc bàn tròn trong 1 tu viện cổ, 6 nhà lãnh đạo đã tranh luận với Tổng thống Trump về thương mại và biến đổi khí hậu. Trong cuộc họp ấy ông Macron đặc biệt nhấn mạnh rằng sẽ không có chuyện điều chỉnh Hiệp định Paris để làm vừa lòng Mỹ.

Có vẻ như Tân Tổng thống Pháp đã xây dựng được một mối quan hệ đặc biệt với Thủ tướng Trudeau của Canada. Ống kính truyền hình ghi lại cảnh hai nhà lãnh đạo trẻ tuổi thong thả đi dạo trên sườn đồi, nói chuyện vui vẻ với nhau bằng tiếng Pháp trong khi ở phía sau Tổng thống Trump đang đứng đợi xe để di chuyển.

“Justin là một người truyền cảm hứng”, ông Macron nói với báo giới sau khi hai người có cuộc gặp mặt đầu tiên kể từ khi ông đắc cử hồi đầu tháng. “Chúng tôi thuộc về thế hệ lãnh đạo mới sẽ làm thay đổi sâu sắc tầm nhìn và hành động trong các mối quan hệ quốc tế”.

Về phần mình, ông Trudeau (45 tuổi) cũng cho biết ông rất hào hứng khi “có người còn trẻ hơn và năng động hơn tôi tham gia vào bàn tròn G7”. Hai người thoải mái trò chuyện về những đứa trẻ: ông Trudeau là cha của 3 đứa trẻ trong khi ông Macron say sưa nói về những đứa cháu của phu nhân Brigitte Macron.

Ông Macron và bà May từng gặp nhau ở London, khi ông vẫn đang trong chiến dịch tranh cử còn bà thì vẫn chưa kêu gọi bầu cử sớm. Về Brexit, ông Macron và bà Merkel cùng có 1 thông điệp cứng rắn: đầu tiên hãy li hôn, sau đó mới có thể nói về chuyện đàm phán.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đưa ra kế hoạch khôi phục lại hình ảnh của Tổng thống Pháp mà ông cho là đã bị hai người tiền nhiệm làm hoen ố. Khi lựa chọn nội các toàn những người trung thành, trẻ tuổi và kín tiếng, ông đã thể hiện thái độ rõ ràng rằng mình sẽ không chia sẻ nhiều với báo chí. Ngược lại, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy được mệnh danh là “Tổng thống phát sáng” vì đời tư rùm beng và ông cũng là người nói nhiều, trong khi ông Francois Hollande thích trò chuyện với những phóng viên thân thiết.

Nhiều điểm thú vị ở tân Tổng thống Pháp sẽ được bộc lộ trong những tuần tới. Sau khi làm nên đột phá ở quê nhà với phong trào của riêng mình, Emmanuel Macron lại tạo nên những điều mới mẻ ở trường quốc tế. Trở về nhà sau hội nghị G7, ông sẽ đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay tại cung điện Versailles, trước khi dẫn ông Putin đi dự triển lãm về Peter Đại Đế ngay sau đó.

Cuộc triển lãm kỷ niệm 300 năm quan hệ ngoại giao Pháp – Nga diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có nhiều vấn đề bất đồng trong thời gian gần đây. Pháp và Nga có thái độ trái ngược về Syria, đồng thời Pháp cũng từng là một trong những nước chủ chốt ở EU quyết tâm đẩy mạnh trừng phạt Nga.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên