MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ sau 3 tháng đầu năm

Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ sau 3 tháng đầu năm

Các doanh nghiệp đang bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Nhiều gam màu xám xuất hiện khi một số công ty báo sụt giảm lợi nhuận, số khác báo lỗ.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư KTT (KTT) - một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực hạt nhựa nguyên sinh - vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với bức tranh không mấy sáng sủa.

Trong kỳ, doanh thu của KTT đạt 58,5 tỷ đồng, sụt tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng cũng giảm theo, lợi nhuận gộp được hơn 1 tỷ đồng.

Kỳ này, chi phí tài chính của KTT “đội” lên 6,7 tỷ đồng, gần gấp đôi năm trước. Sau khi trừ hết các khoản, KTT báo lỗ 5,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 2,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu được lãnh đạo KTT cho biết là do lãi suất vay ngân hàng cao, chi phí của công ty tăng mạnh làm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm đáng kể. Ngoài ra, do giá nhựa nguyên sinh trên thị trường biến động giảm liên tục từ giữa năm 2022 đến nay.

Một doanh nghiệp sản xuất khác cũng vừa báo lỗ, đó là Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên TISCO (TIS).

Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ sau 3 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thép vẫn tiếp đà khó khăn trong quý I/2023 (ảnh minh họa).

Cụ thể, trong quý đầu năm, TISCO ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.445 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận gộp chỉ đạt 55,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Doanh thu giảm, trong khi đó phải ghi nhận nhiều khoản gia tăng như chi phí tài chính, bán hàng. Chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, từ 60 tỷ đồng quý đầu tiên năm ngoái xuống 21 tỷ đồng trong cùng kỳ năm nay.

Kết quả, doanh nghiệp lỗ ròng gần 19 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi 29 tỷ đồng. Với con số này, TISCO đã trượt dài 3 quý lỗ liên tiếp. Đây là cũng công ty ngành thép “đánh tiếng trống” thua lỗ đầu tiên trong quý I/2023.

Sự kém sắc trong bức tranh kinh doanh của TISCO diễn ra trong bối cảnh thị trường thép nhiều biến động, khó khăn. Năm ngoái, ngay đến các "ông lớn" trong ngành cũng khốn khổ khi doanh thu cùng lợi nhuận rủ nhau tuột dốc. Đặc biệt, có doanh nghiệp thép còn báo lỗ khủng tới nghìn tỷ đồng.

Sang 2023, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép lạc quan cho rằng, sang 2023 ngành này sẽ bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, SSI Research mới đây ước tính một doanh nghiệp lớn trong ngành thép vẫn có thể ghi nhận lỗ trong quý đầu năm do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Như Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel (mã chứng khoán VCA) - doanh nghiệp thép đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm nhưng cũng không mấy sáng sủa khi lợi nhuận sau thuế giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Dù mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý I, song nhiều chuyên gia dự báo, bức tranh có thể kém sắc khi nhìn vào chính số liệu tăng trưởng vừa công bố.

Trong quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%. Mức đạt được này chỉ cao hơn tốc độ tăng quý I năm 2020 (thời điểm bùng nổ dịch COVID-19) trong suốt giai đoạn 2011-2023.

Sự khó khăn của nền kinh tế là rất rõ khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 - cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường với gần 57.000 trong quý I. Bình quân mỗi tháng 20.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Cũng trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%. Điều này cũng dễ lý giải vì sao doanh nghiệp sản xuất thép (một nguyên vật liệu chiếm phần lớn ở các công trình xây dựng) kêu khó khăn, doanh thu sụt giảm.

Chưa kể, kim ngạch xuất khẩu - một động lực quan trọng của tăng trưởng cũng âm - cho thấy sự khó khăn của các thị trường trong và ngoài nước. Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các dự báo sẽ lỗ trong quý I/2023.

Theo Hải Bình

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên