Những doanh nghiệp 'tiền nhiều không biết để làm gì' trên thị trường chứng khoán
Với lợi thế kinh doanh sẵn có, nhiều doanh nghiệp có khả năng tích lũy được lượng tiền mặt rất lớn so với quy mô hoạt động."Có nhiều tiền" là một lợi thế nhưng việc nắm giữ dài hạn, không đầu tư hoặc đầu tư kém hiệu quả cũng đặt ra dấu hỏi lớn về định hướng phát triển của doanh nghiệp.
- 16-09-2019Co-working space: Mô hình văn phòng "kiểu mới" đang thu hút nhiều doanh nghiệp
- 15-09-2019Xuất khẩu vào Mỹ: Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
- 15-09-2019Muốn công ty ngày càng phát triển, một người quản trị phải biết được 8 dạng văn hóa trong doanh nghiệp này
Hoạt động kinh doanh hằng ngày đòi hỏi doanh nghiệp phải giữ một lượng tiền mặt nhất định để sử dụng. Tùy mô hình hoạt động mà con số này được giữ ở mức hợp lý, song cũng có những trường hợp mà tỷ lệ tiền mặt được giữ ở mức rất cao trong thời gian dài, gây thắc mắc cho cổ đông về việc doanh nghiệp có sử dụng tối ưu nguồn lực sẵn có hay không.
Thống kê các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (loại trừ các ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm do đặc thù kinh doanh) đến 30/6 có 25 doanh nghiệp ghi nhận chỉ tiêu tổng tiền (bao gồm tiền, tương đương tiền cùng với khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) lớn hơn 100 tỷ đồng và chiếm đến trên 50% tổng tài sản.
Tổng tiền so với tổng tài sản của Bến xe Miền Tây những năm gần đây.
Một doanh nghiệp khác nổi tiếng với việc giữ tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản cao là CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT - FPT Online ( UPCoM: FOC ), đơn vị vận hành quảng cáo cho hệ thống Báo điện tử VnExpress. 6 tháng đầu năm, khoản tiền của công ty này đạt 859 tỷ đồng, chiếm 84% tổng tài sản. Trong khi đó, nếu xét về giá trị tuyệt đối của lượng tiền nắm giữ thì cao nhất trong danh sách là CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco ( HoSE: SAB ). Đại gia ngành bia có 14.351 tỷ đồng trong ngân hàng, chiếm gần 60% tổng tài sản tính đến 30/6.
Hai doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP HCM là CTCP Công viên nước Đầm Sen ( HoSE: DSN ) và CTCP Bến xe Miền Tây ( HNX: WCS ) lần lượt giữ các vị trí đầu tiên trong danh sách, với tỷ lệ tiền trên tổng tài sản lần lượt là 93% và 88%. Khoản tiền gửi 236 tỷ đồng mang lại cho Đầm Sen 3,5 tỷ đồng tiền lãi sau 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong khi đó, việc duy trì tỷ lệ tài sản bằng tiền rất cao (khoảng 70-80%) liên tục từ 2015 đến nay giúp Bến xe Miền Tây luôn có một khoản thu nhập ổn định hằng năm.
Những doanh nghiệp nắm giữ tỷ lệ tiền / tổng tài sản lớn, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019. |
Các doanh nghiệp trong danh sách nêu trên thường có điểm chung là có ngành nghề kinh doanh khá "cô đặc", sớm giành được lợi thế trên thị trường nhờ lịch sử phát triển (gốc là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh độc quyền hoặc sớm khai phá thị trường từ khi còn manh nha...). Như trường hợp Công viên nước Đầm Sen được thành lập từ năm 1998, là một trong những công viên nước đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, doanh nghiệp vẫn hoạt động trong khu đất rộng khoảng 2ha tại quận 11, TP HCM (trên tổng diện tích 50ha của Công viên văn hóa Đầm Sen) và duy trì doanh thu hằng năm khoảng 200 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ và ăn uống.
Tương tự, Bến xe Miền Tây là một trong 2 bến xe quan trọng nhất của TP HCM, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dù vốn chỉ 25 tỷ đồng nhưng hoạt động kinh doanh của Bến xe Miền Tây luôn nằm trong top các doanh nghiệp hiệu quả nhất thị trường nhiều năm liền. Năm 2018, doanh nghiệp phục vụ hơn 11,7 triệu lượt khách, tương đương hơn 500.000 lượt xe xuất bến. 6 tháng đầu năm 2019, Bến xe Miền Tây là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về chỉ số EPS với 11.329 đồng.
|
Tỷ lệ tiền trên tổng tài sản của FPT Online những năm gần đây. |
FPT Online cũng là một trường hợp mà nhà đầu tư hầu như không biết đến ngành nghề kinh doanh nào khác ngoài việc vận hành các dịch vụ truyền thông, quảng cáo cho hệ thống Báo điện tử VnExpress (bao gồm cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, các chuyên trang Ngôi Sao, iOne...). Trên thực tế, trong giai đoạn trước năm 2014, doanh nghiệp này từng có cả mảng game online, dịch vụ thanh toán trực tuyến, vận hành các diễn đàn, mạng xã hội... Tuy nhiên, vì cả lý do khách quan và chủ quan, đây là giai đoạn mà FPT Online kinh doanh những mảng này không hiệu quả, lợi nhuận sau thuế năm 2013 giảm gần 30%. Lãnh đạo doanh nghiệp khi đó quyết định tái cơ cấu, chỉ tập trung vào một mảng cốt lõi là truyền thông, quảng cáo trên báo điện tử. Định hướng này giúp FPT Online tận dụng được điều kiện thuận lợi của thị trường, tăng doanh thu, đồng thời tích lũy được một lượng tiền mặt lớn những năm sau đó. Cụ thể, lượng tiền mặt của công ty tăng từ 144 tỷ đồng (năm 2013) lên thành 859 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2019. Trong các năm từ 2015 đến nay, tỷ lệ tiền mặt của công ty luôn duy trì ở mức 70-80% tổng tài sản.
Dù vậy, cũng vì nắm giữ một lượng tài sản bằng tiền lớn trong thời gian dài nên những doanh nghiệp nói trên thường bị nhà đầu tư đặt câu hỏi vể khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có. Chẳng hạn cùng với việc rút khỏi các mảng kinh doanh không thuận lợi giai đoạn 2013-2014, lãnh đạo FPT Online từng mong muốn mở rộng hệ sinh thái bằng cách hợp tác đầu tư vào Tạp chí Thế giới Vi tính (PCWorld Việt Nam). Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã phải dừng lại với lý do hai bên không thống nhất về phương hướng phát triển chung của tạp chí. Những năm gần đây, doanh nghiệp này chưa công bố thêm bất kỳ một khoản đầu tư, mở rộng đáng kể nào, trong khi thị trường quảng cáo trực tuyến bị cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong và ngoài nước. Đà tăng trưởng cũng vì thế mà có dấu hiệu chững lại.
Tương tự, dù là doanh nghiệp kinh doanh dựa nhiều trên hạ tầng, cơ sở vật chất nhưng trong cả năm 2018, tổng số tiền thực tế chi cho đầu tư xây dựng của Bến xe Miền Tây chỉ đạt 6,8 tỷ đồng, so với doanh thu đạt được là hơn 150 tỷ. Công ty cũng không ghi nhận thêm một khoản đầu tư đáng kể nào ra bên ngoài ngoại trừ kế hoạch xây bên xe mới còn dang dở. Chia sẻ trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, lãnh đạo công ty cho biết các năm trước, công ty giữ lại lợi nhuận để đầu tư bến xe mới nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì phải thực hiện các thủ tục theo quy định. Theo kế hoạch năm 2019, khoản đầu tư cho cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị của công ty dự kiến tăng lên hơn 26 tỷ đồng.
|
Tỷ lệ tiền trên tổng tài sản của Sabeco những năm gần đây. |
Trong khi đó, Công viên nước Đầm Sen có khoản đầu tư gần 32 tỷ đồng vào cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) nhưng không thu được thành công và đến nay đã phải trích lập dự phòng 25 tỷ đồng. Một đại gia khác trên sàn chứng khoán là Sabeco cũng đồng cảnh khi đang phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền 136 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á, hơn 33,7 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào PVI Sài Gòn...
Kinh doanh ổn định, nắm giữ một lượng tiền mặt lớn nhưng không mở rộng đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả, các doanh nghiệp "nhiều tiền" thường chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao như một giải pháp "xoa dịu" cổ đông về chiến lược phát triển. Cụ thể, đối với Bến xe miền Tây, doanh nghiệp này hàng năm đều đặn chỉ trả cổ tức 20% cho cổ đông. Riêng trong năm 2018, công ty này đã trả cổ tức lên đến 200% bằng tiền mặt.
Đối với FPT Online, doanh nghiệp này được biết đến mới mức cổ tức bằng tiền rất cao. Năm 2018, FPT Online trả cổ tức đến 130% cho cổ đông. Theo kế hoạch năm 2019, công ty cũng dự kiến trả cổ tức 130% bằng tiền mặt, trong đó đã tạm ứng tỷ lê 100% vào ngày 14/8. Động thái tương tự cũng xuất hiện ở Công viên nước Đầm Sen và các doanh nghiệp có tỷ lệ tiền mặt lớn khác.
Một điểm đáng chú ý khác của các doanh nghiệp này là dù nắm giữ tỷ lệ tiền mặt lớn nhưng hầu hết đều có dư nợ vay ngân hàng, dù số tiền vay không đáng kể so với lượng vốn sẵn có. Tại thời điểm 30/6, dù có hơn 14.000 tỷ đồng tiền mặt nhưng nợ ngắn hạn của Sabeco cũng đạt 5.174 tỷ đồng. Các năm từ 2013 đến 2018, nợ ngắn hạn đều duy trì ở mức 6.000 đến 7.000 tỷ. FPT Online đang có hơn 256 tỷ đồng nợ ngắn hạn (công ty duy trì mức dư nợ này trên 200 tỷ đồng trong khoảng 3 năm gần đây). Tương tự, cả Công viên nước Đầm Sen hay Bến xe Miền Tây cũng đều có vài chục tỷ đồng cho khoản mục này trong các báo cáo tài chính thường niên. Đây có thể được hiểu là hoạt động nhằm tối ưu lợi ích về tài chính, trong trường hợp doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn giá rẻ.
|
Lượng tiền mặt dồi dào trong nhiều trường hợp là một điểm lợi thế của các doanh nghiệp, giúp họ chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh mà không phải chịu áp lực từ nguồn vốn vay, có được khoản lợi nhuận tài chính ổn định hàng năm. Ngoài ra, lượng tiền nhiều cũng có thể giúp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có tính chu kỳ giải quyết các nghĩa vụ ngắn hạn, vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Tuy vậy, việc giữ quá nhiều tiền cũng làm phát sinh câu hỏi từ nhà đầu tư rằng tại sao các doanh nghiệp không đem số tiền đó đi đầu tư, sử dụng cho hoạt động kinh doanh nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn? Liệu rằng việc chỉ gửi tiền ngân hàng có làm mất đi chi phí cơ hội của doanh nghiệp khi mà mức lãi suất hiện khó vượt 10%/năm.
Một trường hợp điển hình của việc "người giàu không biết tiêu tiền" và cuối cùng rời bỏ cuộc chơi là Chứng khoán Kim Long (KLS). Hình thành từ năm 2006, Chứng khoán Kim Long có một số thời điểm là một trong số các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất. Năm 2010, vốn điều lệ của công ty đứng thứ 3 thị trường các đơn vị môi giới chứng khoán. Tuy vậy, trên thị trường ít nhà đầu tư để ý đến công ty này khi các dịch vụ cơ bản như môi giới, tư vấn... đều không có tiếng vang gì ngoại trừ một một lượng tiền mặt lớn được duy trì trong tài khoản. Đến cuối quý II/2016, trước khi giải thể, Chứng khoán Kim Long có gần 1.900 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Ban lãnh đạo công ty khi đó cho biết không muốn mạo hiểm mở rộng hoạt động kinh doanh do mức độ rủi ro cao hơn và có thể gây thất thoát nguồn lực và thiệt hại cho cổ đông. Sau khi giải thế, Chứng khoán Kim Long đã đem toàn bộ tiền chia 11.482 đồng/cp cho các cổ đông.
Người đồng hành