Những dự án đầu tư công nào sẽ được hỗ trợ vốn theo gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng?
Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu, có nhóm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
- 02-02-2022Chính sách hỗ trợ bằng tiền trực tiếp và cho vay theo gói 350.000 tỷ đồng mà người lao động nhất định phải biết
- 31-01-2022Chính thức ban hành gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng: Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ những khoản gì?
Cụ thể, theo Nghị quyết, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm:
1. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh
2. Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm
3. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
5. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trong đó, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Nghị quyết yêu cầu tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết chỉ rõ phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 02 năm 2022 và 2023, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet.
Cũng theo Nghị quyết, gói hỗ trợ này sẽ bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.