Những dự án giao thông nghìn tỷ có thể làm "dậy sóng" BĐS vùng ven Tp.HCM
Thời gian qua, nhiều tuyến đường được đầu tư, mở rộng đã và đang tác động đến thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Riêng tháng 5/2021, loạt thông tin về hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư đang mang lại những dấu hiệu tích cực cho thị trường BĐS giữa bối cảnh dịch Covid-19.
Gần 1.500 tỉ đồng mở rộng QL50 qua Tp.HCM
Ngày 26/5/2021, UBND Tp.HCM có quyết định giao Sở Giao thông vận tải Tp.HCM chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50, đoạn qua huyện Bình Chánh. Dự án dài 8.5km rộng 34m, tổng vốn đầu tư gần 1,500 tỷ Đồng được ưu tiên triển khai giai đoạn 2021 – 2024.
Theo báo cáo của Sở GTVT, Quốc lộ 50 là tuyến đường trục giao thông đối ngoại quan trọng của Tp.HCM kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, đồng thời là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn. Tuyến đường hiện hữu đang khai thác có mặt đường hẹp, chỉ 2 làn xe, các phương tiện giao thông như xe tải, xe chở rác, container lưu thông hỗn hợp với xe gắn máy, xe thô sơ, nên thường xuyên ùn ứ, đặc biệt tại giao lộ Quốc lộ 50 - đường Nguyễn Văn Linh và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Việc đầu tư dự án xây dựng, mở rộng QL50, huyện Bình Chánh sẽ tăng cường năng lực khai thác tuyển đường trục kết nối Tp.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành các tuyến trục chính, vành đai của thành phố, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông, từng bước hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được phê duyệt.
Đề xuất đầu tư đường trên cao số 5 theo hợp đồng BOT
Ngày 18/5/2021, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO – IDI) có văn bản gửi UBND Tp.HCM đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án đường trên cao số 5 giai đoạn 1 dài 21.5km tổng vốn hơn 15,400 tỷ Đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Tuyến đường dài 21,5 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đi trùng quốc lộ 1 đến ngã tư An Sương (quận 12). Dự án thuộc danh mục TP HCM kêu gọi đầu tư năm 2021, thực hiện giai đoạn 2021-2030.
Theo quy hoạch, toàn tuyến trên cao số 5 của Tp.HCM dài 34 km, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân). Cách đây 6 năm, dự án từng được nghiên cứu đầu tư nhưng chưa triển khai. Hiện, dự án được xem trọng điểm, cấp bách, trong đó đoạn nút giao Trạm 2 - An Sương đề xuất ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025; đoạn còn lại (An Sương - An Lạc, dài khoảng 12,5 km) triển khai giai đoạn 2025-2030.
Đường trên cao số 5 khi hình thành góp phần giảm kẹt xe những tuyến hiện hữu như quốc lộ 1, Cộng Hòa, Trường Chinh... Việc xây dựng trên cao sẽ khả thi hơn so với mở rộng đường do ít phải đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư dọc bên. Đường trên cao chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa sẽ giảm ảnh hưởng giao thông trên tuyến.
Đề xuất 30.000 tỉ đồng làm đường trên cao ở Tp.HCM
18/5/2021 CT CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đề xuất làm đường trên cao theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Vốn đầu tư ước tính 30. 000 tỷ Đồng.
Tuyến đường dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình), sau đó chạy dọc các tuyến Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Đề xuất nói trên được Sở Giao thông Vận tải đánh giá phù hợp định hướng phát triển giao thông tại thành phố. Để thực hiện, Sở kiến nghị thành phố kêu gọi đầu tư dự án theo hai phương án: giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư. Phương án khác là Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư làm đề xuất dự án PPP.
Đồng Nai chấp thuận đầu tư 4 dự án giao thông lớn
Ngày 26/5/2021, Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh Đồng Nai vừa chấp thuận chủ trương đầu tư của Sở về việc đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Bao gồm: dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án đường tỉnh 770B (đoạn từ giao đường tỉnh 763 đến quốc lộ 51) với tổng vốn đầu tư 7,100 tỷ Đồng (chưa bao gồm tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng) được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.
Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trên. Rà soát nhu cầu sử dụng đất và tính toán sơ bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ các tuyến đường...
Trong 4 đường nêu trên, có 2 đường gồm đường đường tỉnh 769, đường tỉnh 770B trực tiếp kết nối các địa phương với sân bay Long Thành. Toàn bộ 4 tuyến đường được triển khai trong giai đoạn 2021–2025 và được chia thành nhiều đoạn, có đoạn làm mới, đoạn mở rộng với quy mô khác nhau, dao động từ 4 đến 6 làn xe cơ giới, lộ giới từ 45-80m.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư là khoảng 7.100 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Triển khai những công trình giao thông chiến lược trong năm 2021
Ngày 12/5/2021, Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2020 – 2030 với tổng mức đầu tư dự kiến 137,638 tỷ Đồng.
Các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2021: công trình xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐT mới Thủ Thiêm; xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2; mở rộng đường Đồng Văn Cống; đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội; cầu Long Kiểng; xây dựng mới cầu Hang Ngoài tại quận Gò Vấp; cầu Vàm Sát 2 tại huyện Cần Giờ....