MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những hậu quả khi cha mẹ đánh, mắng trẻ một cách thiếu kiểm soát

20-04-2023 - 10:34 AM | Sống

(Tổ Quốc) - Hành vi này không làm con thay đổi mà thậm chí còn khiến trẻ bị tổn thương.

Chúng ta đôi lúc mất bình tĩnh và trở nên nóng giận với 1 hành vi nào đó của trẻ. Những lúc như vậy, chúng ta thường la mắng, thậm chí đánh đau trẻ nhằm mong trẻ nhớ và không tái phạm. Nhưng sự thật là đâu lại vào đấy, trẻ vẫn lập lại hành vi đó dù bạn đã nhiều lần la mắng, đánh đau, hay trách phạt. Tại sao như vậy? Có phải trẻ quá hư? Hay do các kỹ luật của chúng ta không đủ làm trẻ sợ? 

Thật ra không phải trẻ hư đốn như người lớn vẫn nghĩ, Theo viện Hàn Lâm Nhi Khoa của Mỹ đã chỉ ra 3 cái sai trong cách xử lý la, đánh, mắng của cha mẹ:

- Tạo vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực. Việc dùng lời chửi mắng hay đánh đòn roi là cách làm thiếu kỹ năng và thiếu khả năng kiềm chế của cha mẹ. Nó đã vô tình làm não bộ non nớt của những đứa trẻ hiểu rằng: làm đau ai đó bằng cách đánh hay gây tổn thương tinh thần ai đó bằng lời nói như chửi khi bực nhọc khó chịu là được phép, thậm chí với cả người họ yêu thương. Thay vì nó là công cụ răn đe thì nó lại trở thành công cụ khuyến khích những hành vi bạo lực ở trẻ. Do đó, đứa trẻ thường học cách bạo lực với bạn bè và trở thành 1 người chồng/vợ bạo lực sau này với những người yêu thương của trẻ như vợ/chồng con cái.

- Sự thiếu kiềm chế khi tức giận, mất kiểm soát làm giảm sự sáng suốt 70%. Do đó, nó có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Việc đánh, chửi vô ý có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho trẻ, đặc biệt với trẻ nhỏ hơn 18 tháng tuổi. 

- Lời nói mắng chửi trẻ con cũng có "độc tính" như đánh trẻ. Trẻ con bị mắng chửi thường xuyên sẽ phát triển hành vi mắng chửi người khác, và trẻ có thể cũng bị những tổn thương tâm lý lâu dài giống như bị đánh đập vậy. 

Thực ra, mỗi độ tuổi trẻ có sự phát triển hành vi khác nhau. Do đó, cha mẹ cũng nên có cách ứng xử khác nhau theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Bạn có thể bực tức với hành vi hay ném đồ vật của trẻ dưới 18 tháng tuổi và cho rằng trẻ quá bướng bỉnh, nhưng thực ra nó là hành vi bình thường, chỉ là do trẻ bắt đầu nhận ra sự thú vị của sự rơi. Do đó, một khi bạn hiểu hành vi phát triển của trẻ theo từng độ tuổi thì bạn sẽ nhàn hạ hơn vì bạn luôn biết cách đáp ứng phù hợp để trẻ phát triển đúng và khỏe mạnh.  

Những hậu quả khi cha mẹ đánh, mắng trẻ một cách thiếu kiểm soát - Ảnh 1.

Hiệp Hội Nhi Khoa Canada đã đưa những hướng dẫn giúp cha mẹ giáo dục con cái thay đổi tích cực các hành vi theo từng độ tuổi như sau:

TRẺ DƯỚI 1 TUỔI

Sự hiểu đúng về phát triển hành vi ở tuổi này:

Những đòi hỏi của trẻ phần lớn là các nhu cầu cơ bản thuộc về bản năng sinh tồn như ăn, ngủ, tương tác. Do trẻ còn nhỏ, nên khả năng chịu đựng về tinh thần và thể xác là rất thấp. Do đó, các hành vi la mắng hay đánh trẻ là gây tổn thương rất lớn cho nhóm trẻ này.

Cách đáp ứng hiệu quả:

Sớm thiết lập 1 lịch trình cụ thể và cố định xoay quanh các vấn đề gồm ăn, ngủ và chơi hoặc tương tác thì trẻ ít gặp các hành vi phản kháng. Tránh các môi trường gây sao nhãng trong các quá trình này vì trẻ sẽ nghĩ nó là 1 phần của lịch trình. VD, bạn cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại thì trẻ sẽ có khuynh hướng đòi hỏi điện thoại nếu 1 ngày bạn không cho nó. Một ví dụ khác, ví dụ, trong ăn dặm, tránh việc cho trẻ ăn những thức ăn của người lớn chỉ vì muốn trẻ vui.   

TRẺ 1-2 TUỔI

Sự hiểu đúng về phát triển hành vi trẻ ở độ tuổi này:

Trẻ bắt đầu hiểu về thế giới xung quanh và muốn 1 ít sự độc lập, sự tự do trong kiểm soát nó. Tuy nhiên trẻ có sự chú ý rất ngắn trên 1 hành vi nào đó vì trẻ chỉ chú ý do 1 tính chất kích thích chứ không thực sự phát triển hành vi đòi hỏi hay gắn bó. Do đó, trẻ không hiểu khi bạn cố giải thích về hành vi đó, thậm chí việc giải thích chỉ làm trẻ cảm thấy bạn đang chống lại sự tự do của trẻ.  Trẻ hiểu 1 hành vi nào đó khi bạn nói "không được", nhưng không hiểu 1 hành vi nào đó nếu bạn nói không được, rồi sau đó lại nói được do 1 lí do nào đó (VD, trẻ khóc đòi). 

Đáp ứng hiệu quả:

Khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh với 1 hành vi đòi hỏi nào đó, việc chuyển hướng nó sang hành vi khác là hiệu quả và tránh la mắng, giải thích hay khuyên nhủ. Chỉ đơn giản chuyển sự chú ý của trẻ sang hành vi khác sẽ hiệu quả hơn. VD, Đứa trẻ muốn chơi với một đồ vật bằng thủy tinh dễ vỡ trên sàn nhà cứng. Lúc này bạn nên đưa trẻ và đồ vật ra ngoài và chuyển hướng sự chú ý của trẻ sang một hoạt động thích hợp hơn chẳng hạn như chơi với bóng ở một phòng khác. 

TRẺ 2-3 TUỔI

Sự hiểu đúng về phát triển hành vi tuổi này:

Trẻ tiếp tục tăng đòi hỏi về sự độc lập, tự do trong kiểm soát các tình huống hằng ngày. Tuy nhiên, khác giai đoạn trước, trẻ hiểu về sự đòi hỏi và có khuynh hướng duy trì sự kiểm soát trên 1 hành vi nào đó. 

Đáp ứng hiệu quả:

Do đó, việc đánh lạc hướng sẽ không còn hiệu quả và việc cấm đoán cũng không thể ngăn trẻ duy trì sự đòi hỏi trên 1 hành vi nào đó. Bạn càng sớm cho trẻ hiểu thái độ của bạn về điều gì "được" hay "không được" càng sớm từ 18 tháng tuổi (thực ra điều này thậm chí sớm hơn, nhưng chỉ là ở độ tuổi này bạn nên rõ ràng thành lời cho trẻ hiểu) và tránh cho trẻ các tín hiệu "màu xám" 

Cũng sớm thiết lập các luật lệ trong các hành vi hằng ngày như luật ăn, luật chơi"... Trong độ tuổi này, luật nên đơn giản và phải gồm "giới hạn cụ thể" và "hệ quả khi vi phạm giới hạn".

Các kỹ thuật được khuyên từ độ tuổi này là 1, 2, 3 magic và time-out. Time-out là kỹ thuật chỉ sử dụng khi mọi kỹ thuật khác không hiệu quả hoặc trẻ thể hiện hành vi chống đối, vượt kiểm soát. Time-out tránh lạm dụng vì có thể sẽ đem lại hiệu quả phản kháng ở trẻ. 

TRẺ 3-5 TUỔI

Sự hiểu đúng về phát triển hành vi tuổi này:

Trẻ muốn độc lập hơn bất kì giai đoạn nào. Tuy nhiên trẻ bất đầu nhận thức được các giới hạn và hậu quả liên quan. Và trẻ tuổi này đã bắt đầu biết dùng lời nói để thương lượng với ba mẹ 

Đáp ứng hiệu quả:

Tiếp tục thiết lập luật lệ trong các hành vi hằng ngày như luật ăn, luật chơi,"... Tuy nhiên, trong độ tuổi này, luật nên chi tiết cái gì phải được bao gồm. Ví dụ, luật ăn thì gồm cái gì cần hoàn tất như bao nhiêu miếng thịt, chén canh, miếng rau thay vì chỉ nói là "phải ăn hết 1 chén cơm". Cũng cần gồm "giới hạn cụ thể" và "hệ quả khi vi phạm giới hạn". Hệ quả phải có cân trọng và buộc trẻ phải suy nghĩ để có quyết định. Cũng nên đưa ra các nguyên tắc như nguyên tắc nói chuyện. VD, chỉ khi nào con nín khóc hoặc không lè nhè thì mẹ mới nghe con nói và giải quyết. 

Độ tuổi này cũng nên thiết lập các cách khuyến khích hành vi tốt của trẻ vì trẻ bắt đầu nhận ra cái gì tốt và cái gì chưa tốt. Ví dụ, nếu con làm cái gì đó (điều bạn muốn trẻ thay đổi) tốt thì được 1 ngôi sao, con có 10 ngôi sao thì sẽ có 1 phần thưởng đặc biệt. Ví dụ, con sẽ được đi nhà sách. 

Trên đây là những lời khuyên từ bác sĩ Anh Nguyễn - chuyên gia tại Mỹ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ nhé.

Theo Thảo Hương

Trí thức trẻ

Trở lên trên