Những kẻ lừa đảo lãng mạn: Trái tim bị đánh cắp mà tiền bạc cũng "bốc hơi" theo tội phạm bằng cách nào?
Số tiền nạn nhân bị mất trong các vụ lừa đảo tình cảm trong năm qua đã cao kỷ lục.
- 12-02-2022Cổ vật của vua Càn Long suýt trở thành tang vật trong "vụ lừa đảo" hơn 300 tỷ đồng
- 02-02-2022Lừa đảo tàn nhẫn trong "Dự án Trung Quốc" ở Campuchia: Muốn tự do, phải trả giá đắt cắt cổ
- 27-01-2022Ngồi tù vì lừa cả New York, ‘rich kid’ tự xưng vẫn ung dung kiếm 6,5 tỷ đồng sau khi tự do nhờ bán chuyện đời ly kì hơn phim cho Netflix
Gần đây, Úc đã phải đưa ra khuyến cáo người dân cảnh giác với tội phạm mạng trong Ngày lễ tình nhân này sau khi số tiền các nạn nhân bị lừa đã cao ở mức kỷ lục. Tổng cộng 56 triệu USD đã vào tay những kẻ lừa đảo lãng mạn chỉ trong năm qua.
Vào năm 2021, cơ quan giám sát người tiêu dùng Scamwatch cho biết đã nhận được 3.400 đơn khiếu nại từ các nạn nhân và thành viên gia đình của những nạn nhân bị mắc vào các vụ lừa đảo tình ái. Dù đã có báo cáo cụ thể nhưng số tiền bị lừa có thể cao hơn nhiều do nhiều nạn nhân không gửi đơn khiếu nại chính thức vì bối rối hoặc xấu hổ.
Theo ước tính của Scamwatch, chỉ có khoảng ít nhất 13% nạn nhân báo cáo thiệt hại của họ. Delia Rickard, phó Chủ tịch Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc, cho biết: "Việc quan trọng là phải thông báo cho bạn bè hoặc người thân đang sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến về cách phát hiện các trò lừa đảo mạo danh chuyện tình cảm. Viêc chia sẻ kinh nghiệm của chính bạn có thể giúp mọi người nhận ra và tránh nguy cơ trở thành nạn nhân trong tương lai".
Hơn một nửa số vụ lừa đảo lãng mạn được báo cáo xảy ra trên các trang web mạng xã hội hoặc ứng dụng hẹn hò, những kẻ lừa đảo sẽ "kích hoạt cảm xúc" để lợi dụng lòng tin của nạn nhân. Thông thường, chúng sẽ sử dụng một chiến thuật gọi là "đánh bom tình yêu".
Bước đầu, tên tội phạm sẽ bày tỏ tình yêu với nạn nhân một cách nhanh chóng và làm cho họ ảo tưởng rằng đây là tình yêu. Sau khi chiếm được sự tin tưởng, kẻ lừa đảo thường bịa ra một câu chuyện phức tạp và yêu cầu nạn nhân gửi tiền, quà tặng hoặc thông tin tài chính để hỗ trợ chúng.
Một kỹ thuật khác mà những kẻ lừa đảo lãng mạn thường hay sử dụng là "mồi tình cảm". Theo đó, sau khi làm quen và tỏ tình, chúng sẽ khuyến khích nạn nhân đầu tư vào một kế hoạch, thường là tiền điện tử.
"Những kẻ lừa đảo có thể viện ra vô số lý do để cố gắng thuyết phục bạn gửi tiền. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy bị áp lực bởi "người thương" của mình, hãy cắt đứt liên lạc với họ", bà Rickard chia sẻ. "Một dấu hiệu nguy hiểm khác cần chú ý là khi những kẻ lừa đảo liên tục đưa ra một loạt lý do để thoái thác việc gặp mặt trực tiếp hoặc thậm chí là gọi video".
Trong số các nạn nhân đã báo cáo tổn thất cho Scamwatch, phần nhiều là người lớn tuổi. Người Úc từ 55 tuổi trở lên chiếm gần một nửa số nạn nhân, trong đó số lượng phụ nữ báo cáo thiệt hại cao hơn nam giới.
Bà Rickard cho biết các bước đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để tránh lừa đảo tình ái là giữ bí mật tất cả thông tin tài chính và tra Google danh tính của một người trước khi quyết định để mối quan hệ tiến xa hơn.
"Đừng bao giờ gửi tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân hay thông tin tài chính cho người mà bạn chỉ gặp trên mạng. Hãy suy nghĩ thật kỹ về việc nhận lời khuyên đầu tư hoặc tài chính từ một người nào đó trên ứng dụng hẹn hò", bà Rickard đưa ra lời khuyên. "Nên tìm kiếm tên hoặc ảnh của người yêu bạn hoặc một số cụm từ mà họ đã sử dụng trên internet để xác định xem đó có phải là một trò lừa đảo hay không".
Nếu một người nghĩ rằng mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo lãng mạn, các cơ quan có thẩm quyền khuyến khích họ liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của họ càng nhanh càng tốt, cũng như báo cáo với nền tảng mà họ đã gặp kẻ lừa đảo.
Tham khảo 9news