MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lý do khiến nhân viên không phục nhà quản lý

04-04-2017 - 08:19 AM | Sống

Sự tôn trọng của nhân viên là điều mà mọi nhà quản lý đều mong muốn có được. Thế nhưng đôi khi, chỉ vì một vài sai lầm nhỏ mà bạn đánh mất sự tôn trọng đó.

Để doanh nghiệp phát triển cũng như thúc đẩy mối quan hệ của đội ngũ nhân viên với nhà quản lý, bạn cần tạo được một nền tảng vững chắc của sự tin tưởng và tôn trọng.

Một số nhân viên có thể không thích bạn, không sợ bạn hay phàn nàn về bạn, nhưng đừng bao giờ để nhân viên không tôn trọng bạn bởi những sai lầm sau đây.

1. Bạn không để nhân viên phát huy thế mạnh

Một trong những bài học kinh doanh đắt giá nhất cho các nhà quản lý đó là : “Hãy thuê những người thông minh hơn mình”. Điều này có nghĩa là người mà bạn thuê phải có nhiều thế mạnh và chính bạn cũng phải cho họ có quyền tự do phát huy thế mạnh của mình.

Trong cuốn sách “Do Nothing: How to Stop Over Managing and Become a Great Leader”, giáo sư J. Keith Murnighan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân công nhiệm vụ cho các nhân viên chuyên môn. Ông cho rằng hiện nay, nhiều vị giám đốc đã can thiệp quá sâu vào công tác quản lý mà quên đi trách nhiệm của mình. Ông viết: “Cái nhìn sâu sắc ở đây rất đơn giản: Bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả nếu biết cách phân công chứ không phải tự mình làm mọi việc. Nói cách khác, hãy ngừng làm việc và bắt đầu dẫn dắt”.

Bạn hãy thuê những người giỏi nhất, sau đó trao cho họ quyền được phát huy hết thế mạnh của mình. Làm như vậy, nhà quản lý sẽ có một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả hơn, tạo ra môi trường làm việc thông thoáng hơn và phát huy tính độc lập của nhân viên.

2. Bạn tránh xung đột bằng mọi giá

Việc tránh xung đột không phải trong trường hợp nào cũng là tốt. Những nhà lãnh đạo giỏi sẽ không ngại đưa ra những vấn đề khó khăn hoặc đối đầu khi cần thiết. Bạn có thể nghĩ rằng, việc “đóng vai” một ông sếp hiền lành sẽ có được sự tôn trọng của nhân viên, nhưng sự thật là ngược lại.

Với việc liên tục né tránh xung đột, nhân viên sẽ nghĩ rằng bạn không tin tưởng vào bản thân khi đưa ra quyết định. Một nhà lãnh đạo tốt sẽ không nhút nhát trước những tình huống khó khăn. Thay vào đó, họ sẽ tiếp cận thử thách một cách tự tin và sẵn sàng đấu tranh để giải quyết vấn đề.

3. Bạn không đánh giá cao nhân viên

Có câu: “Một người được đánh giá cao sẽ luôn làm tốt hơn những gì được mong đợi”. Một người được đánh giá cao tự nhiên cũng sẽ cảm thấy có nhiều động lực hơn và tôn trọng người đánh giá cao mình.

Nhân viên là những người giúp bạn phát triển doanh nghiệp. Do đó, hãy cho họ thấy sự đánh giá cao của bạn mà họ xứng đáng nhận được bằng cách khen ngợi, khuyến khích hoặc trao thưởng. Hãy cho họ biết, họ là một phần không thể tách rời với sự thành công của bạn và doanh nghiệp.

4. Bạn không đáng tin cậy

Bạn mong đợi nhân viên của mình đến đúng giờ, hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, làm tốt những lời hứa, nhưng chính bạn lại không làm được điều đó?

Đừng nghĩ chỉ có bạn quản lý nhân viên, chính nhân viên cũng đang theo dõi bạn. Khi chính bạn không hoàn thành công việc, đừng cố bào chữa mà hãy xin lỗi và làm tốt hơn trong thời gian tới, giống như những gì bạn mong đợi ở nhân viên. Muốn nhân viên của mình làm tốt, trước hết bạn phải là một tấm gương đã.

5. Bạn không tôn trọng nhân viên

Theo nghiên cứu gần đây của Tạp chí Kinh doanh Harvard, 54% nhân viên cảm thấy họ không thường xuyên nhận được sự tôn trọng từ ông chủ.

Sự tôn trọng là một con đường hai chiều. Nếu bạn không tôn trọng nhân viên, tôi đảm bảo họ cũng sẽ không tôn trọng bạn, có thể họ không thể hiện ra mà thôi.

Trách mắng nhân viên trước mặt khách hàng, không công nhận thành tích của họ hay không lắng nghe phản hồi của họ là một số biểu hiện của sự không tôn trọng.

Bất kể bạn cảm thấy thế nào, trước hết, hãy tôn trọng nhân viên bằng phép lịch sự cơ bản đã.

6. Bạn đổ lỗi cho người khác

Đổ lỗi cho nhân viên không chỉ khiến bạn không nhận được sự tôn trọng, mà đó còn là hành vi không chấp nhận được.

Một nhà lãnh đạo vĩ đại nên biết cách nhận trách nhiệm về mình khi có sai lầm xảy ra. Điều này không có nghĩ là bạn luôn phải trở thành “vật tế”, là người “đứng mũi chịu sào” nhưng bạn cũng cần biết đâu là sai lầm của mình và sửa chữa nó.

7. Bạn không quan tâm đến cuộc sống cá nhân của nhân viên

Bạn không cần phải biết mọi thứ về cuộc sống cá nhân của nhân viên nhưng bạn sẽ tạo nên sự khác biệt lớn nếu thể hiện sự quan tâm với nhân viên của mình.

Khi nhân viên của bạn đang gặp những rắc rối trong cuộc sống, bạn hãy thể hiện sự quan tâm của mình và giúp đỡ họ nếu có thể. Một chút quan tâm từ ông chủ thôi sẽ giúp bạn có được sự tin tưởng và tôn trọng dài lâu từ nhân viên.

8. Bạn không tự nhận thức được khả năng của mình

Những nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ đánh giá chính xác kỹ năng và khả năng của mình. Thay vì “giả vờ” rằng mình biết tất cả mọi thứ, bạn hãy nhìn thực tế vào điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình.

Khi thấy được điểm yếu của mình, bạn có thể thuê những người giỏi về vấn đề đó để lấp đầy khoảng trống.

Theo nghiên cứu, sự tự nhận thức không chỉ giúp nhà quản lý có được sự tôn trọng, mà còn giúp doanh nghiệp đạt được kết quả chiến lược và tài chính tốt hơn.

9. Bạn không giỏi giao tiếp

Bạn mong rằng nhân viên giao tiếp hiệu quả với mình, nhưng chính bạn lại không làm được như thế? Bạn có nhanh chóng trả lời email của nhân viên? Bạn có thực sự lắng nghe khi họ trình bày ý tưởng?

Giao tiếp hiệu quả là một kỹ năng cần thiết, và nó phải được thực hiện liên tục theo thời gian. Nếu bạn không mô hình hóa giao tiếp kịp thời và hiệu quả với nhân viên của mình, bạn sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng từ họ.

Khánh Hằng

Inc-asean

Trở lên trên