Những mặt hàng Trung Quốc nào vào Việt Nam nhiều nhất trong nửa năm nay?
Theo công bố của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2016, các mặt hàng chính nhập khẩu từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày và sắt thép.
- 10-05-2016Lo lắng vì hàng nhập khẩu Trung Quốc
- 14-04-2016Bảo hộ nhãn hiệu dâu tây Đà Lạt để ngăn hàng Trung Quốc
1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng
Nhập khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt gần 13,09 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khối doanh nghiệp có vốn FDI đạt kim ngạch 7,07 tỷ USD, chiếm 54,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam với trị giá gần 4,16 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 31,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo lần lượt là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU,…
2. Vải các loại
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch hơn 2,63 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 52% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Tính chung về tình hình nhập khẩu vải các loại, tính đến hết tháng 6/2016, nhập khẩu vải các loại đạt gần 5,06 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn FDI nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
3. Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy
Tính đến hết nửa đầu năm nay, nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,53 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khối doanh nghiệp có vốn FDI nhập khẩu đạt gần 1,82 tỷ USD, chiếm 72% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 920 triệu USD, chiếm 36,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc đạt 392 triệu USD, chiếm 15,5%.
4. Sắt thép
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 5,63 triệu tấn, trị giá hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 58,3% về lượng và 55,2% về trị giá. Theo sau là Nhật Bản với 1,47 triệu tấn, trị giá 592 triệu USD, chiếm 15,2% về lượng và 15,5% về trị giá.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2016, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 9,66 triệu tấn, trị giá 3,81 tỷ USD, tăng 43,9% về lượng, tuy nhiên chỉ tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
BizLIVE