Những ngân hàng nào đã sạch nợ xấu tại VAMC?
Đã có 19 ngân hàng tất toàn toàn bộ nợ xấu VAMC, trong đó có 7 ngân hàng mới hoàn thành trong năm nay. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đang nỗ lực với mục tiêu sạch nợ xấu VAMC trong năm 2020.
Mới đây, ngân hàng VietinBank đã công bố hoàn thành tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngân hàng cho biết, bằng việc tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt, tháng 10/2020, ngân hàng đã tất toàn toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo kế hoạch.
Theo đó, VietinBank là ngân hàng thứ 19 đã tất toán toàn bộ nợ xấu VAMC, bên cạnh Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB Bank, SeaBank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank.
Trong 19 ngân hàng trên, VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank, VietBank là những ngân hàng mới sạch nợ xấu tại VAMC trong năm nay. Đây là nỗ lực rất lớn của những ngân hàng này, bởi cuối năm 2019, nhiều nhà băng trong số này vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC. Chẳng hạn, cuối năm 2019, mệnh giá trái phiếu đặc biệt tại VietinBank còn tới 12.781 tỷ đồng (trong đó đã được trích lập hơn 6.500 tỷ); BIDV cũng còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC (đã trích lập 6.300 tỷ).
Danh sách những ngân hàng sạch nợ VAMC dự kiến sẽ có thêm nhiều thành viên mới nữa trong thời gian tới khi nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu sớm mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020.
Chẳng hạn, trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu ngân hàng của NHNN…Hay ABBank tại ĐHĐCĐ thường niên cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 không còn nợ xấu bán cho VAMC.
Quan sát BCTC cho thấy, cuối tháng 9/2020, số trái phiếu đặc biệt VAMC tại Eximbank còn 2.775 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 4.434 tỷ đồng hồi đầu năm; trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt là 918 tỷ đồng. Còn tại ABBank, cuối tháng 6/2020, giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC mà ngân hàng đang nắm giữ là trên 1.600 tỷ, tăng hơn 600 tỷ so với hồi đầu năm.
Một số ngân hàng đang còn lượng lớn nợ xấu VAMC cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2020. Tại Sacombank, ước tính giá trị trái phiếu VAMC đã giảm hơn 2.600 tỷ trong 9 tháng đầu năm, trong khi ngân hàng tiếp tục tăng dự phòng rủi ro. Còn tại SCB, ngân hàng không đẩy thêm nợ xấu sáng VAMC trong 9 tháng đầu năm, trong khi đó tăng trích lập dự phòng từ 6.900 tỷ lên hơn 8.300 tỷ đồng.
Giai đoạn 5-7 năm trước đây, nợ xấu bán cho VAMC là một trong những giải pháp xử lý về mặt kỹ thuật hạch toán, giúp bảng cân đối của các ngân hàng được đẹp hơn, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh những năm khó khăn chứ chưa giải quyết được bản chất nợ xấu. Trên thực tế, khối nợ xấu VAMC sớm muộn cũng sẽ quay trở lại nhà băng sau khi trái phiếu đặc biệt hết thời hạn. Ngoài ra, đẩy nợ xấu sang VAMC nhưng hàng năm, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao.
Do đó, trong 2-3 năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh việc mua lại nợ xấu tại VAMC khi có điều kiện tốt hơn: lợi nhuận cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm.
Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu VAMC cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong thời gian tới khi nợ xấu nợ bảng có chiều hướng gia tăng do tác động của Covid-19. Bởi thống kê từ BCTC Hợp nhất quý 3/2020 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 đã tăng 29,5% so với đầu năm lên hơn 111.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay của 27 nhà băng này cũng đã tăng đáng kể từ 1,45% lên 1,78% trong 9 tháng đầu năm.