MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngày 1/2 số cổ phiếu trên thị trường có giá trên 100.000 đồng, nay còn đâu...

Trong khi hàng loạt chỉ số lớn của thế giới liên tục lập mức đỉnh cao nhất trong lịch sử thì VNIndex vẫn chỉ bằng 60% so với mức đỉnh lịch sử thiết lập cách đây tròn 10 năm.

Cách đây 10 năm, ngày 12/3/2007, chỉ số VnIndex đã xác lập mức kỷ lục 1170,68 điểm – con số mà TTCK Việt Nam chưa thể lặp lại trong suốt 1 thập kỷ qua. Ngay sau khi xác lập kỷ lục này, TTCK Việt Nam đã bước vào giai đoạn sụt giảm mạnh và có thời điểm chỉ số VnIndex rơi xuống mức 235 điểm vào đầu năm 2009.

Sau đợt lao dốc dữ dội này, chỉ số VnIndex đã và đang dần hồi phục trở lại. Trong những tháng đầu năm 2017, TTCK Việt Nam diễn ra khá sôi động và VnIndex tiếp tục vượt qua ngưỡng 700 điểm. Dù vậy, con số này vẫn chỉ bằng 60% so với mức đỉnh được ghi nhận cách đây 10 năm.

Trong 10 năm qua, TTCK Việt Nam nói chung và sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có nhiều thay đổi lớn về phương thức giao dịch, số lượng doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản, mặt bằng giá cổ phiếu…

Theo thống kê, sàn HoSE hiện có 303 mã chứng khoán đang niêm yết, gấp 3,6 lần so với con số 84 mã vào tháng 3/2007. Nhờ niêm yết thêm nhiều doanh nghiệp lớn và nhiều cổ phiếu lớn tăng giá so với thời điểm đó nên vốn hóa thị trường HoSE tăng gần 7 lần, dù chỉ số VnIndex chỉ bằng 60% so với 10 năm trước.

Số liệu tại ngày 10/3/2017 cho biết, vốn hóa thị trường của toàn sàn HoSE đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 75 tỷ USD.

Mặt bằng giá cổ phiếu thay đổi hoàn toàn

Cách đây 10 năm, khi TTCK Việt Nam bùng nổ, số lượng cổ phiếu có giá hàng trăm nghìn đồng là không hề nhỏ, thậm chí để tìm được cổ phiếu nào có giá dưới 10.000 đồng gần như là không thể.

Vào phiên 12/3/2007 khi TTCK Việt Nam tạo đỉnh có tới 33 mã chứng khoán có thị giá trên 100.000 đồng. Dẫn đầu là FPT với thị giá 610.000 đồng, tiếp theo lần lượt là SJS 390.000 đồng, HRC 377.000 đồng, BMC 376.000 đồng, REE 280.000 đồng… Chứng chỉ quỹ PRUBF1 khi đó có thị giá thấp nhất HoSE cũng lên tới 15.700 đồng. Những mức giá “trong mơ” này vẫn được duy trì một thời gian dài trước khi VnIndex rơi vào đợt khủng hoảng nặng nề vào năm 2008.

Thời điểm hiện tại chỉ có 13 mã chứng khoán có thị giá trên 100.000 đồng và SAB là mã có thị giá lớn nhất với 211.000 đồng. Trong khi đó, số mã chứng khoán có thị giá dưới 10.000 đồng đang tràn ngập trên thị trường với số lượng ước tính gần 100 mã, tương đương 1/3 số mã niêm yết.

Nhiều gương mặt đình đám dần bị lãng quên nhưng cũng không ít cổ phiếu đã vượt đỉnh 2007

Sau 10 năm thăng trầm của thị trường, có rất nhiều tên tuổi lớn năm xưa vẫn chưa thể vượt qua được cái bóng của chính mình.

Đầu tiên là trường hợp FPT khi thị giá hiện chỉ là 46.000 đồng, kém xa đỉnh cao 610.000 đồng năm xưa. Tuy vậy, điều này không có nghĩa rằng FPT đã mất đi 93% giá trị bởi mỗi khi chia cổ tức, chào bán, phát hành thêm thì giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh kỹ thuật. Mức giá 610.000 đồng của ngày 12/3/2007 sau khi điều chỉnh chỉ còn 68.000 đồng, tức cổ phiếu FPT thực tế chỉ giảm 32% giá trị mà thôi.

Tương tự FPT, các trường hợp SJS, SAM, BMC, AGF…hiện cũng kém quá xa mức giá đỉnh cao năm 2007. Thậm chí, cổ phiếu đình đám một thời là TRI (Tribeco) thậm chí đã phải hủy niêm yết.

Ngược lại, nhiều tên tuổi trên thị trường đã tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và thậm chí cao gấp nhiều lần mức giá năm 2007 (tính theo giá điều chỉnh), như trường hợp VNM, DHG, IMP, RAL, HBC, TCT, HAX,…


VNM, DHG đã vượt gấp nhiều lần mức giá năm 2007

VNM, DHG đã vượt gấp nhiều lần mức giá năm 2007

Thay đổi trụ đỡ thị trường

Cách đây 10 năm, biến động của VnIndex phụ thuộc lớn vào 5 cổ phiếu FPT, VNM, STB, PPC và PVD – những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, chiếm 50% tổng vốn hóa thị trường.

Trong những năm gần đây, việc có nhiều doanh nghiệp mới niêm yết cũng như những biến động mạnh về giá cổ phiếu đã khiến các trụ cột thị trường thay đổi. Hiện tại, chỉ còn VNM vẫn còn hiện diện trong top 5 cổ phiếu ảnh hưởng nhất tới thị trường, những cái tên khác trong top 5 còn có SAB, VCB, VIC, GAS. Tổng vốn hóa của 5 cổ phiếu này lên tới 682 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 30 tỷ USD và chiếm 40% vốn hóa thị trường.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên