Những ngụm bia "đắng" của Sabeco, Habeco: Siết chặt thổi nồng độ cồn, giá nguyên liệu tăng, thêm đại gia ngoại nhăm nhe chia lại thị trường
Cú bắt tay vào cuối năm 2022 giữa đại gia trong ngành bán buôn đồ công nghệ Digiworld với hãng bia Bỉ có doanh số lớn nhất thế giới hứa hẹn sẽ xáo trộn ít nhiều thị trường bia Việt Nam trong thời gian tới.
- 11-05-2023Habeco dự báo năm 2023 đầy khó khăn: Giá Malt tăng 60%, yếu thế hoàn toàn so với Sabeco và Heineken, lợi nhuận thấp nhất 15 năm
- 04-05-2023Cựu Chủ tịch Sabeco chất vấn "người Thái": Thời chúng tôi làm, Heineken luôn đứng thứ 2, tại sao bây giờ họ vượt mặt Sabeco?
- 27-04-2023Tại sao Sabeco lại thay CEO sau khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2022?
Siết chặt quy định thổi nồng độ cồn khiến các công ty bia giảm lượng tiêu thụ trong quý I/2023
Quý I/2023, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) chứng kiến lợi nhuận ròng sụt giảm so với cùng kỳ và không còn duy trì mức trên ngàn tỷ đồng kể từ quý IV/2021.
Sabeco ghi nhận doanh thu thuần giảm 15%, đạt hơn 6.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 967 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Theo Sabeco giải thích, kết quả kinh doanh quý I/2023 suy giảm có nguyên nhân đến từ thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết Nguyên Đán, trong bối cảnh Nghị định 100 (quy định về xử phạt với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia…) được cơ quan chức năng tổ chức siết chặt tại các thành phố trọng điểm. Cùng với đó, những bất ổn kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng chậm lại cũng tác động đến kết quả của doanh nghiệp.
Cùng cảnh ngộ với Sabeco, 3 tháng đầu năm Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã: BHN) cũng báo lỗ sau 12 quý liên tiếp kể từ quý II/2020.
Quý I/2023, Habeco đạt doanh thu thuần 1.173 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng bị co hẹp còn 21%, đồng thời chi phí bán hàng khá cao, dẫn đến lợi nhuận gộp của Habeco sụt giảm mạnh 31%, về còn gần 246 tỷ đồng.
Sau khi trừ thêm các khoản chi phí khác, kết quả lợi nhuận của Habeco quý I/2023 âm gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 35 tỷ đồng.
Theo Habeco, doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn, cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Đồng thời, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm gần 4 tỷ đồng.
Tại miền Trung, một doanh nghiệp sản xuất bia khác là CTCP Đường Quảng Ngãi với thương hiệu bia Dung Quất trong báo cáo quý I/2023 cũng đánh giá sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh do siết chặt việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Dự báo đầu vào tiếp tục tăng cao trong năm 2023
Theo tài liệu đại hội cổ đông mới được công bố, Habeco dự kiến một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia tiếp tục tăng trong năm 2023 như giá bột trợ lọc tăng khoảng 25%, giá hoa houblon tăng khoảng 10%, giá gạo tăng khoảng 4%, giá đường tăng khoảng 8%.
Riêng đối với Malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, trong năm 2022, Habeco đã ký hợp đồng sớm với giá tốt nên giá malt trong năm chỉ tăng khoảng 10% (giá thị trường tăng khoảng 40-50%).
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lợi thế này đã không còn khi mặt bằng giá Malt thế giới vẫn giữ ở mức cao. Vì vậy, giá Malt đầu vào năm 2023 của Habeco tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân mua vào năm 2022.
Vấn đề giá nguyên vật liệu đầu vào không phải là câu chuyện riêng của Habeco. Trong đại hội cổ đông thường niên 2023, đại diện Sabeco cũng nhận định trong năm nay, giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, và đó là một trong số các lý do vì sao Sabeco đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 20% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 7%.
Thêm đối thủ chia lại miếng bánh thị trường
Thị trường bia Việt Nam có giá trị ước tính lên đến 9,2 tỷ USD theo giá trị bán lẻ, Việt Nam là nước tiêu thụ bia thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Theo dự báo của Euromonitor, ngành bia Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm từ 2023 với tốc độ 11%/năm nhờ sự hồi phục của du lịch và kinh tế sau Covid.
Tuy nhiên, phần lớn miếng bánh hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp dẫn dầu bao gồm Heneiken, Sabeco, Habeco, ... và nhiều mảnh ghép rời rạc của những hãng bia địa phương nhỏ và một số thương hiệu nhập khẩu.
Bản thân Habeco trong tài liệu họp ĐHCĐ mới đây cũng nhận định: So với Sabeco, Heineken, những tập đoàn đa quốc gia, nhận được hậu thuẫn to lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính (gấp hàng chục lần so với Habeco), nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động phát triển thương hiệu và thị trường, Habeco hoàn toàn yếu thế hơn.
Cạnh tranh vốn khốc liệt, mới đây lại có thêm nhân tố mới. Cuối năm 2022, Digiworld chính thức bắt tay hợp tác cùng AB Inbev - hãng bia của Bỉ, lớn nhất thế giới về doanh thu. Năm 2022, doanh số toàn cầu của AB Inbev là hơn 58 tỷ USD. Thương hiệu Budweiser thuộc sở hữu của AB Inbev cũng là thương hiệu bia bán chạy số 1 thế giới.
Vậy nhưng con đường chinh phục thị trường bia Việt Nam lại có vẻ không dễ dàng với hãng bia Bỉ này. AB Inbev chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2015, tuy nhiên các nhãn bia Budweiser, Beck’s, Stella Artos, Corona hay Hoegardeen của AB Inbev... chưa thực sự nổi bật trong tâm trí người dùng Việt.
Năm 2022, AB Inbev bắt tay với Digiworld - một đại gia vốn có tiếng trong ngành bán sỉ đồ công nghệ. Digiworld có những thứ mà AB Inbev cần để chiếm lĩnh thị trường như điểm bán, thương mại điện tử, khả năng marketing và phân tích thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cùng hệ thống kho vận lớn ở cả 3 miền.
Các chuyên gia nhận định, cú " rung lắc" của ngành bia trong và sau dịch Covid trở thành cơ hội để các tên tuổi mới chen chân vào chuỗi tiêu dùng của ngành hàng này khi các ông lớn như AB InBev hay Sapporo có những bước đi sâu hơn, thay đổi chuỗi phân phối, lựa chọn nhà phân phối địa phương, xâm nhập các kênh mới và hứa hẹn chia lại miếng bánh của thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam.
Nhịp sống thị trường